Sự Lạc Quan và Tích Cực của Người Phật Tử
Thánh Tri
Thời gian cứ mãi trôi như nước mùa lũ
kéo theo những dòng đời về phương trời vô định. Trong kiếp sống nhân sinh ai
cũng phải trãi qua những thăng trầm của cuộc sống để kinh nghiệm được những bài
học vô giá của trường đời. Những bài học ngọt ngào dễ chịu thì làm cho lòng ta ấm
áp, hưng khởi, và tràng đầy sự sống. Những bài học nào chua sót đắng cay thì
làm cho ta khổ đau, lệ trào, và mất đi ý chí để sống. Song, dù ta có học được
bài học dễ chịu hay khó chịu từ trường đời, thì đó cũng là những bài học nền tảng
vững chắc làm giàu kinh nghiệm để ta có thể bước đi thong dong và vững chãi trên
cuộc đời.
Đôi khi thất vọng và buồn phiền về những
sự thật tái tê mà dòng đời đã đưa đẩy, đến nỏi cuộc sống trở nên chán trường và
vô nghĩa. Nhưng thay vì bi quan về quá khứ chẳng thể thay đổi được và chẳng có
lợi ích gì, thì sao không cởi mở lòng và nhìn xa để lạc quan hơn trong hiện tại
và tương lai? Đức Phật cũng từng dạy con người phải sống lạc quan và tích cực
chứ đừng bi quan và tiêu tực qua câu nói:
“Quá
khứ không truy tìm
Tương
lai không ước vọng.
Quá
khứ đã đoạn tận,
Tương
lai lại chưa đến,
Chỉ
có pháp hiện tại
Tuệ
quán chính ở đây.
Không
động, không rung chuyển
Biết
vậy, nên tu tập,
Hôm
nay nhiệt tâm làm,
Ai
biết chết ngày mai?
Không
ai điều đình được,
Với
đại quân thần chết,
Trú
như vậy nhiệt tâm,
Ðêm
ngày không mệt mỏi,
Xứng
gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc
an tịnh, trầm lặng.”
Tuyệt thay lời nói ấy! Đừng truy tìm quá
khứ vì quá khứ đã đoạn tận, cũng đừng ước vọng về tương lai vì nó chưa đến. Có
tìm về quá khứ hay ước vọng về tương lai cũng chỉ là những tự ngôn tự ngữ lăng
xăng thuộc vọng tâm sinh diệt, chỉ phí sức và làm nhọc nhằn thêm thôi. Nếu đem
cái tâm quán niệm sở quán (hay chánh niệm tỉnh giác) trong hiện tại thì cũng chỉ
là tạm lấy đá đè cỏ, chế ngự tâm ý và được an định nhứt thời mà thôi. Vì sao vậy?
Vì năng sở chưa vong, người kiểm duyệt tâm (năng quán) và kẻ bị kiểm duyệt (sở
quán) cũng là một tâm. Hơn nữa, tâm vô hình, vô tướng, vô sở y thì làm sao nắm
bắc được? Do vậy kinh Kim Cang nói tâm ba đời bất khả đắc. Đã không thấy và nắm
bắc được thì làm sao quán niệm? Nếu có quán niệm cũng chẳng qua là quán niệm về
những vọng tưởng sinh diệt của đối tượng tâm ý mà thôi. Do vậy đem tâm năng
quán để quán tâm sở quán cũng chưa phải gọi là “tuệ quán chính ở đây” bởi còn
năng sở. Trí Tuệ Bản Nhiên là trí tuệ vượt ngoài tương đối, vậy trí tuệ bản
nhiên chỉ có thể có được khi hành giả tẩy sạch căn trần hay năng sở.
Nếu có thể quét sạch mọi tự ngôn tự ngữ thuộc
vọng tâm (cất hết sở niệm hay sở quán) thì mới được tâm không động không rung
chuyển. Tâm không động không rung chuyển ấy mới là bản tính tịch nhiên vắng lặng
chiếu soi trong cõi lòng ngay hiện tại vậy. Người làm được như vậy mới gọi là
Nhứt Dạ Hiền Giả và là bậc An Tịnh Trầm Lặng tuyệt đối. Việc cất hết sở niệm
hay sở quán là một việc làm của sự nhiệt tâm, ngày đêm không mệt mỏi. Bơi ngược
dòng nước đã khó, thì đi ngược dòng đời (cất hết sở niệm) lại càng khó hơn. Do
vậy đòi hỏi hành giả phải miên mật công phu không gián đoạn, mới có ngày triệt
ngộ. Đây chính là chỗ tích cực của Phật giáo.
Muốn theo đức Phật tu giải thoát giác ngộ
thì chúng ta phải lạc quan và tích cực mới ngược dòng đời vào chốn vô sanh giải
thoát. Còn nếu ta bi quan và tiêu cực thì mặt tình cho dòng đời cuốn trôi, lên
đên trôi dạc trong vòng samsara về phương trời vô định, không tự chủ được.
