Thursday, January 3, 2019

QUY SƠN CẢNH SÁCH VĂN HỌC GIẢI






山大圓禪師警策文

QUY SƠN ĐẠI VIÊN THIỀN SƯ CẢNH SÁCH VĂN

BÀI VĂN CẢNH SÁCH CỦA ĐẠI VIÊN THIỀN SƯ Ở NÚI QUY

Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu

Thích Thiện Trí (Thánh Tri) Phỏng Việt Dịch và Viết Bài Học Giải

LỜI TỰA

          Bài Văn Cảnh Sách này là do Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu (năm 771-853) soạn viết để cảnh giác và sách tấn đồ chúng dưới tòa của ngài, vì vậy nên gọi là bài văn Cảnh Sách. Bởi vì ngài khai sơn và ở núi Quy giáo hóa đồ chúng nên gọi là Quy Sơn. Ngài là bậc triệt ngộ xuất chúng dưới tòa của Tổ Bá Trượng, là đời thứ tư của dòng Tào Khê, là người sáng lập ra tông Quy Ngưỡng cùng với đệ tử là Thiền Sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngài đã khai mở huệ nhãn cho không biết bao nhiêu người tăng kẻ tục, và đã từng làm cho Phật Pháp cũng như Thiền Tông được tỏa sáng và hưng thịnh cả một phương trời. Tới nay sức ảnh hưởng của ngài qua những hành trạng, ngữ lục hoặc những lời dạy cao đẹp trong bài văn Cảnh Sách này vẫn còn âm vang trên trang giấy, tỏa sáng trong tâm hồn của những kẻ lầm mê, khiến được chợt tỉnh mà biết đường về.

Đầu năm 2016 chúng tôi có duyên lành được cơ hội phỏng dịch bài Văn Cảnh Sách này của Tổ Quy Sơn Linh Hựu sang tiếng Việt. Trước là để tự mình học hỏi nghiên cứu, cũng như lấy những lời dạy này để tự cảnh sách lấy mình trên bước đường tu học và thực hành pháp giác ngộ giải thoát, trở về với Bản Thể Tuyệt Đối Chân Tâm. Sau là truyền bá rộng khắp cho những ai hữu duyên cũng đồng một lý tưởng duy tuệ thị nghiệp, thượng cầu hạ hóa, xuất nhà phiền não, xuất nhà tam giới, hầu đền đáp một phần nào đó ân đức cao đẹp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, chư liệt vị Tổ Sư cũng như hiện tiền Tam Bảo, Hòa Thượng Bổn Sư, các bậc Thầy và thiện hữu tri thức có công ân giáo dưỡng. Cũng như lời của Tổ Quy Sơn đã dạy, “Nếu có người căn cơ ở bậc Trung, không thể ngay nơi pháp Đốn Ngộ này mà vượt thoát, thì nên ở nơi giáo pháp mà lưu tâm, tìm học kinh giáo, nghiên cứu nghĩa lý cho rõ ràng, truyền bá rộng khắp, tiếp đón diều dắt người đời sau, để báo đền ân đức của Phật.” Mặc dù bài Văn Cảnh Sách này đã được nhiều chư Tôn Đức Tăng dịch giải sang Việt văn, nhưng vì lời văn và dịch giải quá súc tích cao siêu khó cho hàng hậu học chúng tôi lãnh hội được trọn vẹn ý nghĩa thâm sâu của nó nên chúng tôi chẳng quảng ngu hèn, lần mò dịch và giải làm cho bài văn được dễ hiểu, trôi chảy, và gần gủi hơn. Đã đúng ba năm từ khi phỏng dịch bài Văn Cảnh Sách này nhưng mãi tới hôm nay chúng tôi mới có cơ hội viết bài Học Giải cho bài văn này. Trong khi viết bài Học Giải, chúng tôi cũng có chỉnh sửa lại một vài chỗ dịch còn sơ sót của ba năm trước, hầu làm cho bài văn được rõ nghĩa, dễ hiểu và trôi chảy hơn. Đề là Học Giải vì chúng tôi còn đang chập chững trên bước đường tu học và thực hành giáo pháp của đức Phật nên Giải là để Học, và Học hiểu và thực hành tới đâu thì Giải tới đó.

Vì vẫn còn ở trên tình thức hiểu biết và phân biệt, nên chắc chắn bài Học Giải này của chúng tôi sẽ còn nhiều chỗ sai sót, chưa thông suốt và lột hết được ý nghĩa thâm sâu của bài văn này. Vì vậy, kính mong các bậc tiền bối, các bậc thầy, các vị thiện hữu tri thức gần xa, từ bi lượng thứ và góp ý chỉ dạy thêm cho chúng tôi cùng tất cả mọi người được triêm ân pháp lạc.

Sau cùng, chúng con xin thành tâm cảm niệm ân đức cao cả của Tam Bảo đã làm chỗ quy hướng tinh thần cho chúng con trên bước đường tu Đạo. Chúng con thành kính cảm niệm công đức của Tổ Quy Sơn Linh Hựu đã viết bài văn tuyệt vời này để cảnh sách và chỉ bày cho chúng con, con đường hướng thượng đến giác ngộ giải thoát. Đặc biệt, chúng con xin thành kính cảm niệm công ân giáo dưỡng của Hòa Thượng Bổn Sư, ngài Thượng Minh Hạ Điền đã từ bi dìu dắt, mở đường chỉ lối cho chúng con được nương nơi pháp Đốn Ngộ của Phật, Tổ mà trực thẳng nơi tâm đến bờ Diệu Giác, chẳng còn sợ bị lầm đường lạc lối nữa. Vì vậy chúng con xin nguyện y giáo phụng hành để đáp đền thâm ân cao cả của Thầy. Chúng con cũng xin thành kính tri ân tất cả những đàn na tín thí đã bố thí cúng dường để chúng con có thể yên ổn tu học và tu hành, cũng như những bậc thầy lành bạn tốt đã không ít nhiều cũng có phần ảnh hưởng cái thiện cái lành đến chúng con, và chúng con cũng học hỏi được nhiều từ các thầy các bạn. Nếu có chút phước lành nào trong việc dịch giải bài văn này, chúng con xin nguyện hồi hướng và chia sẽ đến tất cả các vị thầy bạn, huynh đệ, đàn na, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, thiện hữu và ác tri thức, tất cả kẻ oán người thân, oan gia trái chủ nhiều đời, cùng pháp giới chúng sanh đều được lợi ích an vui giải thoát.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tháng Giêng năm 2019
Nhân Khóa Tu An Cư Kiết Đông 2018 tại Liên Hoa Đạo Tràng
Thích Thiện Trí kính viết





山大圓禪師警策文
Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách Văn
Bài Văn Cảnh Sách Của Đại Viên Thiền Sư ở Núi Quy
Tác Giả: Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu

Đoạn 1
Hán-Việt:
Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành. Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội.

Việt:
Do nghiệp lực trói buộc mà có thân, nên chưa thoát khỏi các khổ lụy về thân. Thọ nhận cái tinh huyết của cha mẹ, lại vay mượn các duyên mà hợp thành. Tuy nương nơi bốn đại mà duy trì, nhưng bốn đại ấy thường chống trái lẫn nhau.

Học Giải:
Chua chát thay! Chúng ta có được thân này là do sức mạnh của nghiệp tạo tác bằng thân, miệng, và ý, huân tập tích lũy trong quá khứ dù thiện hay ác. Những hạt giống thiện ác đó được chứa trong kho A Lại Da Thức và vận hành không ngừng để tạo thành dòng chảy samsara bất tận nên gọi là nghiệp lực, cũng gọi là hành uẩn. Mạt Na Thức bị những hạt giống thiện ác đó kéo đi lưu chuyển sinh tử để lãnh những quả báo tốt xấu khổ vui tương xứng. Do nhờ một chút phước báo của đời trước mà nay chúng ta được thân người. Tuy hơn những loài khác ở trí khôn nhưng cũng là do nghiệp lực lôi kéo ràng buộc, chứ đâu phải do nguyện lực mà sinh, nên chẳng được đến đi tự tại. Vì thế chúng ta bị nghiệp lực dẫn đi quanh quẩn ở trong ba cõi sáu đường không lúc nào ngừng nghỉ hay ra khỏi được. Đó cũng là do chúng ta bị tình thức che lấp Tâm Tánh, chẳng biết chính mình thật sự là ai hay là gì, nên không tự làm chủ được mình. Một khi đã mê Tâm Tánh thì cứ một bề nhận vọng làm chơn, nhận giặc làm con, nhận vật làm mình, mà tạo bao nghiệp thiện ác vì cái tâm phan duyên, hư vọng, chấp ngã chấp pháp, suốt ngày rong ruổi theo trần cảnh này. Do vậy, đành phải theo nghiệp thọ báo thân, ra vào lên xuống trong ba cõi sáu đường, chịu đủ mọi sự nhọc nhằn đau khổ.

Lúc còn sống thì tâm thức vọng khởi ba độc tham sân si, để tạo tác ra bằng thân bằng miệng, dung chứa bao thứ phiền não ô nhiễm của cả một đời; đến khi thân chết, rã tan rồi, thần thức chẳng còn chỗ nương gá duy trì nên tùy nghiệp thọ sanh, đi vào các loài để thọ báo thân kế tiếp. Do cảm quả báo của loài người mà gá vào bào thai, được kết tụ từ hai chất máu mủ hôi tanh là tinh cha và huyết mẹ. Mới đầu là vài tế bào, sau là nhiều tế bào được sinh chia, và được nuôi dưỡng bằng máu tanh trong tử cung của mẹ. Lấy máu tanh chuyển thành da thịt xương để kết thành hình người đầy đủ đầu, mắt, tay, chân, nội tạng, v.v... Máu của mẹ được cấu tạo bằng những thức ăn nước uống ở bên ngoài. Mà xét cho cùng, chúng cũng chẳng ngoài bốn đại là đất, nước, gió, và lửa. Vì thế, thân vật chất này cũng là do bốn đại các duyên giả hợp mà thành. Đến chín tháng mười ngày thì chui ra từ đường bẩn thỉu chật hẹp. Sau đó phải tiếp tục vay mượn những thức ăn vật thực ở bên ngoài để duy trì thân tứ tại. Vậy nên hằng ngày phải thường xuyên tiêu hóa và bài tiết những chất bất tịnh cho đến khi lìa đời. Tuy do bốn đại duy trì nhưng chúng thường chống trái lẫn nhau nên thành các bệnh khổ. Đại khái nước nhiều thì cúm lạnh, lửa nhiều thì khô khan, gió nhiều thì đau nhức, đất nhiều thì nặng nề. Suy cho cùng thì tất cả các bệnh đều là do bốn đại bất hòa mà ra. Muốn thân được an thì phải khéo điều hòa bốn đại, ăn uống phải biết tiết chế, điều độ, cử kiên. Người biết điều thân mà đôi khi bốn đại còn bất hòa, huống chi người chẳng biết điều thân. Thế mới hay đã là thân thọ báo thì làm sao thoát được những cái khổ lụy của thân? Có sanh thì ắt phải có già, bệnh, và chết. Đó là bốn thứ khổ chính chung không chỉ riêng của loài người mà còn cả muôn loài chúng sanh khác nữa. Nói rộng và sơ lược thì có tứ khổ và bát khổ, nói hẹp và chi tiết thì có muôn vàng cái khổ li ti tương quan không thể kể hết. Trong khắp cả bầu trời này, người dù giàu hay nghèo, lớn hay bé, già hay trẻ, trai hay gái đều có những sự khổ chung và riêng; không một ai mà không có khổ, bởi không một ai mà không bị nghiệp thức ràng buộc lôi kéo.

Rõ ràng từ sắc chất đến tinh thần, thân mạng con người đều bắt đầu bằng những chất liệu ô nhiễm và tâm tham chấp ái dục mà ra. Hơn nữa, từ sắc thân đến tâm ý là vô thường, khổ, vô ngã. Phật dạy những gì là vô thường, khổ, vô ngã thì chúng chẳng phải là ta, của ta, và tự ngã của ta (Kinh Vô Ngã Tướng). Thế thì cái thân tâm giả hợp này có chi đáng để tự hào yêu mến tham chấp? Trong khi cái Thể Tánh chân thường, chân lạc, chân ngã, và chân tịnh nơi chính mình thì bỏ quên, đánh mất, chẳng biết, chẳng nhận, chẳng chịu quay về. Do vậy cả một đời lầm lạc, bỏ gốc theo ngọn, hiệp trần bối giác, đánh mất bản lai diện mục, cam chịu làm gả cùng tử, buông tâm chạy đi rong ruổi trên đường sanh tử, không hẹn ngày về. Thật đau xót thay! Nếu là người có chút giác tỉnh, có ý trở về, thì phải trước quán xét cái thân bất tịnh, vô thường, khổ, vô ngã, do nghiệp do duyên tạo thành mà buông xuống, đừng tham chấp, đừng lầm nhận cho nó là mình, của mình, và tự thể của mình. Kế lại, dóc hết thân tâm, chẳng duyên cảnh khác, một đời không đổi, miên mật rõ ràng, tự quán vào trong để tìm cho ra cái bộ mặt thật của mình trước khi cha mẹ sanh ra là Gì? Hay “Khi cha mẹ chưa sanh, ta Là Gì?” Hỏi và tìm liên tục cho đến khi thông suốt rõ ràng cái “bản lai diện mục” (bộ mặt xưa nay) của mình mới thôi. Nếu thông suốt được bản lai diện mục của mình thì mọi sự khổ đau mới được chấm dứt hoàn toàn, trở về với cái Thể Tánh Thường Tịch Quang vốn sẵn có nơi mình, ở trong Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh, làm người Tuyệt Học Vô Sự, và được Tự Do Tự Tại.
Đoạn 2
Hán-Việt:
Vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế. Thí như xuân sương, hiểu lộ, thúc hốt tức vô, ngạn thọ, tỉnh đằng, khởi năng trường cửu. Niệm niệm tấn tốc, nhất sát-na gian, chuyển tức tức thị lai sanh. Hà nãi yến nhiên không quá?

Việt:
Vô thường già bệnh không hẹn một ai. Sớm còn tối mất, trong khoảng sát-na đã qua đời khác. Giống như sương của mùa xuân, móc của ban mai, chốc lát liền không, như cây bên bờ vực, như những thực vật leo mọc trên vách giếng, làm sao có thể lâu bền được!? Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, trong một sát-na, chuyển hơi thở thì đã là đời sau. Làm sao có thể yên lòng để đời mình trôi qua một cách vô ích như thế được?

Học Giải:
          Cái thân đã do tứ đại hòa hợp mà sanh, biệt ly mà diệt, thì đâu thể lâu bền được. Từ lúc sanh tới lúc tử, thân tâm luôn đổi thay nên gọi là vô thường. Thế nên sáng thấy đó tối liền mất đó, hoặc mau một tí thì trong khoảng sát na đã buông xã báo thân, tiếp tục theo nghiệp theo duyên, nương gá vay mượn một hình hài mới ở đời khác. Ôi! Thân người thật là mong manh tạm bợ! Nó giống như sương của mùa xuân, lúc sáng thì còn động lại trên đầu ngọn cỏ, khi nắng lên thì bóc hơi tan mất. Hoặc như cây cỏ leo mọc bên bờ vực thẳm, chỉ cần gió mạnh một tí, hay đất sạt lở một chút là ào xuống vực sâu. Kinh Pháp Hoa nói, “Tam giới vô an du như hỏa trạch” (Tam giới không an giống như nhà lửa). Ngọn lửa vô thường sanh già bệnh chết đang ùa ập tới ta, đang đun sôi lấy ta, vậy thì làm sao ta có thể ngồi yên cho được? Khi sanh ra mỗi người đều đã mang cho mình một án tử hình. Chúng ta là những tử tù ở trong khám Ta Bà chờ ngày hành quyết. Thử nghĩ xem, người tử tù ở trong ngục biết mình sắp bị xử tử, thì họ đâu có cần để tâm đến mọi thứ trên đời nữa, chỉ thầm ước mong có được một tờ giấy ân xá miễn tử. Trong khi ngay hiện tại, chúng ta cũng là tử tù ở trong khám Ta Bà, lại được đức Phật chỉ bày cho con đường giải thoát (tờ giấy ân xá miễn tử) mà chẳng chịu để tâm lưu ý tới. Cứ ở trong ấy, toan tính lo nghĩ và làm những chuyện không đâu, tất bật hơn thua với đời, cũng chẳng biết chính mình là ai, lại tự gán cho mình một lý lịch mơ hồ không đâu, còn tích cực xây dựng cuộc đời mình trên bãi cát. Đương lúc hăng say xây dựng thì thần chết lại đến, giựt sập cái lâu đài ảo tưởng của tâm thức dựng lập. Bao nhiêu sự cố gắng và nỗ lực, bao nhiêu thứ mong manh tạm bợ mà ta đã cố gắng đắp xây, nương tựa và duy trì, hết thảy nhất thời đều tan thành mây khói. Đến lúc đó chúng ta mới hốt hoảng và vỡ lẽ rằng mình đã lảng phí cả một đời để theo đuổi những thứ hư vọng, không có thời giờ để nghĩ đến chân lý, tu đạo giác ngộ giải thoát. Và khi chợt hiểu như thế thì đã muộn màng.