Nếu không thể theo Phật tu giác ngộ giải
thoát vì gia duyên còn bận biệu thì chỉ cần theo lời Phật dạy về giáo lý Duyên
Sinh và sống trọn đời đúng với Nhân Quả. Như Phật từng nói, “Đừng làm các điều ác, vân làm các điều
lành, giữ tâm ý trong sạch.” Một điều thiện nhỏ cũng chớ bỏ qua, một điều
ác nhỏ cũng cần phải tránh. Những việc bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch cũng
là những hành động vô cùng tích cực trong cuộc sống hầu giúp cho cuộc đời thêm
tươi đẹp và cuộc sống trở nên sinh động và lạc quan hơn.
Sống đúng với Nhân Quả là cách sống thực
tế và trung trực nhứt. Nó sẽ mang lại những điều tốt đẹp, bình an, và lợi ích
cho mình và những người chung quanh mình trong hiện tại và mai hậu. Thế nào là
sống đúng với Nhân Quả? Như trong “Bài Học
Ngàn Vàng” có dạy, trước khi làm một điều gì, chúng ta cũng phải nên suy
xét cái hậu quả của nó trước rồi mới làm. Nếu hậu quả mang lại kết quả không tốt
cho mình và người thì đừng nên làm. Thí dụ, trước khi chê bai hay nói xấu người
khác, mình cần phải suy nghĩ xem cái hậu quả của nó là gì, có tốt cho mình và
người không? Sau khi suy nghĩ kỹ càng thì vỡ lẽ rằng chê bai hay nói xấu người
khác không có mang lại cho người bị nói xấu lợi ích gì mà còn thêm khổ đau. Còn
người nghe mình nói xấu người khác cũng không có lợi ích gì vì phải nhận những
lời nói bất thiện từ mình, khiến họ khổ tâm và bất an thêm. Còn đối với chính
mình thì cũng không có lợi ích gì vì bị lương tâm ray rứt do biết rõ mình đã
nói xấu người khác là một việc không tốt, còn làm mình bực tức thêm. Thế nên mới
biết người phải chịu sự bực tức đau khổ không phải là ai khác mà là chính mình.
Thế thì mình là người phải chịu tổn thương và đau khổ nhứt khi mình nói xấu người
khác. Việc tai hại như vậy thì tại sao mình phải làm? Suy xét kỹ càng như vậy rồi
thì buông xuống những vọng tưởng khởi lên trong tâm mình bằng cách nhiếp tâm
chánh niệm, hoặc hít thở ra vào vài lần, trong khi hít thở ra vào cần nên nhiếp
tâm vào hơi thở để định tâm lại, hoặc quán vô thường, vô ngã, rằng những vọng
tâm suy nghĩ lăng xăng nầy không phải là mình, của mình, và tự ngã của mình, vì
chúng luôn chuyển đổi sanh diệt vô thường. Và rồi lại nhớ lời Phật dạy: “Tâm đứng đầu các pháp, tâm làm chủ tạo
tác, ý nghĩ ác, lời nói ác, hành động ác, thì quả khổ đau sẽ đến với mình như
bánh xe theo chân con bò. Tâm đứng đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác, ý nghĩ
thiện, lời nói thiện, hành động thiện, thì quả an vui sẽ đến với mình như bóng
với hình.” Nhớ nghĩ lời Phật dạy rồi
thì dừng ngay những ý nghĩ ác, lời nói ác và hành động ác, tức sẽ không chịu quả
báo khổ đau về sau. Nghĩ như vậy thì tự nhiên lòng được an lành, bình yên, và thảnh
thơi, bởi vì biết mình vừa dừng được ý ác, tránh lời nói ác, và hành động ác
cho nên không phải chịu quả báo khổ đau trong hiện tại và về sau. Đó là lý do
vì sao sống đúng với Nhân Quả giúp mình được sống một đời sống tốt đẹp, bình an,
và vui vẻ, hầu giúp cho đời sống mình trở nên lạc quan và tích cực hơn. Hơn thế
nữa, khi mình sống đúng với Nhân Quả được bình an vui vẻ trong hiện tại, thì
người chung quanh mình, xã hội mình, đất nước mình, và thế giới mình cũng được
lây lang cái bình an và vui vẻ, bớt đi cái khổ đau buồn phiền. Sống đúng với
Nhân Quả trong đời sống hiện tại còn giúp mình bồi đắp căn bản Phật học và làm
nền tảng vững chắc trên con đường tu giác ngộ giải thoát cho cuộc đời vị lai của
mình. Bởi vì hiện tại sống đúng nhân quả, nên đời sau được gặt hái những điều
vui và giảm bớt những chướng ngại trên đường tu giác ngộ giải thoát của chính
mình. Do vậy chư tổ có lời dạy: “Thật tế
lý địa bất nhiễm nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xã nhất pháp.” (trên thực tế về lý tánh thì bản tánh không
bị dính một bụi trần nào, nhưng trong tất cả việc làm cũng không bỏ một việc
nào). Thế nên biết dù một việc thiện nhỏ nhoi cũng chớ có bỏ qua vì nó cũng
có thể giúp ta thăng tiến trên con đường giác ngộ, và một việc ác nhỏ nhoi cũng
chớ có làm bởi vì nó cũng có thể chướng ngại ta trên con đường Bồ Đề trong hiện
tại và vị lai.
Đầu Thu, 2015
No comments:
Post a Comment