Tâm niệm cũng lăng xăng dời đổi vô thường nhanh chóng nối nhau không dứt, một hơi thở ra không vào thì đã là đời sau. Thân và tâm đều vô thường đổi thay một cách nhanh chống. Và sự vô thường này cũng không hẹn một ai, bởi cái chết nó có thể đến với bất kỳ ai trong mọi lúc mọi nơi. Tất cả mọi người dù vua dân, giàu nghèo, sang hèn, già trẻ, nam nữ, đẹp xấu, v.v… ai rồi cũng phải chết. Kẻ đi trước người đi sau, không ai tránh khỏi được. Đó là một sự thật của cuộc đời mà chúng ta phải hiểu rõ và chấp nhận. Vô thường già chết đã không hẹn một ai thì chúng ta làm sao có thể hẹn cái việc tu hành của mình được? Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy mạng người chỉ ở trong hơi thở. Như vậy thì làm sao ta có thể ngồi chơi nhàn nhã cho qua ngày tháng vô ích như thế được? Bởi thế hằng ngày hằng giờ, hằng phút hằng giây, cho đến trong từng hơi thở ra vào, chúng ta phải gắng nhớ hạ thủ công phu cho miên mật. Xin đừng hẹn chờ để ngày tháng luống uổng trôi qua, bởi một khi mất thân người thì muôn kiếp khó có lại được!


Trong Kinh Pháp Cú Hán Tạng hoặc Kinh Nhật Tụng, Đức Phật dạy như sau.



Hán-Việt:
“Thị nhật dĩ quá
Mạng diệc tùy giảm
Như thiểu thủy ngư
Tư hữu hà lạc?

Đại chúng!
Đương cần tinh tấn
Như cứu đầu nhiên
Đản niệm vô thường
Thận vật phóng dật.”
Việt Dịch:
“Một ngày đã qua
Mạng cũng giảm dần
Như cá thiếu nước
Có gì là vui?

Đại chúng!
Ngay đây phải tinh tấn
Như cứu lửa cháy đầu”
Thường nhớ nghĩ vô thường
Cẩn thận đừng có buông lung.”




Đoạn 3
Hán-Việt:
Phụ mẫu bất cung cam chỉ, lục thân cố dĩ khí ly, bất năng an quốc trị bang, gia nghiệp đốn quyên kế tự, miến ly hương đảng, thế phát bẩm sư. Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức, huýnh thoát trần thế, ký kỳ xuất ly.

Việt:
Đối với cha mẹ không dâng cho miếng ăn ngon ngọt, quyến thuộc cũng quyết rời bỏ xa lìa, không thể trị an việc nước, lại chấm dứt nối dõi nghiệp nhà, xa làng bỏ xóm, cắt tóc vâng thầy học Đạo. Vậy nên, bên trong cần nhớ và luôn gìn giữ công phu cho miên mật, bên ngoài thì mở rộng cái đức hạnh không tranh chấp, xa rời trần thế, quyết chí kỳ hẹn ngày giải thoát.

Học Giải:
         Người xuất gia chúng ta đã cắt ái từ thân, theo thầy học Đạo chỉ vì một mục đích cao thượng duy nhứt là trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh. Nên chúng ta không thể phụng dưỡng cha mẹ như người tại gia được. Đối với quyến thuộc như cha mẹ, anh em, vợ con (lục thân) thì chúng ta đã cương quyết rời bỏ xa lìa. Đối với quốc gia chúng ta lại không giúp được gì cho việc giàu mạnh, an ổn, và thái bình. Còn đối với gia tộc thì chúng ta cũng không thể sanh con để nối dòng dõi cho tổ tiên. Bao nhiêu việc làm ngoài đời đều đã gạt qua một bên để chỉ chăm lo cho mỗi một việc là giác ngộ giải thoát. Vậy mà chúng ta không chịu dốc sức tinh tấn tu hành để cho cái chí nguyện cao cả xuất gia ban đầu được sớm thành tựu, lại để cho ngày tháng trôi qua vô ích. Có người thì vô chùa nhàn nhã hưởng thụ vui chơi cho qua ngày, có người thì tất bật ngược xuôi đêm ngày chỉ để kết thêm tình thân với thí chủ, buông đây bắt kia, đi ngược lại với cái lý tưởng cao thượng xuất trần ban đầu, lần hồi theo thói quen, ô nhiễm theo đời, trở lại thành người thế tục (thân xuất gia mà tâm chẳng xuất). Nếu như vậy thì việc cắt ái từ thân, xuất gia tu đạo, đâu còn có ý nghĩa gì nữa? Vì thế, Tổ Quy Sơn dạy chúng ta phải nên ở bên trong thì miên mật dụng công tu tập (nội cần khắc niệm chi công), chớ để xao lãng quên mất, còn bên ngoài thì phải mở rộng cái đức Lục Hòa Vô Tranh với tứ chúng và mọi người (ngoại hoằng bất tránh chi đức). Nếu bên trong, niệm niệm luôn hướng đến công phu thì đâu còn thời giờ hay kẻ hở để thấy lỗi kẻ khác mà bất hòa hơn thua với đại chúng. Và ngược lại, nếu cứ phóng tâm ra ngoài mong thấy lỗi người thì bên trong hoàn toàn không giữ được sự công phu tu hành của mình. Cho nên đức Lục Tổ dạy, “Thường tự kiến kỷ quá, dữ đạo tức tương đương” (thường tự thấy lỗi mình, cùng đạo tức tương đương). Lại nói, “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá” (nếu là bậc chân tu, không thấy lỗi thế gian). Thường biết lỗi mình tức bên trong có niệm công phu, không xét lỗi người là bên ngoài mở rộng cái đức lục hòa. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng dạy, “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Soi sáng lại chính mình là bổn phận gốc, chẳng từ bên ngoài mà được). Bổn phận chính của người tu là phải xoay trở lại để nhận cho ra mình thật sự là ai hay là gì? Hay nói cách khác là phải “kiến tánh”. Tìm cầu sự giác ngộ giải thoát ngoài Bản Tâm Thanh Tịnh của mình là việc làm mê sảng, bởi sự giác ngộ chẳng lìa Tâm mà có. Tâm chính là Phật, Phật chính là Tâm. Muốn thấy Phật phải liễu Tâm. Nên tìm Phật ngoài Tâm là điều không thể được. Vì vậy, chư Tổ đều dạy mình phải tự hồi quang phản chiếu chứ đừng hướng ngoại tìm cầu. Niệm niệm xoay trở về với Bản Tâm của mình là niệm niệm xa rời trần thế. Phải quyết chí ngay trong đời này giác ngộ giải thoát (huýnh thoát trần thế, ký kỳ xuất ly). Chứ đừng có chần chờ gì nữa, bởi vô thường già chết chẳng đợi chờ mình. Có như vậy thì mới xứng đáng là một người xuất gia chân chính. 

Đoạn 4
Hán-Việt:
Hà nãi tài đăng giới phẩm, tiện ngôn ngã thị Tỷ Kheo? Đàn việt sở tu, khiết dụng thường trú, bất giải thỗn tư lai xứ, vị ngôn pháp nhĩ hiệp cúng. Khiết liễu tụ đầu huyên huyên, đãn thuyết nhân gian tạp thoại. Nhiên tắc nhất kỳ sấn lạc, bất tri lạc thị khổ nhân. Nẵng kiếp tuẫn trần, vị thường phản tỉnh. Thời quang yểm một, tuế nguyệt sa đà, thọ dụng ân phồn, thí lợi nùng hậu, động kinh niên tải, bất nghĩ khí ly. Tích tụ tư đa, bảo trì huyễn chất. Đạo sư hữu sắc, giới húc Tỷ Kheo, tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc. Nhân đa ư thử đam vị bất hưu, nhật vãng nguyệt lai, táp nhiên bạch thủ. Hậu học vị văn chỉ thú, ưng tu bác vấn tiên tri, tương vị xuất gia quí cầu y thực?

Việt:
Tại sao vừa được giới phẩm lại tùy tiện cho mình là bậc Tỳ Kheo? Dùng của thí chủ, ăn của thường trụ, không biết xét nghĩ cho kỹ những thứ ấy từ đâu mà có, lại nói bừa rằng hiến cúng như vậy là lẽ tất nhiên đúng pháp. Ăn rồi, xúm đầu huyên náo, chỉ nói toàn những chuyện tạp của thế gian. Nhưng đó là cái vui nhất thời mà không biết chính cái vui đó lại là nguyên nhân của đau khổ. Bao kiếp đã chạy theo trần cảnh mà chưa từng phản tỉnh. Thời giờ mãi trôi, năm tháng lần lữa, thọ dụng của thí chủ càng nhiều thì lợi của thí chủ càng lớn, trãi qua nhiều năm mà chẳng nghĩ tính đến việc rời bỏ. Tích chứa cho nhiều, cũng chỉ vì nuôi giữ lấy cái thân xác hư huyễn này mà thôi. Đấng Đạo Sư có khuyên răng và khuyến khích Tỳ Kheo phải giữ thân mà tiến trên đường Đạo, còn ba việc ăn, mặt, và ngủ thường ngày đừng nên cho đầy đủ quá. Con người đa số đều đam mê những mùi vị ấy không ngừng, ngày qua tháng lại, thoáng chốc đã bạc đầu. Cho nên kẻ hậu học chưa nghe được ý chỉ huyền diệu của Phật Pháp phải học hỏi sâu rộng với các bậc giác ngộ đi trước, sao lại có thể nói rằng việc xuất gia quý ở nơi cầu cơm no áo ấm?

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn từ bi khuyên dạy chúng ta, đã là người xuất gia, lại lãnh thọ đại giới, lên bậc Tỳ Kheo thì càng phải biết khiêm cung, đầy đủ giới đức và tu đức, chăm lo mỗi một việc là trở về với Tánh Giác nơi mình hay “duy tuệ thị nghiệp” (lấy sự giác ngộ giải thoát làm mục tiêu và sự nghiệp duy nhứt của đời mình). Đôi khi chúng ta mãi rong ruổi theo trần cảnh, chẳng chánh niệm tỉnh giác, cũng chẳng phản quan tự kỷ, nên quên mình đã là người xuất gia đầu trọc, chẳng nhớ cái chí nguyện cao đẹp ban đầu, và quên mất cái bổn phận của mình. Do vậy, thân tuy ở trong chốn Già Lam, mà tâm thì ở ngoài cõi trần tục. Vì thế, những phiền não tệ nạn liền sanh, Tổ thấy vậy nên viết bài cảnh sách này để răng dạy. Những tệ đoan ở chốn tùng lâm đã có từ thời Tổ Quy Sơn hơn ngàn năm trước, huống gì hiện giờ hơn ngàn năm sau ở thời đại chúng ta; những thói hư tật xấu lại càng nhiều không thể nói hết. Như có người vừa mới đăng đàn thọ đại giới, được dự vào hàng Tăng bảo nhưng không biết khiêm nhường mà còn tự cao ngã mạn cho mình là bậc Tỳ Kheo rồi muốn làm gì thì làm, hoặc bắt nạt kẻ khác, đi nghịch với lục hòa, phá rối sự thanh tịnh của thiền môn. Lại tiêu dùng của tín thí và thường trụ một cách phung phí, chẳng biết tiết kiệm, chẳng biết xấu hổ, chẳng biết suy xét những phẩm vật cúng dường ấy từ đâu mà có, ta có đủ đức hạnh và xứng đáng để nhận không, lại cũng chẳng chịu nỗ lực tu hành để thăng tiến trên đường Đạo. Ăn rồi xúm nhau vui đùa ồn náo, chỉ toàn là nói chuyện của thế gian, còn việc lớn sanh tử hay trọng đại xuất thế thì chẳng hề đoái hoài tới dù chỉ một lời, bởi cũng chẳng dám nghĩ tới và cũng chẳng biết gì để nói. Như thế thì tín thí khó tiêu, nợ càng thêm nợ, sa vào địa ngục như tên bắn, khó mong có ngày thoát khỏi được. Chao ôi! Chỉ vì một chút mê muội nhứt thời, chạy theo trần cảnh, được một chút vui giả tạm, mà muôn kiếp phải chịu tai ương, như con thiêu thân đâm đầu vào lửa. Do vậy Tổ bảo, “Nhiên tắc nhất kỳ sấn lạc, bất tri lạc thị khổ nhân. Nẵng kiếp tuẫn trần, vị thường phản tỉnh” (Nhưng đó là cái vui nhất thời mà không biết chính cái vui đó lại là nguyên nhân của đau khổ. Bao kiếp đã chạy theo trần cảnh mà chưa từng phản tỉnh). Con người ai cũng bị đánh lừa bởi vị ngọt giả tạm của dục lạc, chẳng biết đó là chất độc giết người. Vì vậy mới chạy theo và lấy đó làm niềm vui tạm bợ mà chẳng biết đó là nguyên nhân đưa đến bao đau khổ sau này. Trải qua nhiều kiếp tới nay, chúng ta đã lấy khổ làm vui, chỉ vì chạy theo cái bã vinh hoa, cái mồi danh lợi, mà thọ vô số báo thân, trong khắp các loài, ở khắp các đường. Thế mà chúng ta vẫn chưa từng phản tỉnh. Cứ để thời giờ mãi trôi, năm tháng qua ngày, chạy theo cái thú vui ngũ dục, hưởng thụ tiêu xài của đàn na tín thí cho nhiều, trãi nhiều năm mà cũng chẳng hề nghĩ tới chuyện từ bỏ. Nhưng đâu biết rằng mình càng thọ hưởng bao nhiêu của tín thí, thì thí chủ càng được phước bấy nhiêu, còn phần mình thì bị tổn giảm bấy nhiêu, và phải mang nợ đền trả về sau. Suy cho cùng, chúng ta dành cả một cuộc đời chạy theo ngũ dục lục trần và tích chứa cho nhiều, chịu trăm bề khổ cực, lo toan và làm đủ các việc (dù đó là việc ác) cũng chỉ vì để nuôi giữ lấy cái thân xác tạm bợ này mà thôi (tích tụ chư đa, bảo trì huyễn chất). Một khi cái thân xác tạm bợ này mất đi, thì phải theo nghiệp mà thọ báo nơi ba cõi sáu đường. Như vậy có đáng chăng? Hãy bình tâm chính chắn mà suy xét cho kỹ, có người khách nào mà đem hết tâm huyết và tiền của để tô điểm trang trí cho cái phòng trọ của mình chỉ mướn trong vòng vài ngày hay không? Thế mà chúng ta cũng là khách trọ trong cõi Ta Bà, nhưng lại đem hết tâm huyết và tiền của cả một đời để tô đắp cái phòng trọ của mình chỉ trong vòng mấy chục năm ngắn ngủi. Khi chết mới hay rằng cuộc đời như một giấc mộng, mọi thứ chẳng thể đem theo, chỉ có nghiệp báo là theo mình. Vì vậy người xưa nói:


Hán-Việt:
“Nhất nhật vô thường đáo
Phương tri mộng lý nhân
Vạn ban tương bất khứ
Duy hữu nghiệp tùy thân.”

Việt Dịch:
“Một mai vô thường đến
Mới biết người trong mộng
Muôn việc chẳng mang theo
Chỉ có nghiệp theo mình.”


Tổ Quy Sơn có dạy ở phần sau, “con quỷ vô thường giết người không ngừng trong mỗi niệm” (vô thường sát quỷ, niệm niệm bất đình) để cảnh tỉnh chúng ta sự vô thường, sự chết chỉ ngay ở mỗi một niệm sanh diệt mà thôi. Chứ đâu cần chờ đến ngày mai, tháng sau, hay năm tới. Phải luôn nghĩ nhớ đến vô thường ở trong mỗi niệm mà quyết chí tiến tu cầu đạo giác ngộ giải thoát. Bởi chúng ta không biết có còn sống ở cái niệm kế tiếp hay không, huống gì là phút sau, tiếng sau, ngày sau, tháng sau, hay năm sau. Thân tâm luôn đổi thay trong từng niệm từ khi có ý thức cho đến khi thân tan ý thức mất, cả một cuộc đời chỉ thoáng qua như một giấc mộng. Dù cho ta có tạo ra sự nghiệp to lớn, giàu sang, quyền cao chức trọng như thế nào trong lúc còn sống thì cũng vô ích bởi giấc mộng vẫn là giấc mộng. Một hơi thở ra không vào thì đã là đời sau (chuyển tức tức thị lai sanh). Dù người giàu hay kẻ nghèo, lúc mới sanh ra ai cũng hai bàn tay trắng mà đến, thì lúc chết đi ai cũng hai bàn tay trắng mà đi, giống nhau chẳng khác. Duy chỉ có nghiệp nhân mà mình đã gây tạo bằng thân miệng ý cả một cuộc đời theo mình để lưu chuyển mà lãnh thọ những nghiệp quả tương xứng ở những đời vị lai. Tự mình âm thầm và mù mờ sanh ra trong thế giới này, rồi cũng tự mình lặng lẽ và mịt mờ ra đi (tiền lộ mang mang vị tri hà vãng). Tự mình gieo nhân thiện ác, tự mình chịu quả khổ vui tương xứng. Không một ai có thể thay thế, ngay cả người yêu thương mình nhứt như cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, anh em, thân bằng, và quyến thuộc của mình cũng không thể thay thế mình chịu khổ hay hưởng vui được. Hiểu như thế thì từ nay cần phải phát Tâm Bồ Đề, luôn nghĩ nhớ đến vô thường, quý tiếc thời giờ và thân người có được, để tìm các bậc minh sư học Đạo, bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch, hay như cảnh sách nói, “tảo phóng minh sư, thân cận cao đức, quyết trạch thân tâm, khử kỳ kinh cức” (sớm hỏi minh sư, thân cận cao đức, quyết lọc thân tâm, bỏ điều gai góc). Có như vậy chúng ta mới có thể tiến tu giải thoát, ra khỏi nhà mộng, không uổng một đời người khó được, không uổng được xuất gia tu đạo, không uổng của đàn na tín thí, và bốn ân trọng. Nếu đã thân cận minh sư, biết cách tu rồi thì chỉ cần niệm niệm tinh tấn quay về quán chiếu nơi tâm, cất hết mọi sở niệm của thức làm cho “tức ý vong duyên” (dứt ý quên duyên) hay “tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức” (tâm cảnh câu quyên, không nhớ không nghĩ) đến khi nào tỉnh giấc và ra khỏi nhà đại mộng hay triệt ngộ mới thôi.

Đức Phật là bậc thầy dạy Đạo (con đường giác ngộ giải thoát) nên mới gọi là “Đấng Đạo Sư” hay “Thiên Nhân Sư”. Ngài không phải là trời, cũng không phải là quỷ thần, nên không có thể ban phước hay giáng họa cho chúng ta được. Ngài là một người Giác Ngộ. Chúng ta bái Phật làm thầy để nương tựa tu hành hầu được giác ngộ giải thoát cũng như ngài; chứ chẳng phải đến với ngài để cầu mọi thứ dục lạc trên đời như tiền tài, danh lợi, sắc, v.v… Những thứ ấy chỉ là tạm bợ xuất phát từ lòng tham của mình mà ra. Con đường giác ngộ giải thoát của Phật là con đường từ bỏ ngũ dục lục trần thì đâu có lý nào đức Phật lại dạy chúng ta chạy theo lòng tham của mình để cầu xin những thứ đó. Cầu xin tức không thể được, lại không bằng tự mình thực hành theo lời Phật dạy và phù hợp với nhân quả. Như muốn cái quả giàu có sung túc thì phải tu cái nhân bố thí cúng dường, hoặc muốn khỏe mạnh sống lâu thì tránh cái việc sát hại tổn thương chúng sanh, ngược lại còn cứu và phóng sanh. Ở đời phải sống thuận theo nhân quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, chứ chẳng khi nào trồng dưa mà được quả đậu bao giờ. Do vậy, là người Phật Tử dù tại gia hay xuất gia, chúng ta phải có chánh kiến và chánh tín, tức là hiểu rõ lý duyên sinh vô ngã, lý nhân quả ba đời. Làm người Phật Tử mà không hiểu duyên sinh vô ngã, nhân quả ba đời thì sự tà kiến và mê tín dễ sanh. Tà kiến và mê tín nếu sanh thì sẽ đi lệch hướng mà Phật đã dạy. Do vậy, sanh ra nhiều tệ hại và đau khổ cho chính mình và người khác; thế rồi theo nghiệp theo duyên mà vào ra ba cõi sáu đường, chịu khổ vô cùng, không biết bao giờ mới thoát được những lớp mê đến bờ giác ngộ. Vì thế, Phật khuyến khích người xuất gia đặc biệt là hàng Tỳ Kheo phải giữ thân mà tiến trên đường Đạo. Giữ thân tức là lấy giới để giữ thân khẩu ý của mình, để ngăn ngừa ý đừng suy nghĩ việc ác, thân đừng làm việc ác, miệng đừng nói lời ác. Giữ giới thì thân tâm đều an lạc (Giới Thân), do vậy dễ hỗ trợ mình thăng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát, trở về sống được với Pháp Thân đầy đủ Tri Kiến Phật (Huệ Mạng) của chính mình. Nương nới Giới sanh Định, do Định sanh Huệ. Ngược lại nhờ Trí Tuệ soi sáng mà mình chẳng bị cảnh trần lay chuyển, đó gọi là được Định, nên chẳng theo cảnh trần tạo nghiệp bằng thân miệng ý và vì thế luôn được trong sạch, đó gọi là giữ Giới. Do vậy thường quán chiếu vào trong lòng thực tại để dẹp hết mọi sở niệm của thức thì gọi là người trì Tâm Địa Giới.

Đã là người xuất gia thì những việc thường ngày như ăn, mặt, và ngủ thì đừng cho quá đầy đủ. Ăn nhiều thì buồn ngủ và sanh nhiều dục vọng, mà như vậy thì nó não hại mình và khiến công phu mình bị gián đoạn. Đã vì lý tưởng cao đẹp giác ngộ mà xuất gia tu hành, thì cớ gì mình vào chùa chỉ biết ăn, mặt, ngủ không thôi, mà chẳng chịu cố gắng để tâm nơi Tuệ nghiệp? Con người đa số ai cũng đam mê ngũ dục, bị chúng lôi cuốn chạy theo không ngừng, nên năm tháng thoáng chốc trôi qua mà chẳng kịp thở, khi nhìn lại thì mình đã già, uổng cả một đời lo việc không đâu. Do vậy, Tổ khuyên những hàng hậu học sau này nếu chưa được nghe ý chỉ huyền diệu của Phật pháp, thì phải nên tìm khắp các bậc thầy có trí tuệ để học hỏi mà biết đường vào Đạo. Sau đó tự mình phải đi cho đúng để được về nhà, nhận ra được chủ nhân ông hay Tánh Phật nơi mình, mà vượt trên ba cõi, thoát hẳn sanh tử. Có như vậy mới đúng là người xuất gia chân chính. Có như vậy mới là người làm tròn bổn phận và chí nguyện xuất gia cao đẹp của mình. Chứ đâu phải đi xuất gia là vì cơm no áo ấm, tiền tài danh lợi, hay ngũ dục lục trần. Vì thế, Thiền Sư Phù Dung Đạo Giải khuyên chúng ta đừng để danh lợi làm đau mắt mình qua câu, “Ngộ thinh ngộ sắc như thượng thạch tài hoa. Kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết” (Gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong mắt). Phát tâm xuất gia là vì lý tưởng giác ngộ giải thoát, trên cầu Phật Đạo dưới độ chúng sanh. Đó mới thật là chân chính phát tâm xuất gia. Đó mới là chánh nhân xuất gia. Nếu ngoài mục đích ấy mà đi xuất gia thì chẳng phải chân chính phát tâm xuất gia, cũng chẳng phải là chánh nhân xuất gia. Cái tâm ban đầu đã chẳng chơn và cái nhân ban đầu đã chẳng chánh, thì khó mà đi cho trọn con đường xuất gia của mình, tức xuất nhà thế tục, xuất nhà phiền não, và xuất nhà tam giới. Vậy, người xuất gia chúng ta phải suy xét cho kỹ xem coi cái tâm ban đầu nó là chơn hay chẳng chơn, và cái nhân ban đầu là chánh hay bất chánh? Nếu hoàn toàn tâm chơn nhân chánh thì hiện giờ tâm chơn nhân chánh ấy có còn không? Nếu còn thì phải giữ vững mà tiếp tục tiến bước. Nếu không còn thì phải phát khởi trở lại mà cùng tiến bước. Nếu lở như tâm xuất gia ban đầu vốn không chơn và nhân không chánh thì hiện giờ phải quay về để phát khởi cái tâm chân chánh xuất gia đó, và cái nhân chân chính xuất gia ấy mà cùng tiến bước trên con đường giác ngộ giải thoát.


Đoạn 5
Hán-Việt:
Phật tiên chế luật, khải sáng phát mông. Quỹ tắc uy nghi, tịnh như băng tuyết. Chỉ trì tác phạm, thúc liễm sơ tâm, vi tế điều chương, cách chư ổi tệ. Tỳ ni pháp tịch tằng vị thao bồi, liễu nghĩa thượng thừa, khởi năng chân biệt? Khả tích nhất sanh không quá, hậu hối nan truy. Giáo lý vị thường thác hoài, huyền đạo vô nhân khế ngộ.

Việt:
Phật trước chế luật để mở sáng chỗ tối tăm. Phép tắc oai nghi sạch như băng tuyết. Theo nguyên tắc ngưng là giữ, làm là phạm (chỉ trì tác phạm) để kiềm chế kẻ sơ tâm, dùng nhiều điều luật vi tế để trừ bỏ các điều xấu tệ. Nơi truyền dạy giới luật chưa hề thân cận tu tập thì đối với pháp Liễu Nghĩa Tối Thượng Thừa làm sao có thể lãnh hội được? Đáng tiếc một đời bỏ qua vô ích, về sau hối hận cũng không kịp. Giáo lý chưa từng để lòng thì Đạo sâu xa không nhân đâu mà khế ngộ được!

Học Giải:
          Sở dĩ Phật chế giới luật là để điều phục và thanh tịnh hóa thân tâm của người còn đang trên con đường tu đạo. Một khi cái thân an lạc và trong sạch vì không tạo những điều xấu ác nên nó hổ trợ giúp sức cho cái tâm được an định. Khi tâm an định thì dễ xoay vào trong quán chiếu khiến cho mọi sở niệm của tâm thức được tịnh trừ, do vậy mới buông xả được mọi chấp dính nơi tâm, và sự tu hành của mình mới tiến bộ được. Do vậy mới nói, “nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ”. Bằng giới luật chẳng có thì tâm hằng nghĩ điều ác, thân làm việc ác, và miệng nói lời ác. Thân miệng ý đã ác thì sẽ ngăn trở người tu thăng tiến trên đường Đạo. Như giết người tức là phạm giới sát (giết); đây gọi là “tác phạm”. Đã gieo nhân xấu, thì cái quả báo hiện đời là bị bỏ vào tù, suốt đời luôn đau khổ vì lòng ray rứt ám ảnh về những lỗi lầm của mình đã tạo. Thế thì thân dầu ở trần thế mà tâm đâu khác gì ở địa ngục; còn tâm đâu mà nghĩ đến việc tu hành giác ngộ giải thoát? Chưa kể là có thể bị tử hình; một khi chết rồi thì lấy thân nào để tu? Bởi như Tổ Quy Sơn nói, “nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục” (một khi mất thân người thì muôn kiếp khó có lại được). Như vậy thì làm sao sự tu hành có thể thăng tiến cho đặng? Ngược lại, nếu không giết người tức là giữ giới hay “chỉ trì” thì không bị bắt vào tù, thân tâm thanh tịnh an lạc, làm nền tảng tốt đẹp cho sự tiến tu giải thoát. Giới thì có thô có tế. Giới thô dùng để điều phục cái thân, còn giới vi tế thì dùng để điều phục cái tâm. Tuy thân chưa giết người, mà tâm muốn giết, thấy người khác giết lòng vui mừng theo, như vậy là vi tế trong tâm có phạm. Khởi một niệm dù thiện cũng đã trái với giới thể rồi huống chi là khởi niệm ác. Vì vậy người xưa nói, “khởi tâm động niệm liền trái giới thể.” Kinh Địa Tạng cũng nói, “Chúng sanh Nam Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm không gì là không tội.” Do vậy, đức Phật mới chế ra nhiều điều luật vi tế để trừ bỏ những điều xấu tệ, nên Tổ gọi giới luật là “sạch như băng tuyết”. Thế mà có người thọ giới xong thì không ở trường học cho rành rẽ, cũng chẳng thân cận những bậc thầy hiểu thông giới luật của Phật (Luật Sư) để thực hành cho đúng pháp làm cho giới thể và giới tướng trong sạch như băng tuyết. Nếu đã không học cho rành về giới luật, thì dễ phạm giới mà không hay biết. Cái việc căn bản của người xuất gia chúng ta là giữ giới luật mà còn không biết và chưa làm được thì nói gì đến việc tu giác ngộ giải thoát. Nền tảng đã không vững thì làm sao có thể tiến bước lên cao, đến bờ giải thoát bên kia? Do vậy Tổ Quy Sơn mới bảo, “Tỳ ni pháp tịch tằng vị thao bồi, liễu nghĩa thượng thừa khởi năng chân biệt” (Nơi truyền dạy giới luật chưa hề thân cận tu tập thì đối với pháp Liễu Nghĩa Tối Thượng Thừa làm sao có thể lãnh hội được?). Như vậy, giới đã thọ mà không học hiểu cũng không thực hành thì không có gì để thúc liễm thân tâm nên dễ chạy theo trần cảnh. Chẳng chịu sửa đổi những thói hư tật xấu của mình mà còn buông lung phóng túng nên giới luật chẳng được trong sạch. Giới luật đã chẳng thanh tịnh thì đâu khác gì một người thế tục? Ngày qua tháng lại thoáng chốc đã bạc đầu, đáng tiếc một đời người, đáng tiếc một đời xuất gia mà chẳng được lợi ích gì, chỉ tạo thêm nghiệp bất thiện và mang nợ thí chủ. Khi cái già, cái bệnh, và cái chết đến thì quá muộn, có hối hận cũng không còn kịp nữa (Khả tích nhất sanh không quá, hậu hối nan truy). Giới luật đã không học không giữ, còn giáo lý cũng không nghe không tu, thế thì cái giáo lý cao tột thâm sâu của Phật như Tri Kiến Phật, Phật Tánh, Bồ Đề, Niết Bàn v.v… hay Thiền Tông Đốn Ngộ Bản Tâm làm sao có thể khế ngộ (giáo lý vị thường thác hoài, huyền đạo vô nhân khế ngộ)? Do vậy, Tổ Quy Sơn khuyên chúng ta đã là người xuất gia thì trước phải học giới luật cho kỹ càng, sau đó đi tham học giáo lý thâm sâu của Phật ở nơi các bậc thầy hiểu đạo có tu đức, mới có thể tiến bước trên con đường cao siêu giác ngộ giải thoát được. Chứ còn vào chùa chỉ biết có hai thời công phu sáng chiều, đi cúng kiến, tưởng đó là tu, là làm tròn bổn phận, là đủ công phu tu tập, nào ngờ những việc đó chỉ là những việc chẳng chút dính dáng gì đến việc tu giác ngộ giải thoát cả. Đến phút lâm chung vẫn mờ mịt chẳng biết đường đi. Như thế thật là uổng cho một đời tu hành của mình vậy. Thế nên chúng ta phải nghe lời khuyên thiết thực của Tổ mà tự phản tỉnh và y giáo phụng hành mới không uổng một cuộc đời xuất gia tu đạo của mình. 

Đoạn 6
Hán-Việt:
Cập chí niên cao lạp trưởng, không phúc cao tâm, bất khẳng thân phụ lương bằng, duy tri cứ ngạo. Vị am pháp luật, tập liễm toàn vô. Hoặc đại ngữ cao thanh, xuất ngôn vô độ. Bất kính thượng trung hạ tọa, Bà la môn tụ hội vô thù. Oản bát tác thanh, thực tất tiên khởi, khứ tựu quai giác, tăng thể toàn vô, khởi tọa chung chư, động tha tâm niệm. Bất tồn ta ta quỹ tắc, tiểu tiểu uy nghi, tương hà thúc liễm hậu côn, tân học vô nhân phỏng hiệu.

Việt:
Cho đến tuổi đời, tuổi Hạ đều cao, mà bụng rỗng tâm cao, chẳng chịu thân cận bạn lành, chỉ biết nghênh ngang kêu ngạo. Chưa thông giáo pháp và giới luật, nên sự thúc liễm toàn không. Hoặc lời cao tiếng lớn, nói năng vô phép. Chẳng kính các bậc Thượng, Trung, Hạ tọa, chẳng khác gì sự tụ hội của các Bà La Môn. Khua bát ra tiếng, ăn rồi dậy trước, đến đi trái phép, tăng thể toàn không, đứng ngồi lăng xăng, làm động niệm tâm người. Chẳng còn một chút phép tắc, một tí oai nghi nào, thì lấy gì để thúc liễm hậu bối? Còn kẻ mới học cũng không nhân đâu mà noi theo được!

Học Giải:
Tổ Quy Sơn quở những người xuất gia chúng ta mà giới luật không học, giáo lý cũng không tìm hiểu, cứ lần lữa lơ là qua ngày, cho đến khi tuổi đời và tuổi đạo đều lớn, thì dễ sanh ngã mạn. Cho nên Tổ nói “Cập chí niên cao lap trưởng, không phúc cao tâm” (Cho đến tuổi đời, tuổi Hạ đều cao, mà bụng rỗng tâm cao). Cái tâm cao ngạo cho mình là lớn, là tu lâu năm, nhưng không biết gì về giới luật lẫn giáo lý hay kinh nghiệm tu hành của mình để chỉ dạy cho người, và cũng chẳng chịu dẹp bỏ cái “ta” để tìm cầu thiện tri thức chỉ dạy cho phương pháp tu hành nên nói, bất khẳng thân phụ lương bằng, duy tri cứ ngạo (chẳng chịu thân cận bạn lành, chỉ biết nghênh ngang kiêu ngạo). Do không học giới luật, không tìm hiểu giáo lý, không cầu các bậc minh sư chỉ dạy vì lòng ngã mạn cao ngạo, nên chẳng có gì và biết gì để tự thúc thiễm thân tâm nên nói là “vị am pháp luật, tập liễm toàn vô” (chưa thông giáo pháp và giới luật, nên sự thúc liễm toàn không). Do không biết tu hay biết tự thúc liễm thân tâm của mình nên ở chùa mà chẳng biết khiêm nhường, nói năng thô lỗ, la lối lớn tiếng, không có chừng mực, vì thế Tổ quở là “đại ngữ cao thanh, xuất ngôn vô độ” (lời cao tiếng lớn, nói năng vô phép). Đây đều là do lúc ban đầu không chịu học luật nghe pháp, nên không biết giữ thân, chế tâm hay quán xét thân tâm mà buông xả ngã chấp. Vì vậy càng tu lâu năm và lớn tuổi đến đâu thì cái ngã càng lớn tới đó, thay vì càng ít lại. Bên trong thì không miên mật dụng công tu tập, bên ngoài thì chẳng có lục hòa. Thế nên lời cao tiếng lớn, nói năng vô phép, chẳng biết kính nhường các bậc Thượng, Trung, Hạ tòa, giống như các Bà La Môn khi tu hội, ngồi chẳng có thứ tự, chẳng biết kính trọng các vị trưởng lão có đức hạnh. Còn đạo Phật dạy mình phải kính trên nhường dưới, nhu hòa nhẫn nhục, chánh niệm tỉnh giác, giữ thân miệng ý cho trong sạch. Thân tâm đã không thể tự mình thúc liễm thì các việc mình làm hằng ngày đều trái phép và mất hết uy nghi như khua bát ra tiếng, ăn rồi dậy trước, đến đi trái phép, đứng ngồi lăng xăng, làm động niệm tâm người v.v… nói cách khác là “tăng thể toàn vô” tức giới hạnh và uy nghi của một vị Tỳ Kheo đều không có. Tự mình chẳng thể thúc liễm thân tâm của mình thì lấy gì dạy bảo, thúc liễm, và làm gương cho những hàng hậu học về sau?

Đoạn 7
Hán-Việt:
Tài tương giác sát, tiện ngôn ngã thị sơn tăng. Vị văn Phật giáo hành trì, nhất hướng tình tồn thô tháo. Như tư tri kiến, cái vị sơ tâm dung đọa, thao thiết nhân tuần, nhẫm nhiễm nhân gian toại thành sơ dã. Bất giác lủng chủng lão hủ, xúc sự diện tường. Hậu học tư tuân, vô ngôn tiếp dẫn. Túng hữu đàm thuyết, bất thiệp điển chương. Hoặc bị khinh ngôn, tiện trách hậu sinh vô lễ, sân tâm phẫn khởi, ngôn ngữ cai nhân.

Việt:
Vừa được người cảnh giác cho thì liền bảo “Ta là Sơn Tăng.” Chưa nghe lời Phật dạy để hành trì, một bề giữ tính vụng về lỗ mãng. Thấy biết như thế là bởi vì cái tâm lúc đầu lười biếng, theo thói tham ăn, thấm thoát chạy theo người đời, trở thành kẻ hoang dại thô tục. Chẳng hay lụm cụm già yếu, gặp việc thì xoay mặt vào vách. Hậu học thưa hỏi cũng không có lời gì để dẫn dắt. Dù giảng nói cũng không có liên quan tới kinh điển. Hoặc bị khinh chê thì liền trách hậu sinh vô lễ, tâm sân nổi dậy, lớn tiếng át người.

Học Giải:
Tổ Quy Sơn dạy khi có người cảnh tỉnh cho mình thì đáng lẽ mình phải cám ơn và dùng những lời cảnh tỉnh đó mà phản tỉnh lại chính mình, cũng như sửa đổi những lỗi lầm của mình, để mình tiến tu giải thoát, cớ sao lại vội cho rằng “ta là sơn tăng” mà chẳng chịu sửa đổi. Dù là tăng ở núi rừng hay tăng ở thành phố thì cũng cần phải tuân thủ đúng giới luật của Phật và đầy đủ uy nghi của một vị Tỳ Kheo. Chứ đâu phải cho mình là sơn tăng nên chẳng cần câu nệ tới giới luật và uy nghi tế hạnh mỗi khi có người thương tình cảnh tỉnh cho. Kinh Pháp Cú, Phẩm Hiền Trí, Sô 76 và 77 có dạy như sau:


76.
“Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.”

77.
“Những người hay khuyên dạy,
Ngăn người khác làm ác,
Được người hiền kính yêu,
Bị người ác không thích.”

Đức Phật cũng dạy chúng ta phải thân cận những bậc hiền trí để họ chỉ lỗi khiển trách mình, bởi vì họ mà mình mới thấy được cái sai của mình mà sửa đổi để cho mình được thêm tốt đẹp hơn. Họ chính là những bậc ân nhân, những người giúp mình thăng tiến trên con đường giải thoát vậy. Thế thì chúng ta cần phải cảm ơn những người thấy và chỉ những cái sai hay lỗi lầm của mình để mình khắc phục và cải thiện những lỗi lầm đó. Họ là bậc thiện tri thức vì giúp cho ta ngăn ngừa tội lỗi để khỏi bị sa đọa về sau. Những bậc thiện tri thức như vậy chỉ có người hiền mới kính mến, còn người ác thì không ưa thích, vì người ác chẳng thích bị chỉ trích, hay nghe lời ngay lời thật.

Do bởi chưa từng học Phật Pháp, cầu thiện tri thức chỉ dạy, nên cứ một bề ôm cái kiến chấp sai lầm của mình đã huân tập ở đời thành ra vụng về lỗ mãng, không chịu tu tập sửa đổi. Cái thấy biết như thế là do lúc đầu cái tâm đã biếng nhác, chạy theo ngũ dục lục trần, chẳng chịu ở yên tu hành, lang thang đó đây khắp các nhà thế tục, để rồi tiêm nhiễm những thói xấu ở đời, trở thành kẻ hoang dại thô tục đâu khác gì những kẻ tục ngoài đời. Do vậy tuy thân xuất gia mà tâm chẳng xuất gia. Đến khi lụm cụm già yếu, gặp việc gì đến liền xoay mặt vào vách vì không biết cách ứng sử. Tuổi đời tuổi đạo đều cao mà khi hậu học đến thưa hỏi Phật Pháp thì chẳng biết gì để dẫn dắt. Cho dù miễn cưỡng nói thì toàn chuyện đâu đâu chẳng liên quan gì tới kinh điển. Thế nên đâu tránh khỏi hậu học khinh chê? Mà bị khinh chê thì liền trách hậu sinh vô lễ, nổi tâm sân, lớn tiếng nạt người. Tự mình tổn mình hại người. Có người tu chân chính nào nghe lời này mà chẳng biết hổ thẹn hối hận, giựt mình tỉnh giấc, ghi lòng tạc dạ, quyết tâm sửa đổi lỗi lầm, buông xuống bản ngã, tầm cầu minh sư thiện tri thức chỉ dạy để biết con đường vào Đạo, hầu lợi lạc cho mình và người đồng được an vui giải thoát ư?  

Đoạn 8
Hán-Việt:
Nhất triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách, hiểu tịch tư thỗn, tâm lý hồi hoàng. Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng. Tùng tư thỉ tri hối quá, lâm khát quật tỉnh hề vi. Tự hận tảo bất dự tu, niên vãn đa chư quá cựu, lâm hành huy hoắc, phạ bố chương hoàng. Hộc xuyên tước phi, thức tâm tùy nghiệp. Như nhân phụ trái, cường giả tiên khiên, tâm tự đa đoan, trọng xứ thiên trụy. Vô thường sát quỷ niệm niệm bất đình, mạng bất khả diên, thời bất khả đãi. Nhân thiên tam hữu ưng vị miễn chi, như thị thọ thân phi luận kiếp số.

Việt:
Một mai bệnh nằm trên giường, các khổ quay quanh bức bách, sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ bồi hồi. Đường ở phía trước mịt mờ, chẳng biết đi về đâu. Đến đây mới biết hối lỗi, đợi khát mới đào giếng thì có ích gì? Tự hận sớm chẳng lo tu, đến tuổi xế chiều nhiều điều tội lỗi, khi sắp ra đi thì sự sống tan rã nhanh chóng, nên sợ hãi kinh hoàng. Giống như lụa lủng thì chim sẻ bay ra, thân chết rồi thì tâm thức đi theo nghiệp. Như kẻ thiếu nợ, ai mạnh theo trước, tâm tạo nhiều nghiệp, nặng đâu rơi đó. Con quỷ vô thường giết người không ngừng trong mỗi niệm, mạng sống chẳng thể kéo dài, thời gian không thể đợi chờ. Ba cõi, trời người chưa thoát khỏi được thì cứ như vậy mà thọ thân mãi số kiếp chẳng thể tính bàn.

Học Giải:
          Hiện tại nếu không phản tỉnh sửa đổi lỗi lầm thì còn chờ đến bao giờ? Một mai khi bệnh nằm trên giường, mọi sự khổ đau của cái bệnh quay quanh bức bách thân tâm, lúc đó mới suy nghĩ bao nhiêu năm nay ta đã tu được những gì? Giới luật có tròn không? Có công phu một chút nào không? Có tu tập đúng chánh pháp hay không? Đớn đau thay! Xét đi xét lại thì tất cả đều không có nên sanh tâm lo sợ bồi hồi. Mịt mờ không biết rõ mình chết rồi sẽ đi về đâu (Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng).   Người xưa có bài kệ rằng:


Hán-Việt:
“Hành tàng hư thật tự giải tri
Họa phúc nhân do cánh vấn thùy
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo
Chỉ tranh lai tảo dữ lai trì.”

Việt dịch:
“Tâm hành hư thực tự mình biết
Họa phước do mình chớ hỏi ai?
Thiện ác rốt cùng đều có báo
Chỉ là đến sớm hay muộn thôi.”


Tự mình làm những nghiệp gì thì thì tự mình biết, tự mình làm tự mình chịu đâu cần phải hỏi ai, tất cả họa phước thiện ác đều có quả báo, chỉ là đến sớm hay muộn thôi. Do vậy tự hận lúc trước chẳng chịu lo tu, cứ mãi chạy theo ngũ dục lục trần, tạo và phạm nhiều điều tội lỗi, đến già sắp chết thì mới sợ hãi kinh hoàng. Đến đó mới biết ăn năn hối lỗi thì đã muộn rồi, bởi đợi khát nước mới đào giếng thì làm sao kịp (Tùng tư thỉ tri hối quá, lâm khát quật tỉnh hề vi)? Khi thân chết rồi thì tâm thức chỉ đành tùy nghiệp thác sanh, mãi trôi lăn trong ba cõi sáu đường. Nghiệp nào nhiều nặng thì bị kéo đi theo đó trước, như thiếu nợ ai nhiều thì phải trả người đó trước. Hằng ngày sáu căn tiếp xúc sáu trần sinh ra sáu thức. Mạt Na Thức đem những gì thấy nghe hay biết cất trong kho A Lại Da Tàng Thức. Lúc ý thức yếu như lúc ngủ và lúc lâm chung thì Mạt Na Thức hoạt động, bám chấp vào những hạt giống thiện ác được chứa trong kho A Lại Da Thức. Vì vậy lúc ngủ thì mơ vì bám vào những hạt giống trong tâm thức, lúc chết thì những hạt giống hay chủng tử sẽ hiện ra, hạt giống nào mạnh thì trồi lên trên và kéo Mạt Na Thức đi trước để lưu chuyển sinh tử, thọ nhận báo thân để trả cái quả báo tương ứng dù khổ hay vui.


          Cuộc đời vô thường như một giấc mộng, mọi thứ chẳng thể đem theo, đến tay không đi cũng tay không, chỉ có nghiệp mình tạo tác cả một đời theo mình mà thôi. Vì vậy mình phải quán sự vô thường của cuộc đời mà chuyên tâm nơi Tuệ Nghiệp, gắng công phu tu tập tinh tấn để khỏi lãng phí và hối hận một đời người và luống uổng cả một đời tu hành của mình. Vì thế nên Tổ Quy Sơn đã hết lòng cảnh tỉnh mình bằng cách ví dụ sự vô thường như là một con quỷ giết người không ngừng trong mỗi niệm, và cái mạng sống này cũng không thể lâu bền được, nó chẳng đợi chờ mình dù chỉ một giây một phút (Vô thường sát quỷ niệm niệm bất đình, mạng bất khả diên, thời bất khả đãi). Thật đúng vậy! Cuộc đời chỉ trọn vẹn có vài chục năm. Từ khi mới tượng hình trong tử cung của mẹ thì đồng hồ báo về sự chết đã tích tắc như trái bom có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Sự vô thường có thể cướp mạng sống của chúng ta bất cứ lúc nào, nó đang tích tắc từng sát na, từng giây từng phút, giảm dần thọ mạng và gần kề cái chết. Cũng giống như con cá trong hồ nước đang bị khô cạn dần dần. Vậy mà chúng ta chẳng quán xét điều ấy cho rõ ràng để thức tỉnh, ngược lại còn ở trong đó vui đùa, phóng tâm buông lung, chạy theo ngũ dục lục trần, chẳng tin nhân quả, một mai vô thường đến thì dù có ăn năn cũng đã muộn màng. Thế thì cứ mãi theo nghiệp thọ thân, lên xuống ra vào trong ba cõi sáu đường chẳng thể tính đếm hết được. Nghiệp tự mình làm tự mình chịu, đâu cần hỏi ai và cũng chẳng thể than trách ai được. Vậy từ nay phải thường nhớ nghĩ tới vô thường, gắng tu sửa đổi lỗi lầm, nghiên cứu giáo lý của đức Phật cho kỹ càng, tìm cầu thiện tri thức chỉ dạy cho phương pháp tu hành đúng đắng, tinh tấn tu hành để không uổng một đời người và đời tu hành của mình. Rất mong thay!

Đoạn 9
Hán-Việt:
Cảm thương thán nhạ, ai tai thiết tâm! Khởi khả giam ngôn, đệ tương cảnh sách. Sở hận đồng sanh tượng quý, khứ Thánh thời diêu, Phật pháp sanh sơ, nhân đa giải đãi, lược thân quản kiến dĩ hiểu hậu lai. Nhược bất quyên căng, thành nan luân hoán.

Việt:
Lạ lùng thương cảm, đau xót lòng thay! Đâu thể làm thinh, cho nên cảnh sách lẫn nhau. Tủi vì chúng ta đồng sanh vào thời Tượng Pháp, cách Thánh (Phật) đã xa, Phật pháp trở nên lờ mờ, nhiều người giải đãi, do vậy lược bày cái thấy nhỏ hẹp của mình để khuyên bảo những người hậu học. Nếu chẳng bỏ tính kêu căng, thì thật khó mà thay đổi được.

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn vì lòng từ bi tột cùng, thương sót những kẻ lầm mê như chúng ta đang bị chìm đắm mà chẳng thể làm thinh được, nên viết ra bài cảnh sách này để cảnh tỉnh và sách tấn mọi người. Thời của ngài thuộc Tượng Pháp; tăng chúng tu hành khổ hạnh và tinh tấn hơn bây giờ, chỉ có một số ít là giãi đãi lơ là nên sanh những điều xấu tệ như Tổ đã nêu ở những phần trên. Vậy mà ngài còn than trách, huống chi ngày nay ở thế kỷ 21, cách Phật cách Tổ lâu hơn, thì những điều xấu tệ không biết còn nhiều hơn thời xưa gắp bao nhiêu lần. Cho nên những lời dạy cảnh sách sâu sắc của Tổ Quy Sơn càng đáng để cho chúng ta lưu tâm học hỏi và thực hành cho thắm nhuần hơn nữa. Vì cách Phật và thánh hiền đã xa, nhiều người giải đãi, phóng tâm lầm lạc, chạy theo ngũ dục, chẳng chịu học hành giáo lý của Phật, bị tà kiến sai sử, tu hành sai lạc, nên Phật Pháp bị lu mờ, không người tiếp nối đúng chánh pháp. Do vậy mà Tổ đã sơ lược trình bày cái thấy đúng đắng của ngài để khuyên bảo những người hậu học đời sau như chúng ta hãy thức tỉnh và trở về con đường tu tập chân chính và đúng chánh pháp. Than ôi! Lòng từ bi của Tổ thật sâu như biển cả. Ngài đã hết lời khuyên dạy như thế mà mình còn chẳng bỏ tính kêu căng, chẳng chịu nghe lời khuyên dạy, thì ngài cũng bó tay vì khó mà thay đổi được tính kêu căng và sự si mê lầm lạc của mình. Vậy thì, kính xin các bạn đồng tu suy xét cho kỹ và đừng để đời tu của mình luống uổng trôi qua, khỏi phải hối hận khi không còn kịp nữa.

Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngàn, số 112 có dạy:

“Ai sống một trăm năm,
Lười nhác không tinh tấn,
Tốt hơn sống một ngày
Tinh tấn tận sức mình.”

Đoạn 10
Hán-Việt:
Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu. Nhược bất như thử, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí. Tích niên hành xứ, thốn bộ bất di, hoảng hốt nhất sanh, tương hà bằng thị? Huống nãi đường đường tăng tướng, dung mạo khả quan, giai thị túc thực thiện căn cảm tư dị báo. Tiện nghĩ đoan nhiên củng thủ, bất quí thốn âm. Sự nghiệp bất cần, công quả vô nhân khắc tựu. Khởi khả nhất sanh không quá, ức diệc lại nghiệp vô tì.

Việt:
Phàm là người xuất gia, thì phải cất bước vượt lên trên cao (vượt qua tình thức đến Chân Tâm), tâm hình khác tục, kế thừa và hưng thịnh dòng Thánh (Phật), nhiếp phục ma quân (vọng tâm), nhằm báo đáp bốn ân, cứu giúp ba cõi. Nếu không như thế, thì chỉ là kẻ lạm dụng xen lẫn trong hàng tăng chúng, ngôn hạnh chẳng đầy đủ, uổng nhận sự cúng dường của tín thí. Chỗ đi năm trước, một bước chẳng dời, mờ mịt một đời, lấy gì nương tựa? Huống chi, đường đường mang tướng một vị tăng, dung mạo tốt đẹp, đều là do đời trước gieo trồng căn lành nên đời nay mới cảm được quả báo đặc biệt như thế. Vậy mà chỉ nghĩ đến việc khoanh tay ngồi yên, chẳng biết quý tiếc thời gian ngắn ngủi. Đạo nghiệp không chịu nỗ lực thực hành thì Đạo quả không nhân đâu mà thành tựu. Chẳng những một đời này luống qua, mà những việc của đời sau cũng thành vô ích.

Học Giải:
          Muốn làm một người xuất gia chân chính thật không phải dễ. Đòi hỏi mình phải có ý chí cao cả, tự mình mạnh dạn, không sợ sệt, độc hành cất bước vượt qua muôn ngàn vọng thức từ thô đến vi tế mà tới bời Giác Ngộ, hay chỗ tận cùng của ý thức (thoại đầu), bằng con đường đạo học thực tu thực chứng chứ chẳng phải triết học suông. Nói cách thông thường là trên cầu Phật đạo dưới độ chúng sanh. Vì đây là đường đi của ý thức đến chỗ ý thức không tới được nên gọi là “phát túc siêu phương” (cất bước vượt qua mọi phạm trù của tình thức). Và cũng là đòi hỏi người tu chúng ta phải tự mình đi, và tự mình chiến thắng lấy mình nên thật vô vàng khó khăn. Nhưng nếu chiến thắng được chính mình (quét sạch mọi năng sở, ngã pháp nơi tâm) thì đó là sự chiến thắng tối thượng nhứt.

Nên Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngàn, số 103 có dạy:

“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng.”

Chiến thắng chính mình tức là tự mình vượt qua tình thức của chính mình để trở về và sống được với Chân Tâm Thường Trú, Thể Tánh Tịnh Minh nơi mình. Do vậy sự chiến thắng này là sự chiến thắng tối thượng nhứt, vì nó đưa mình đến giác ngộ giải thoát và ra khỏi sanh tử lưu chuyển từ vô thủy đến nay. Đây mới thật là chân chính xuất gia vì có thể xuất nhà phiền và xuất nhà tam giới. Chính vì vậy mà tâm hình của người xuất gia chúng ta phải khác người thế tục (Tâm hình dị tục). Thân hình người xuất gia chúng ta khác với người thế gian là ở chỗ đầu tròn áo vuông và mọi cử chỉ hành động đi, đứng, nằm, ngồi đều có uy nghi đúng theo giới luật và được kiểm soát chặt chẽ bởi tâm ý thức (chánh niệm tỉnh giác và như lý tác ý). Và cũng chính vì vậy mà tâm chúng ta cũng phải khác người đời. Tâm chúng ta phải thường quán chiếu mọi tâm hành, khẩu hành và thân hành của chính mình. Khi vọng khởi những ác niệm nơi tâm thì ta phải đổi ý nghĩ ác đó thành ý nghĩ thiện (chuyển hóa nội tâm), dè dặt từng ý nghĩ đừng cho nó khởi bậy, ngược lại phải nghĩ việc thiện, để rồi mọi lời nói mà chúng ta nói ra phải lành mạnh, và thân thì làm những việc lành, có lợi cho mình và người. Có như vậy thì cái nghiệp chúng ta tạo ra là thiện nghiệp chứ không phải ác nghiệp. Do tạo nhiều thiện nghiệp nó sẽ mang lại sự an vui hạnh phúc cho chính mình trong hiện tại và mai sau. Vì vậy Kinh Pháp Cú Phẩm Song Yếu, Số 1 và 2 có dạy:


1.
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý ô nhiễm
Khổ não sẽ đi theo
Như xe theo vật kéo.”

2.
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý trong sạch
Hạnh phúc sẽ theo sau
Như bóng không rời hình.


Trong 37 phẩm trợ đạo theo Nikaya và A-Hàm, đức Phật có dạy Tứ Chánh Cần như sau:
1.    Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn: Tinh tấn đoạn trừ những niệm ác đã phát sanh, làm cho tuyệt dứt. 
2.    Ác vị sanh, sử bất sanh: Tinh tấn ngăn ngừa những niệm ác chưa phát sanh, đừng cho sanh khởi. 
3.    Thiện vị sanh, sử phát sanh: Tinh tấn làm cho những niệm thiện chưa phát sanh, được sanh khởi. 
4.    Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng: Tinh tấn làm cho những niệm thiện đã phát sanh, được tăng trưởng.”  

 Đức Phật dạy chúng ta phải thường quán chiếu kiểm soát chặt chẽ những tâm niệm của mình dù thiện hay ác. Ác niệm khởi lên thì làm cho diệt mất, thiện nghiệp khởi lên thì làm cho tăng trưởng (như lý tác ý). Khi khởi tâm hoặc tác ý theo chiều hướng đưa đến tà kiến cũng như tác ý làm cho bất thiện pháp được phát sanh và tăng trưởng thì đây gọi là “phi như lý tác ý”. Ngược lại, nếu khởi tâm tác ý theo chiều hướng đưa đến chánh kiến cũng như tác ý làm cho thiện pháp được phát sanh và tăng trưởng thì gọi là “như lý tác ý”. Tiến lên cao hơn tới Đại Thừa thì Phật dạy mình phải quán chiếu sâu vào trong lòng thực tại để quét sạch mọi sở niệm nơi tâm dù thiện dù ác. Một khi mọi sở niệm nơi tâm đã được quét sạch thì năng niệm cũng chẳng còn chỗ bám nên đi vào tịch tịnh “năng sở song vong” (năng sở đều mất). Lúc đó cánh cửa Sinh Tử vĩnh viễn được đóng lại, và từ nay cánh cửa Bồ Đề được mở rộng không ngằn mé. Từ đây thực tại tuệ giác hiển lộ nên soi thấy các pháp không bị chướng ngại (chiếu kiến ngũ uẩn giai không), được tự do tự tại, nên cũng gọi là “Quán Tự Tại”. Đồng một ý, Tổ Quy Sơn cũng có dạy ở đoạn cuối “tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức” (tâm cảnh đều quên, không nhớ không nghĩ) “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” (một tâm không sanh, muôn pháp đều Như). Những ý chỉ này cũng được đề cập tới trong các kinh sách thuộc cả hai hệ Nikaya và Đại Thừa. Nay xin trích một vài số Kinh sách để chỉ dẫn:

Kinh Ðại Ca-Chiên-Diên Nhất Dạ Hiền Giả chép:

“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Ðêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.”

Tâm chúng sanh là tâm vọng, mang tính cách cục bộ chủ quan và bị áp đặt bởi biến kế sở chấp nên thường xa rời thực tại và luôn rơi vào tình chấp nhị biên: có không, thiện ác, chánh tà v.v… Vì thế dù chúng ta có khởi bao nhiêu tâm niệm, dù thiện hay ác thì hết thảy những tâm niệm ấy đều là vọng tâm sinh diệt cả. Đã là vọng tâm sinh diệt trong cả ba thời gian thì làm sao chúng ta có thể nắm bắt được? Những tâm niệm thuộc quá khứ thì đã qua rồi nên hiện có tìm cũng chẳng được. Những tâm niệm thuộc tương lai thì chưa tới hay chưa hiện hữu thì làm sao nắm bắt được chúng. Còn những tâm niệm thuộc thời hiện tại thì cũng chẳng thể nắm bắt được vì vừa nói hiện tại thì nó đã là quá khứ rồi. Cho nên Kinh Kim Cang nói “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” (Dòng tâm quá khứ không thể nắm bắt, dòng tâm hiện tại không thể nắm bắt, dòng tâm vị lai không thể nắm bắt). Vọng tâm trong cả ba thời gian đã không thể nắm bắt thì đừng nắm bắt chúng. Chính cái tâm muốn nắm bắt đó cũng thuộc vọng tâm sinh diệt. Cho nên cả cuộc đời mình cứ bị vọng tâm sai sử, bị nó che khuất Chân Tánh, nên nhận nó là mình, của mình, và tự ngã của mình. Nói cách khác chúng ta nhận vọng làm chơn, nhận vật làm mình, nhật giặc làm con nên vì nó tạo bao nghiệp thiện ác mà chịu khổ sanh tử lưu chuyển trong ba cõi sáu đường không có ngày ra khỏi được. Nếu muốn thoát khỏi sanh tử khổ đau thì chính chúng ta phải rời bỏ vọng tâm để trở về với Chân Tâm của mình (bối trần hiệp giác) mới thấy rõ được thực tại các pháp đang là hay “NHƯ” bằng “Thật Tướng Bát Nhã” hay “Tuệ quán thể đồng nhất” (Tuệ quán đồng nhất thể). Cũng vì vậy Tổ Quy Sơn đã nói “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” (một tâm không sanh, muôn pháp đều Như).


Kinh Nhất Dạ Hiền Giả cũng dạy mình phải ngay hiện tại bây giờ dùng tuệ quán để dẹp hết mọi đối tượng của thức, cho đến khi tâm “không động không rung chuyển” nữa mới thôi. Tới đó thì những khái niệm về thời gian và không gian thuộc tình thức đều được quét sạch bởi Quán Chiếu Bát Nhã (Tuệ Quán chính ở đây). Và cũng chính ngay đó ánh sáng Trí Tuệ từ Chân Tánh tự chiếu soi (Thật Tướng Bát Nhã) nên thấy rõ và đúng tất cả vạn pháp như chúng đang là hay Như Thị, Bất Nhị, Không. Đó cũng chính là trạng thái thường trực, bất biến và phi thời của Bản Tâm, cũng gọi là Thiền, cũng gọi là Tịnh Độ. Chứ chẳng có Thiền nào khác mà cũng chẳng có Tịnh Độ nào khác ngoài Bản Tâm ấy ra cả. Chỗ tâm “không động không rung chuyển” chẳng khác gì chỗ mà Tổ Quy Sơn nói là “tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức” hay “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức.” Đây cho chúng ta thấy, không phải những gì trong hệ Kinh Nikaya đều thuộc về giáo lý Nhị Thừa cả đâu, mà chính ngay trong đó cũng có tư tưởng sâu sắc của Đại Thừa. Chẳng qua là dùng những danh từ khác để diễn đạt một chân lý tối thượng mà thôi.

Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn cũng có dạy tương tựa như sau:


Hán-Việt:
 “Nhữ thính Quán Âm Hạnh
Thiện ứng chư phương sở
Hoằng thệ thâm như hải
Lịch kiếp bất tư nghì
Thị đa thiên ức Phật
Phát đại thanh tịnh nguyện
Ngã vị nhữ lược thuyết:
Văn danh cập kiến thân,
Tâm niệm bất không quá
Năng diệt chư hữu khổ.”

Việt-Dịch, HT Thích Minh Điền:
 “Ngươi nghe hành Quán Âm
Khéo ứng dụng khắp nơi
Thề rộng sâu như biển
Trải nhiều kiếp khó bàn
Hầu nhiều ngàn đức Phật
Phát nguyện lớn thanh tịnh
Ta vì ngươi lược nói:
Nghe tên và thấy hình
Tâm niệm chẳng khởi lên
Năng diệt khổ các cõi.”


Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn dạy về Pháp Hành Quán Thế Âm (nhữ thính quán âm hạnh, thiện ứng chư phương sở) hay “phản văn”, nhưng xưa nay chúng ta đều hiểu lầm nên cho Quán Thế Âm là vị Bồ Tát hay mẹ hiền nghe tiếng khổ đau của chúng sanh bên ngoài để đến cứu khổ vì vậy cho nên chúng ta niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” để cầu cứu. Do vậy vô tình đã biến pháp hành Quán Thế Âm thành thần linh Quán Thế Âm hay tín ngưỡng Quán Thế Âm bằng niềm tin huyền bí không đúng chân lý. Thứ nhứt chúng ta phải chánh kiến rằng giải thoát là thuộc về tâm, mà tâm thì vô hình vô tướng, nên không có ai có thể vào trong dòng tâm thức mình để cứu mình được. Thứ hai nếu cứu khổ theo kiểu bên ngoài như thế thì chẳng khác gì mình tìm cầu sự cứu rỗi của thần linh hay thượng đế, mà như vậy thì mình đã đi trái với luật Nhân Quả mà đức Phật đã dạy. Thứ ba nếu dùng tai nghe chúng sanh kêu cứu bên ngoài mà tới cứu thì đâu thể gọi là “Quán Thế Âm” được? Đáng lý phải gọi là “Văn Thế Âm” hay “Thính Thế Âm” hay “nghe” tiếng âm thanh thế gian mới đúng. Còn ở đây là dùng chữ Quán, nghĩa là dùng Tâm hay mắt Tuệ (Quán Chiếu Bát Nhã) chiếu soi lại nơi tâm mình làm cho những tự ngôn tự ngữ nơi tâm (Thế Âm) được hóa giải trong sạch (quán sở không). Vả lại, nếu dùng tai để nghe tiếng kêu bên ngoài tức là vô tình xoay lưng lại với Tánh Giác chạy theo thanh trần (Hiệp Trần Bối Giác) thì chỉ chuốc thêm nhiều khổ đau mà thôi chứ đâu thể hóa giải được chúng? Âm thanh thầm kín của cõi lòng tức là vọng tưởng chứ không phải là thanh trần. Mà vọng tưởng nơi tâm thì không thể dùng tai để nghe mà phải dùng mắt tuệ để quán chiếu (Quán Thế Âm). Quán sát những vọng tưởng trong tâm làm cho nó tan biến hay xa lìa mọi vọng tâm tư lự, mở ra Tri Kiến Phật nên gọi là Bồ Tát hay Giác Hữu Tình. Hữu tình nghĩa là vọng tâm sinh diệt. Nay do xoát hết mọi đối tượng của thức để Chân Tánh bùng lên, không còn vọng tâm sinh diệt nữa nên gọi là Giác. Nói cách khác, dùng Tuệ Giác chiếu soi làm cho những vọng tâm tư lự không còn nữa thì gọi là Giác Hữu Tình hay Bồ Tát. Vì vậy Kinh Kim Cang, đức Phật dạy, “Diệt độ hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn, mà thật chẳng thấy chúng sanh được mình diệt độ.” Chúng sanh ở đây là tất cả mọi sở niệm của tâm hay vọng tưởng, Vô Dư Niết Bàn là rốt ráo tịch diệt hay Không (Sở Quán Không). Dẹp hết mọi vọng tưởng hay hay làm cho sở quán Không thì gọi là độ hết thảy chúng sanh vào Vô Dư Niết Bàn. Sở niệm sở quán đã Không, thì tâm năng niệm năng quán cũng Không. Năng và Sở đều dứt nên chẳng thấy có người độ và chúng sanh được độ vì thế nên Kinh nói chẳng thấy có chúng sanh nào được mình diệt độ. Đây là cách hàng phục và an trụ tâm của Bồ Tát vậy.

Khi Tri Kiến Chúng Sanh không còn và Tri Kiến Phật hiện hữu thì chúng ta mới thật sự sống được với Tánh Giác nơi mình một cách trọn vẹn và hóa giải được những lầm mê do biến kế sở chấp của ý thức gây ra nên vượt thoát khỏi mọi khổ đau ách nạn (chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách). Nam mô (Namo) nghĩa là xoay về nương tựa. Nương tựa với cái pháp hành Quán Thế Âm hay cũng là Trí Tuệ Bát Nhã từ Chân Tánh. Xoay về để dùng mắt tuệ chiếu soi (Quán) lại những âm thanh nơi cõi lòng (Thế Âm) làm cho những vọng tâm ấy tan biến, nên những khổ đau của tâm được chấm dứt (Bồ Tát = Giác Hữu Tình). Vì thế đoạn Kinh ở trên có dạy, Văn danh cập kiến thân, tâm niệm bất không quá, năng diệt chư hữu khổ.” (Nghe tên và thấy hình, tâm niệm chẳng khởi lên, năng diệt khổ các cõi). Thấy nghe chỉ bằng thấy nghe mà chẳng lập tình thức trước vật nên cái thấy nghe đó mới là đúng với thật tướng các pháp (tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn). Còn thấy nghe mà lập tình thức trước vật thì đó cái thấy nghe sai lầm (tri kiến lập tri tức vô minh bổn). Do vì thấy nghe sai lầm bằng vọng thức nên mới có khổ đau. Còn nếu thấy nghe đúng như thật bằng Chân Tâm thì chẳng có khổ đau, nên gọi là “năng diệt chư hữu khổ”. Cái câu “Tâm niệm bất không quá” ở Kinh Pháp Hoa thì chẳng khác cái câu “không động không rung chuyển” trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, và cũng chẳng khác câu “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” cuả Tổ Quy Sơn. Tuy ba câu khác nhau mà đồng một thật nghĩa.

Đó là ý nghĩa của câu “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” và đây cũng gọi là Tự Tánh Tự Độ. Còn dùng thức để niệm cái danh và dùng niềm tin gởi gắm cho một đấng thần linh siêu thực nào đó thì đi trái với lời dạy của đức Phật và pháp hành Quán Thế Âm. Song, dùng thức niệm danh đó nó cũng không phải hoàn toàn không có lợi ích, vì nó có thể giúp cho ta chánh niệm và an tâm nhứt thời. Đây cũng gọi là pháp “An Lập Chí” của Nhị Thừa. Còn nói đến việc Giác Ngộ Giải Thoát thì không thể đem thức mà niệm danh được, bởi vì khi động cơ sinh diệt của vọng tâm vẫn còn tồn tại thì không thể giải thoát, giác ngộ được. Vì thế Kinh Lăng Nghiêm nói, “Nếu ở nơi nhân địa mà lấy cái tâm sanh diệt làm gốc, y vào đó mà tu để cầu quả bất sanh bất diệt của Phật thì không thể có chuyện ấy được”. Cũng như mây mù vọng thức còn che phủ bao quanh thì mặt trời Chân Tánh làm sao ló dạng được? Thế nên biết không ai có thể vào trong tâm mình để lau sạch những vọng tâm đêm mộng mơ ngày tơ tưởng ấy được ngoài chính mình. Vì thế chính mình phải tự nỗ lực tu hạnh Quán Thế Âm, hay Tự Tánh Tự Độ, dùng tuệ giác để chiếu soi lại những âm thanh nơi cõi lòng một cách miên mật làm cho chúng tan biến cũng gọi là làm cho “sở quán không”. Âm thanh thầm kín trong tâm thức tức là sở quán, dùng lực Quán Thế Âm (Quán Chiếu Bát Nhã) để cất hết mọi sở niệm, sở quán nơi tâm. Một khi sở quán đã “không” thì năng quán cũng đi vào tịch tịnh. Năng quán cùng sở quán đều dứt (năng sở song vong) thì mặt trời Chân Tánh tự chiếu soi (giác ngộ), và từ nay mọi sự lầm chấp khổ đau do biến kế sở chấp thuộc vọng thức không còn làm khổ mình nữa (giải thoát). Vì thế nên biết chỉ có chính mình mới có thể cứu mình và làm cho mình được vượt khỏi vọng tâm sanh diệt thuộc ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai, trở về với Bản Tâm. Do vậy mình chẳng cần phải gởi gắm niềm tin hay cầu cứu bất cứ ai ở bên ngoài cho uổng phí thời giờ mà rốt cuộc cũng chẳng được gì, chúng ta chỉ cần xoay về tâm mà nỗ lực tự chiếu soi miên mật làm cho sở quán không là đủ. Vì vậy Kinh Pháp Cú, Phẩm Phật Đà, Số 183 cũng dạy bên ngoài thì bỏ ác làm lành, bên trong thì tự làm cho tâm ý trong sạch như sau:


Hán-Việt:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.”

Việt Dịch:
“Không làm mọi điều ác
Vâng làm mọi điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy.”


          Tổ Quy Sơn thật tài tình, ngài dạy người xuất gia chúng ta phải “Phát Túc Siêu Phương, Tâm Hình Dị Tục”. Tâm và hình chúng ta phải khác người thế gian như đã trình bài ở trên, phải phát nguyện lớn, tinh tấn tự mình nỗ lực vượt thoát vọng thức (nhà lửa ba cõi). Có như vậy mình mới nhiếp phục được, hóa giải được (sở quán không), và vượt qua khỏi biến kế sở chấp của ý thức (phát túc siêu phương hay trấn nhiếp ma quân), để trở về với Bản Tâm Vô Sanh của mình. Do vậy Kinh Pháp Hoa có câu chuyện về gã cùng tử bỏ cha chốn đi lang thang chịu khổ, lúc sau mới gặp Vua cha mà chẳng dám nhận đó là cha, nhờ Vua cha bày phương tiện mướn làm kẻ hốt phân trong 20 năm, sau đó mới dám nhận mình là con Vua, và thừa hưởng gia tài của Vua cha để lại. Đó là câu chuyện để nói lên rằng tất cả chúng ta đều như gả cùng tử kia, đánh mất Chân Tâm đã lâu nên theo và nhận Vọng Tâm làm mình. Vì Vọng Tâm mà tạo bao nghiệp nhân để chịu khổ sanh tử, thọ bao nhiêu báo thân để lảnh bao nhiêu nghiệp quả tương xứng dù khổ hay vui. Khi có người bảo cho rằng mình có Tánh Phật thì chẳng chịu tin. Phải mất 20 năm làm kẻ hốt phân tức nghĩa là trong 20 năm thường chuyên tu thiền quán cất hết mọi đối tượng của thức (sở quán không), hay làm cho tâm ý trong sạch như Kinh Pháp Cú dạy. Lúc đó Tánh Giác mới bùng lên, mới chịu tin nhận mình là con vua và thừa hưởng gia tài của Vua cha để lại (Phật Tánh hay Tri Kiến Phật).

Khi trở về với Bản Tâm Vô Sanh ấy, hay như gã cùng tử đã trở về nhà, kế thừa ngôi vua mà bao năm chẳng dám nhận và làm hưng thịnh đất nước mà vua cha để lại. Nói cách khác khi đã vượt ra khỏi tình thức trở về Chân Tâm (chuyển thức thành trí) rồi thì chúng ta có thể kế thừa và làm hưng thịnh cho Phật Pháp (thiệu long thánh chủng). Chỉ có như vậy người xuất gia chúng ta mới có thể báo đáp bốn ân và cứu giúp ba cõi (báo đáp tứ ân, bạt tế tam hữu) mà thôi. Do vậy xuất gia là một việc hết sức phi thường, cao cả, và lớn lao, đời khó ai làm nổi nên gọi người xuất gia là bậc “đại trượng phu”. Thế nên khi chúng ta được vị Bổn Sư của mình xuống tóc có tụng bài kệ:


Hán-Việt:
Thiện tai đại trượng phu,
Năng liễu thế vô thường,
Khí tục thủ Nê-hoàn,
Công đức nan tư nghị.
Hủy hình thủ khí tiết,
Cắt ái từ sở thân,
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thệ độ nhất thiết nhân....”

Việt dịch:
“Lành thay bậc trượng phu,
Hiểu được đời vô thường,
Bỏ tục hướng Niết-bàn,
Công đức khó bàn nghĩ.
Hủy hình giữ khí tiết.
Cắt ái từ người thân,
Xuất gia hoằng Phật đạo,
Thề độ hết chúng sinh...”


Người xuất gia nếu không làm đúng như vậy thì Tổ Quy Sơn quở là kẻ làm dụng xen lẫn trong hàng tăng chúng, lời nói và việc làm chẳng tương ưng đầy đủ (nói tôi xuất gia đi tu để giác ngộ giải thoát mà việc làm hoặc sự thực hành thì chẳng dính dáng gì đến việc giác ngộ giải thoát cả), uổng nhận sự cúng dường của thí chủ. Đàn na tín thí cúng dường mình là để mình có thể an tâm mà tu hành tiến tu giải thoát. Song, mình chỉ hưởng sự cúng dường mà không làm tròn bổn phận của một người xuất gia tu đạo thì thật là đáng tiếc. Chúng ta thường hay quên bổn phận của mình cho nên Tổ từ bi nhắc nhở để mình nhớ mà hồi đầu. Vậy chúng ta phải thường đọc những lời vàng ngọc của Tổ để tự cảnh tỉnh mình trên bước đường giác ngộ giải thoát. Nếu không thường phản tỉnh thì lần lữa qua ngày tháng đến nổi sự tu hành không có tiến bộ, mấy mươi năm mà vẫn dậm chân tại chỗ, tới già thì mờ mịt, biết lấy pháp gì để nương tựa tu hành? (Chỗ đi năm trước, một bước chẳng dời, mờ mịt một đời, lấy gì nương tựa?)

          Thân người thật sự khó có được như Kinh Niết Bàn nói, “Nhân thân nan đắc như ưu đàm hoa” (thân người khó được như hoa ưu đàm), hay Tổ Quy Sơn dạy, “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục” (một phen mất thân người thì muốn kiếp khó mà khôi phục lại được). Chúng ta phải nên quán chiếu để tự xét về nhân quả của mình xem vì sao chúng ta may mắn được làm người, được xuất gia nghe pháp tu hành. Cái nhân là đời trước chúng ta biết tu và gieo trồng nhiều căn lành nên đời nay mới cảm được quả báo tốt đẹp như vậy. Tại sao đời nay được quả báo tốt đẹp như thế mà chỉ biết khoanh tay ngồi yên, không biết quý tiếc cái thân lành mạnh tốt đẹp này cũng như thời gian ngắn ngủi ở đời để nỗ lực tiến tu giải thoát? Nếu đời trước có tu nên đời nay được quả báo tốt đẹp làm người xuất gia gặp phật pháp tu hành, còn bây giờ không chịu nỗ lực tu hành, đời sau sẽ ra sao? Biết bao giờ mới giác ngộ giải thoát? Chẳng những một đời nay luống qua, mà những việc của đời sau cũng thành vô ích. Bởi đời nay không lo việc giác ngộ giải thoát của mình thì những đời sau cũng phải bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường. Cho dù đời sau có làm vua quan, người giàu sang phú quý, quốc sắc tài giỏi, gây tạo nhiều sự nghiệp chiến công hiển hách đi chăng nữa thì những việc ấy cũng đều là vô ích, bởi những phước báo hữu lậu nhơn thiên đó cuối cùng rồi cũng hết, và cũng vẫn mãi không thoát được ngục tù của năm ấm, mười tám giới. Thế thì việc giác ngộ giải thoát đời nay không chịu lo, thì còn lo việc gì nữa và phải đợi đến bao giờ?

Vì vậy người xưa nhắc nhở chúng ta rằng:


Hán-Việt:
“Nhân thân nan đắc, kim dĩ đắc
Phật Pháp nan văn, kim dĩ văn
Thử thân bất hướng kim sinh độ
Cánh hướng hà sanh độ thử thân?”

Việt dịch:
“Thân người khó được nay đã được
Phật Pháp khó nghe nay đã nghe
Thân này không hướng đời nay độ
Đợi đến đời nào độ thân này?”


          Được thân người đã là một quả báo tốt, lại được gặp Phật pháp, xuất gia tu hành, dự vào hàng Tăng Bảo thì lại càng là một quả báo thù thắng. Phải cố gắng nắm lấy cái cơ hội muôn kiếp khó được này mà tiến tu giải thoát.

Đoạn 11

Hán-Việt:
Từ thân quyết chí phi tri, ý dục đẳng siêu hà sở? Hiểu tịch tư thỗn, khởi khả thiên diên quá thời. Tâm kỳ Phật pháp đống lương, dụng tác hậu lai qui cảnh. Thường dĩ như thử, vị năng thiểu phần tương ưng.

Việt:
Từ giả thân quyến, quyết chí khoác áo người tu, là ý muốn vượt trên chỗ nào? Sớm tối nghĩ suy việc ấy thì đâu thể dây dưa cho mất thời giờ. Trong lòng tự hứa sẽ làm trụ cột cho Phật Pháp, gương mẫu cho đời sau. Thường nghĩ như thế đó mà còn chưa được chút phần tương ưng.

Học Giải:
          Tại sao chúng ta phải từ bỏ người thân, xuất gia đi tu? Chúng ta muốn vượt tới chỗ nào? Nếu như chúng ta sớm tối thường suy xét việc này (giác ngộ giải thoát) thì tự sẽ nỗ lực tu hành, để tâm nơi Tuệ Nghiệp, chứ còn có thời gian nào để lo những việc khác không đâu? Nếu là người chánh nhân xuất gia thì người đó phải thấy rõ được sự vô thường và khổ đau của cuộc đời mà phát tâm xuất trần để giác tỉnh và giải thoát khỏi vòng sanh tử. Thật vì sanh tử mà xuất gia tu đạo thì mới đúng nghĩa của việc xuất gia. Nếu tâm không thống thiết sanh tử thì sự tu hành đâu được đắc lực tinh tấn, để rồi lần lữa qua ngày một đời uổng trôi vô ích. Do vậy cái tâm thống thiết sanh tử xuất gia tu đạo ban đầu cần phải được duy trì đều đặng cho đến khi giác ngộ giải thoát mới thôi bằng cách thường quán xét Tam Pháp Ấn - vô thường, khổ, vô ngã và thường đọc bài cảnh sách này. Nếu không thì sẽ bị lui sụt thối tâm. Khi mới xuất gia ai cũng tự hứa sẽ làm trụ cột cho Phật Pháp, gương mẫu cho đời sau nhưng lâu ngày bị thối tâm. Nếu bị thối tâm là do những nguyên nhân như sau: một là không phải chánh nhân xuất gia nên không có chí nguyện “thượng cầu hạ hóa”, hai là bị dục lạc thế gian lôi cuốn, ba là tự cao ngạo chẳng tìm cầu thiện tri thức hay minh sư chỉ dạy để biết cách tu hành trở về Bản Tâm, và như vậy cuối cùng là không dụng tâm tu tập. Thế mới biết xuất gia đâu phải là việc tầm thường, phải là người đầy đủ phước duyên, là bậc đại trượng phu phát đại thệ nguyện mới được. Tâm thường suy nghĩ đến việc giác ngộ giải thoát, làm trụ cột cho Phật pháp và gương mẫu cho đời sau mà còn chưa được chút phần tương ưng với giác ngộ giải thoát, huống là vào chùa chưa từng nghĩ tới những điều ấy, chỉ lo nghĩ những việc không đâu hay sao?

Đoạn 12

Hán-Việt:

Việt:
Nói ra phải phù hợp với kinh điển, luận bàn phải dựa theo gương mẫu của người xưa. Hình dáng phải trang nghiêm tề chỉnh, tâm chí phải thong dong siêu thoát.

Học Giải:
          Bởi người xuất gia là bậc trượng phu, là thầy của trời người, và là sứ giả của đức Phật, nên mọi ý nghĩ, lời nói, hành động phải phù hợp với lời dạy của Phật trong Kinh. Vì vậy có câu “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết” (theo Kinh giải nghĩa thì oan cho chư Phật ba đời; lìa Kinh một chữ thì đồng như ma nói). Lời Phật dạy có thể tóm tắt và chia ra làm hai phần hoặc hai hệ tư tưởng. Một là tư tưởng Nhị Thừa, tức là dạy những pháp đối trị để an lập ý. Hai là tư tưởng Đại Thừa, rốt ráo đưa đến giác ngộ giải thoát khỏi mọi ràng buộc tình chấp thuộc vọng tâm sinh diệt. Giáo pháp Nhị Thừa là giáo pháp căn bản và là nền tảng để chúng sanh tiến lên giáo pháp Đại Thừa. Ở Nhị Thừa, đức Phật dạy chúng ta sống đúng nhân quả, bỏ ác làm lành (dứt ác hành thiện), và tu tập những phương pháp đối trị nhằm giảm bớt những đau khổ và được an vui hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, như các pháp điều thân chế tâm, tứ niệm xứ. Tiến lên cao, đối với những người có đầy đủ căn cơ và quyết tu giải thoát, đức Phật dạy họ phương pháp vượt khỏi tình chấp, trở về với Bản Tâm Vô Sanh Bất Diệt của họ. Còn tình chấp thì không thể giải thoát, vì còn che mờ và không thể làm cho Bản Tâm bùng lên được. Do vậy câu đầu tiên Tổ Tăng Xán dạy trong Tín Tâm Minh là Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch” (Đạo tột cùng không khó, chỉ đừng phân biệt chọn lựa). Thật ra, cả hai tư tưởng Nhị Thừa và Đại Thừa đều được đề cập trong cả hai hệ Kinh Nikaya và Kinh Phát Triển nên chẳng thể cho hệ Kinh Nikaya là Tiểu Thừa và hệ Kinh Phát Triển là Đại Thừa được. Tuy nhiên tư tưởng Đại Thừa được đề cập hết sức ngắn gọn và xúc tích rãi rác trong các Kinh điển thuộc hệ Nikaya. Còn tư tưởng Đại Thừa thì được triển khai rộng hơn, nhiều hơn, và phong phú hơn ở trong các kinh sách thuộc hệ phái Phát Triển từ chính tư tưởng Đại Thừa trong hệ Nikaya. Ví dụ như là bài Kinh Nhất Dạ Hiền Giả nói, “tuệ quán chính ở đây, không động không rung chuyển.” Nghĩa là dùng tuệ quán để cất hết mọi sở niệm của thức nên tâm được không động không rung chuyển (tức đến thoại đầu). Hệ Kinh Nikaya là hệ kinh được truyền về các nước Nam Á bằng tiếng Pali gồm cả hai tư tưởng Nhị Thừa và Đại Thừa. Còn truyền về các nước Tây Bắc Ấn Độ thì gọi là bắc truyền gồm có hai hệ kinh là: Nikaya mà thường gọi là A Hàm và Kinh Phát Triển, tức cũng chứ đựng cả hai tư tưởng Nhị Thừa và Đại Thừa.

Kinh Bahiya nói, Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri … Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” Nghĩa là thấy chỉ bằng thấy, nghe chỉ bằng nghe mà chẳng có lập tình thức trước vật nên được giải thoát (Tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm hay nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai trong Kinh Kim Cang).

Kinh khemaka nói, “Khi vị này chú tâm quan sát sự tập khởi và biến diệt trong năm uẩn ưa làm chấp thủ, khái niệm sót lại ‘Tôi là’, niềm tham muốn ‘Tôi là’, khuynh hướng ẩn tàng ‘Tôi là’ trước đó chưa bị nhổ bật gốc rễ -- lúc đó sẽ bị nhổ bật gốc rễ.” Nghĩa là khi dùng Tuệ Quán để chiếu soi những vọng thức tập và khởi lên trong tâm cũng như sự biến diệt của chúng thì mọi khái niệm chấp thủ về “Tôi” đều bị nhổ bật gốc rễ. Nói cách khác do nhờ tâm không trụ, không bám dính vào năm uẩn là tôi (ngã) hay của tôi (ngã sở) hay những khái niệm giả lập của tình thức nên được giải thoát. Một triết lý rất tương đồng với Kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (nên không có chỗ trụ mà Chân Tâm hiển lộ).

Kinh Cetana nói, “Nhưng nếu mình không có ý định, cũng không lên kế hoạch, cũng không an trụ [tâm] vào bất cứ thứ gì, sẽ không có nền tảng nào được hình thành cho việc tương tục ý niệm. Khi nền tảng này vắng mặt, ý niệm không có nơi an trú và sẽ không trưởng dưỡng, sẽ không có tái sinh cho cuộc sinh tồn kế tiếp trong tương lai, và do vậy là phá hủy được sinh, già, chết, đau đớn, than khóc, khổ, buồn và tuyệt vọng. Như thế là kết thúc toàn bộ mớ đau khổ này.” Nghĩa là nếu chúng ta không dựng lập một ý niệm nào thì chúng ta được giải thoát khỏi mọi đau khổ, bởi tất cả mọi đau khổ cũng do mình dựng lập ý niệm cả. Nói cách khác, Kinh Cetana này cũng dạy mình phải cất hết mọi sở niệm nơi tâm, như Tổ Quy Sơn dạy, “dứt ý vong duyên”“nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức.” Cũng như Kinh Pháp Cú dạy chúng ta “Tự tịnh kỳ ý”, nghĩa là dẹp tất cả mọi đối tượng của thức.

Kinh Bộc Lưu trong Tương Ưng Bộ Kinh nói, có một lần có một vị Thiên đến hỏi đức Thế Tôn:

“-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

(Vị Thiên):
Từ lâu, tôi mới thấy
Bà-la-môn tịch tịnh.
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.”

Kinh Bộc Lưu ở trên dạy chúng ta nếu bước tới nghĩa là tâm chúng ta chạy theo trần cảnh nên bị nó cuốn trôi. Còn đứng lại nghĩa là tâm chấp ngã và ngã sở nên bị nó nhận chìm. Nếu ta không chấp ngã và không bị giao động bởi trần cảnh thì ta vượt thoát dòng nước nghiệp thức hay nghiệp lực. Do vậy rất nhiều bài Kinh trong tạng Nikaya chứa đựng tư tưởng Đại Thừa. Vì vậy chúng ta không thể nào áp đặc mà cho rằng tạng Nikaya là thuộc Tiểu Thừa. Đại Thừa không phải là lớn so với nhỏ mà cho là đại. Đại là siêu vượt số lượng, siêu vượt tình thức. Pháp mà đưa chúng ta vượt ngoài tình thức hay bộc lưu thì đó gọi là pháp Đại Thừa. Còn pháp nào mà không thể đưa ta vượt thoát khỏi tình thức của chính mình, chỉ có thể chế ngự vọng tâm nhứt thời để tạm bớt cái khổ, hay chỉ có thể chuyển hóa nội tâm từ ác thành thiện, từ tà thành chánh thì gọi là pháp Nhị Thừa Tương Đối.

          Tổ Quy Sơn dạy chúng ta khi nói ra điều gì thì phải hợp với Kinh Điển dù là Nhị Thừa hay Đại Thừa. Giáo lý Nhị Thừa thì có thể dùng thức mà nhận ra vì còn ở trên tương đối nên dễ hơn so với giáo lý Đại Thừa. Giáo lý Đại Thừa đòi hỏi hành giả phải đi vào Tâm mới hiểu chính xác được. Nói cách khác là hành giả phải trực nhập bằng con đường Đạo học chứ chẳng phải bằng triết học ngang qua suy luận thuộc ý thức hệ. Vì Thực Tại hay Chân Tánh xa rời và siêu vượt mọi cặp phạm trù tương đối của tình thức nên chỉ có thể tạm mượn ngôn ngữ của thế gian mà ví dụ để phơi bài cái nghĩa Chân Thật (Chân Thật Nghĩa). Còn nếu như chấp vào những ngôn ngữ và ví dụ đó cho là Chân Nghĩa thì lại bị vọng thức đánh lừa; vì chấp phương tiện cho là cứu cánh hay chấp ngón tay cho là mặt trăng. Do vậy người xưa cảnh giác chúng ta rằng, “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan”. Nhưng cũng không thể rời phương tiện ngôn ngữ và những lời dạy của Phật trong Kinh mà vào Đạo, và cũng chẳng thể giảng nói khác lời dạy của Phật được, nên nói “ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Do vậy, Tổ Quy Sơn cũng dạy, “Xuất ngôn tu thiệp ư điển chương, đàm thuyết nãi bàng ư kê cổ.” Những bài Kinh thuộc Phật Giáo Phát Triển đều rất bóng bẩy và chứa đầy những nghĩa ẩn dụ sâu xa. Cho nên nếu chấp từng chữ và hiểu theo mặt chữ thì oan cho chư Phật ba đời. Còn nói khác lời dạy đó thì sai lệch càng thêm lầm lạc. Nếu muốn hiểu nghĩa chân thật của Phật hay “nguyện giải Như Lai Chân Thật Nghĩa” thì phải đi vào Tâm bằng con đường Đạo học mới được, không thể suy luận, hiểu suông trên ngôn từ ngữ nghĩa, bởi càng suy luận thì càng cách xa vậy. Cho nên Tổ Tăng Xán dạy, “chí Đạo vô nan, duy hiềm giản trạch” (Đạo tột cùng không khó, chỉ đừng phân biệt chọn lựa) hoặc “hào ly hữu sai, thiên địa huyền cách” (Hễ lệch ra chừng mảy may thì cũng như đất trời xa cách nhau vậy). Người xưa cũng nói, “sai một ly, đi một dậm”. Thế thì lời chư Tổ, thiện tri thức đi trước không khác lời Phật dạy trong Kinh. Vậy chúng ta khi nói ra phải phù hợp với lời Phật dạy trong Kinh, và khi bàn luận việc gì cũng phải phù hợp với lời dạy của chư Tổ, các bậc thiện tri thức đi trước. Phải khéo léo và cẩn thận vậy!

Ngoài ra Tổ Quy Sơn còn dạy mình thân phải trang nghiêm tề chỉnh và tâm chí phải ung dung tự tại. Thân trang nghiêm tề chỉnh là người thân đâu tâm đó (thân hành niệm), có chánh niệm tỉnh giác trong mọi hành động sinh hoạt hằng ngày. Còn tâm chí phải hướng đến chỗ giải thoát giác ngộ hay để tâm nơi Tuệ Nghiệp, đừng để nơi thấp kém tầm thường. Như vậy, Tổ đã thương xót mà tỉ mỉ nhắc nhở người xuất gia chúng ta phải tu từ trên thân, khẩu, ý của mình. Thân thì đầy đủ uy nghi tế hạnh, miệng thì nói lời chân chính đúng với lời Phật và Tổ đã dạy, và Tâm chí thì luôn hướng tới chỗ giải thoát giác ngộ. Đó mới thật là người xuất gia chân chính và là sứ giả tốt của đức Phật vậy.
         

Hán-Việt:
Viễn hành yếu giả lương bằng, sác sác thanh ư nhĩ mục, trú chỉ tất tu trạch bạn, thời thời văn ư vị văn. Cố vân, sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận. Hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục.

Việt:
Đi xa cần nương bạn tốt, để thường lọc sạch tai mắt, trú ở cần phải chọn bạn để thường nghe những điều chưa nghe. Nên nói: “Sanh ta ra là do cha mẹ, làm nên ta là do bằng hữu.” Gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không ướt áo nhưng lúc nào cũng được thấm nhuần. Quen gần kẻ ác thì thêm lớn những tri kiến ác, sớm tối làm ác thì phải chịu quả báo trước mắt, sau khi chết đi thì phải chịu trầm luân, một khi mất thân người thì vạn kiếp khó mà khôi phục lại được.

Học Giải:
          Trên bước đường học Đạo và tu Đạo, Tổ khuyên chúng ta cần nương thầy lành bạn tốt (thiện tri thức) vì họ có thể khiến cho cái chỗ thấy nghe của mình được trong sạch và sáng suốt rõ ràng. Cũng như họ có thể dạy bảo chúng ta những điều hay đẹp mà mình chưa từng nghe, giúp chúng ta mở mang trí tuệ mà đi đúng đường. Có như vậy chúng ta mới biết điều hay nên làm và điều dở nên bỏ. Cũng như thế nào là con đường của Vô Minh Sanh Tử và của Bồ Đề Niết Bàn. Do vậy người xưa nói, “Sanh ta ra là do cha mẹ, làm nên ta là do bằng hữu.” Cha mẹ có công ân sinh thành dưỡng dục, còn thầy bạn có công dạy dỗ giúp đỡ ta nên người. Do vậy trong Phật giáo cũng có câu khá sâu sắc, “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng, nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.” Có thân người cũng nhờ ân hai đấng sinh thành, nhưng cái thân có được cũng chỉ một đời vì nó được chúng duyên hòa hợp mà thành nên cũng sẽ hoại diệt bởi vô thường. Thầy Tổ thì có ân giáo dưỡng, các ngài có thể chỉ cho chúng ta con đường chân chính trở về với con người thật của chính mình, đó là Pháp Thân Huệ Mạng. Pháp Thân thì không bị chi phối bởi không gian và thời gian hay những cặp phạm trù tương đối vì Pháp Thân siêu vượt tình thức. Do vậy mình được giác ngộ giải thoát hoàn toàn khỏi sự gông cùm xiềng xích của vọng thức, nhận được bộ mặt thật xưa nay của mình (Bản Lai Diện Mục). Đó thật là một cái ân sâu thẳm và cao cả vậy.

Gần thầy lành bạn tốt lâu ngày thì mình cũng học hỏi được nhiều điều thiện lành lợi ích từ họ, mình cũng trở nên thiện lành như đi trong sương tuy không ướt áo nhưng lâu ngày cũng được thấm nhuần. Nên người xưa dạy, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Gần người thiện lành thì mình được lây cái thiện lành của họ, được sống đời sống an vui hạnh phúc. Còn gần người ác thì mình dần dần cũng trở thành kẻ xấu, bởi thêm nhiều cái thấy biết không tốt, rồi thường làm những việc xấu ác. Đã gieo nhân xấu ác thì phải chịu cái quả khổ đau trong hiện tại, và sau khi chết đi thì phải trầm luân sinh tử để lãnh những quả báo khổ do chính cái nhân không tốt đẹp của mình tạo ra. Do vậy Kinh Pháp Cú Phẩm An Lạc, Số 207 và 208 có dạy mình nên gần người hiền trí, xa người ngu ác như sau:

207.
“Sống chung với người ngu,
Lâu dài bị lo buồn.
Khổ thay gần người ngu,
Như thường sống kẻ thù.
Vui thay, gần người trí,
Như chung sống bà con.”


208.
“Do vậy:
Bậc hiền sĩ, trí tuệ
Bậc nghe nhiều, trì giới,
Bậc tự chế, Thánh nhân;
Hãy gần gũi, thân cận
Thiện nhân, trí giả ấy,
Như trăng theo đường sao.”


Cũng do nhờ có tu ở đời trước mà nay chúng ta được thân người; và cha mẹ đã khó nhọc sinh ra và nuôi dưỡng ta lớn khôn, còn thầy tổ bạn bè thì dạy ta những điều hay đẹp để ta nên người. Nếu như không biết quý tiếc thân người và thời gian ngắn ngủi trên cõi đời để học Đạo, kiến Đạo, tu Đạo, và chứng Đạo nhằm hướng đến mục tiêu giác ngộ và giải thoát, ra khỏi nhà lửa ba cõi (chứng Đạo) thì thật là đáng tiếc vậy. Bởi vì một khi mất thân người thì muôn kiếp khó mà có lại được (nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục). Kính xin mọi người hãy bình tâm mà suy xét cho thật sâu xa về điều này để tiến tu giải thoát.


Hán-Việt:
Trung ngôn nghịch nhĩ, khởi bất minh tâm giả tai? Tiện năng tháo tâm dục đức, hối tích thao danh, uẩn tố tinh thần, huyên hiêu chỉ tuyệt.

Việt:
Lời ngay trái tai, sao chẳng ghi lòng tạc dạ? Như thế thì mới có thể rửa tâm nuôi đức, ẩn tích mai danh, giữ cho tinh thần sạch trong, dứt hết sự ồn náo (nơi tâm).

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn là bậc đại thiện tri thức đã từ bi nói lời ngay thẳng nhắc nhở mình vì không muốn thấy mình bị đọa lạc trầm luân. Đáng lý mình phải cảm kích ghi long tạc dạ mới phải, chứ đâu vọi chẳng chịu nghe mà còn trách móc? Tuy biết rằng lời ngay thì khó nghe nhưng có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Thuốc tuy đắng mà có thể trị khỏi bệnh, còn lời ngay khó nghe mà giúp cho chúng ta thấy và sửa được những thói hư tật xấu của mình. Ngược lại nếu cứ thích nghe lời giả dối, đường mật, hoa mỹ thì không bao giờ biết và sửa được những khuyết điểm của mình, nên mình không thể phát triển bản thân cho tốt được. Những người thầy lành bạn tốt vì thương mình nên mới mạnh dạng nói lời ngay thật để mình sửa đổi. Chỉ có những kẻ dua nịnh mới nói những lời giả dối đường mật làm cho mình không thể phát triển mà còn lui xụt trên cả đường đời và đường Đạo. Do vậy đức Phật khuyên chúng ta nên thân cận người trí để họ chỉ lỗi của mình mà sửa chữa hầu giúp mình tiến bộ như trong Kinh Pháp Cú, Phẩm Hiền Trí, Số 76 có nói như sau:

“Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.”

Nếu như mình có thể nghe lời ngay thẳng của Tổ thì mới có thể tu sửa cho tốt những khuyết điểm của mình. Chính mình biết mình có khuyết điểm gì, lỗi gì cần phải sửa chứ không cần phải chờ người khác nói. Người chân thật tu hành cần phải rửa tâm nuôi đức bằng cách ẩn tích mai danh (cũng đồng nghĩa như câu dứt ý vong duyên), đêm ngày thiền quán làm cho tình thức đều Không hay cất hết mọi sở niệm nơi tâm (uẩn tố tinh thần) nên dứt được mọi tự ngôn tự ngữ hay sự ồn náo trong tâm (huyên hiêu chỉ tuyệt). Như vậy thì Chân Tánh mới có thể bùng lên được mà giác ngộ giải thoát, được tự do tự tại vĩnh viễn. Đó mới thật là người chân tu rửa tâm nuôi đức, chịu uống thuốc đắng để được lành bệnh, hay ghi lòng tạc dạ những lời khuyên hữu ích vô giá của Tổ Quy Sơn.

Đoạn 15

Hán-Việt:
Nhược dục tham thiền học đạo, đốn siêu phương tiện chi môn, tâm khế huyền tân, nghiên cơ tinh yếu, quyết trạch thâm áo, khải ngộ chân nguyên, bác vấn tiên tri, thân cận thiện hữu. Thử tông nan đắc kỳ diệu, thiết tu tử tế dụng tâm, khả trung đốn ngộ chánh nhân, tiện thị xuất trần giai tiệm. Thử tắc phá tam giới nhị thập ngũ hữu, nội ngoại chư pháp tận tri bất thật, tùng tâm biến khởi, tất thị giả danh; bất dụng tương tâm tấu bạc, đãn tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân; nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục, văn thanh kiến sắc cái thị tầm thường, giá biên na biên ứng dụng bất khuyết.

Việt:
Nếu muốn tham Thiền học Đạo, chóng vượt qua các cửa phương tiện, thì tâm phải đến tới bờ mé sâu thẩm của ý thức (thoại đầu), tham cứu cho rốt ráo chỗ tinh yếu của Đạo, quyết chọn chỗ sâu xa, để mở sáng nguồn chân (kiến tánh), tham vấn rộng khắp với những vị giác ngộ đi trước, thân cận với các bậc thiện hữu tri thức. Tông này khó đạt được chỗ kỳ diệu của nó nên cần phải khẩn thiết dụng tâm cho tinh tế (miên mật), mới có thể ngay trong đó mà đốn ngộ chánh nhân, đó chính là thềm bực ra khỏi trần lao. Theo đó tức là phá sạch hết hai mươi lăm cảnh giới của ba cõi. Tất cả các pháp trong ngoài trọn biết là không thật, từ tâm biến hiện tức là giả danh. Chẳng cần đem tâm nương gá nơi đâu, chỉ cần không bám theo vật, thì vật cũng chẳng chướng ngại được người. Mặc tình cho Pháp Tánh trùm khắp, đừng đoạn dứt cũng đừng tiếp nối, nghe tiếng thấy sắc đại để đều là việc tầm thường, dù bên này hay bên kia chỗ ứng dụng chẳng thiếu.

          Phương pháp tham Thiền hay Quán Chiếu Bát Nhã là con đường thẳng tắt đưa chúng ta từ bờ mê tới bờ giác. Nó vượt ngoài các cửa phương tiện vì chẳng quanh co nhiều lối rẽ. Cho nên Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang Đông Độ nói “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến Tánh thành Phật.” (Chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, thẳng ngay nơi Tâm, thấy Tánh thành Phật). Tất cả những phương pháp đối trị để an lập ý của Nhị Thừa cũng như những ngôn ngữ lời nói đều là cửa phương tiện cả, bởi vì còn lời nói và tình thức. Còn pháp tham Thiền Đốn Ngộ là pháp vượt ngoài tình thức ngôn ngữ. Cho nên nếu muốn chóng vượt qua các cửa phương tiện thuộc vọng thức thì phải tới bờ mé sâu thẩm của ý thức (tâm khế huyền tân) tức đồng nghĩa với “đầu sào trăm thước” hay “thoại đầu”. Miên mật mà tham cứu cho rốt ráo chỗ một niệm chưa sanh ấy là gì (nghiên cơ tinh yếu). Có như vậy thì nguồn chân mới có thể mở sáng (khải ngộ chân nguyên) hay nói cách khác làm cho Chân Tánh bùng lên hoặc Kiến Tánh. Mà muốn được vậy thì phải tham vấn rộng khắp với các vị giác ngộ đi trước, tức là người đã Kiến Tánh. Tuy nhiên vào thời căn tánh yếu kém, hiếm được gặp những vị giác ngộ thì cũng cần tìm gặp các vị thiện hữu tri thức có giàu kinh nghiệm tu tập trên con đường này mà tham vấn họ. Pháp Tham Thiền này cần phải ra công miên mật tham cứu nếu không thì khó mà vượt khỏi hai cửa quan của vọng thức đó là Nhất Niệm Vô Minh và Vô Thủy Vô Minh (hầm sâu vô minh). Thế cho nên Thiền Sư Tông Bổn nói, “Mật mật công phu vô gián đoạn, tất đương tham thấu Tổ Sư Thiền” (Bám sát công phu không gián đoạn, tất nhiên soi thấu Tổ Sư Thiền). Tham thấu Tổ Sư Thiền tức là Kiến Tánh hay Giác Ngộ Bản Tâm. Do vậy Tông này đòi hỏi người hành giả phải miên mật dụng công không gián đoạn mới có thể đột phá và qua khỏi hai màn vô minh dày đặc mà tỏ ngộ Bản Tâm. Nên Tổ nói, “khả trung đốn ngộ chánh nhân, tiện thị xuất trần giai tiệm” (mới có thể ngay trong đó mà đốn ngộ chánh nhân, đó chính là thềm bực ra khỏi trần lao). Chư Phật ở thời quá khứ, hiện tại, và vị lai cũng đều phải trãi qua con đường đột phá hai tầng lớp vô minh, một là Nhất Niệm Vô Minh và hai là Vô Thủy Vô Minh hay Hầm Sâu Vô Minh. Phương pháp tốt nhứt và thẳng tắc nhứt là làm sao cho ý thức suy không ra nghĩ không tới, vì cất hết mọi đối tượng của ý thức. Nói theo Kinh Bát Nhã là Quán Chiếu Bát Nhã, hoặc nói theo Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn và Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phẩm Nhĩ Căn Viên Thông là tu hạnh Quán Thế Âm hay Phản Văn. Còn nói theo Thiền Tông thì gọi là Chiếu Cố Thoại Đầu. Chính vì cất mọi đối tượng của thức nên Sở Niệm Không hay Sở Quán Không. Sở niệm sở quán đã Không thì năng niệm năng quán cũng Không. Năng Sở đều mất (Tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức) thì Tánh Giác hiển lộ (khải ngộ chân nguyên), lúc ấy gọi là “chuyển Thức thành Trí” cũng gọi là “ngộ nhập Tri Kiến Phật”. Vì đã trở về sống thật với Chân Tánh nên mọi việc hành động hằng ngày đều được Chân Tánh soi sáng. Một tầm nhìn mới và chân thật được mở ra, nên thấy muôn pháp đều Không, Bất Nhị, và Như Thị. Ngay lúc này chúng ta mới thật sự có một tâm thái an nghỉ tuyệt đối, tự do tự tại hay còn gọi là Niết Bàn, cũng gọi Thiền, và cũng gọi là Tịnh Độ (Tâm Thanh Tịnh Tuyệt Đối). Ngay lúc đó chúng ta không còn nhìn thế gian bằng đôi mắt bi quan tiêu cực, mà bằng ánh mắt Trí Huệ, Bình Đẳng tràn đầy yêu thương Chân Thật. Đó mới thật gọi là Trang Nghiêm, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, và Từ Bi. Do vậy chúng ta sẽ không còn thấy cuộc đời là biển khổ nữa mà là một bầu trời nhiều trăng sao rực rỡ, đẹp đẽ một cách lạ thường, hay một bức ảnh lung linh sống động, bao hàm, và cùng khắp một cách tuyệt vời.

          Đó chính là thềm bực ra khỏi trần lao, được Đại Tự Tại mà chư Phật ba đời đã, đang, và sẽ đi qua. Nếu chúng ta theo đó tu hành thì sẽ phá sạch hết hai mươi lăm cảnh giới tâm của ba cõi (Thử tắc phá tam giới nhị thập ngũ hữu), hay nói cách khác là cất hết mọi đối tượng của thức, hay Sở Quán Không. Hết thảy hai mươi lăm cảnh giới đó từ địa ngục A-Tỳ cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ đều thuộc về tâm và từ tâm biến hiện nên biết là không thật. Do vậy nên Tổ nói, “nội ngoại chư pháp tân tri bất thật, tùng tâm biến khởi, tất thị giả danh” (Tất cả các pháp trong ngoài trọn biết là không thật, từ tâm biến hiện tức là giả danh). Đây là nói về cảnh giới của tâm nên mới không thật vì chỉ là vọng thức sinh diệt, chứ không phải phủ định thế giới vật chất bên ngoài là không có. Mà đã là từ tâm biến hiện ra thì các pháp ấy đều là sản phẩm của vọng thức và được vọng thức gán cho một cái tên giả, như ly, cốc, tách v.v… Vì vậy cái nhìn của vọng thức là cái nhìn không đúng sự thật; nó mang tính cách chủ quan, cục bộ, và hạn cuộc của từng võ não. Trong khi đó Bản Thể Tuyệt Đối Chân Như thì vượt ngoài tình thức nên không bị hạn cuộc, và vì thế nên có thể chiếu soi rõ thấy cùng khắp đúng như thật các pháp đang là (Chánh Biến Tri) mà không qua vọng thức phân biệt. Vì vậy, khi bị Tổ Huệ Năng tra khảo đến chỗ tận cùng, “Vô ý thùy đương phân biệt?” (không ý thì ai đang phân biệt?). Ngay khi đó ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đáp rằng, “Phân biệt diệc phi ý” (Phân biệt cũng không phải là ý). Nghĩa là cái phân biệt của ngài không phải là ý thức mà bằng Trí Tuệ Bát Nhã hay Tri Kiến Phật từ Tánh Chân Như. Ngài Mã Minh Bồ Tát cũng dạy, “Thị cố nhất thiết pháp, tùng bổn dĩ lai, ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng, tất cánh bình đẳng, vô hữu biến dị, bất khả phá hoại, duy thị nhất tâm, cố danh chân như” (Cho nên tất cả các pháp từ xưa đến nay, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng, không có sai khác, chẳng thể phá họa, chỉ là một tâm, nên gọi là Chân Như). Khi còn một mảy may ý thức phân biệt thì còn tướng ngôn thuyết, còn tướng danh tự, và còn tướng tâm duyên. Thế nên cái thấy biết bằng vọng thức đó nó xa rời thực tại và bị trói buộc trong vòng tương đối, bởi thực tại các pháp là chỗ nằm ngoài ý thức phân biệt, chẳng có tên gọi, lời nói, nên chẳng có chỗ để cho ý thức bám vào. Do vậy nên Kinh Lăng Nghiêm nói, “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn” (Thấy biết mà lập tình thức trước vật, thì đó là gốc vô minh, thấy biết mà chẳng lập tình thức trước vật thì mới gọi là Niết Bàn). Cũng đồng một nghĩa đó, Kinh Kim Cang dạy, “Phàm hữu sở tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tất kiến Như Lai.” (Phàm, tất cả tướng sở hữu của tâm đều là hư vọng, nếu thấy các tướng mà không lập tình thức trước các tướng đó tất là thấy Như Lai). Vì thế Tổ Quy Sơn dạy, “bất dụng tương tâm tấu bạc, đãn tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân; nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục, văn thanh kiến sắc cái thị tầm thường, giá biên na biên ứng dụng bất khuyết.” (Chẳng cần đem tâm nương gá nơi đâu, chỉ cần không bám theo vật, thì vật cũng chẳng chướng ngại được người. Mặc tình cho Pháp Tánh trùm khắp, đừng đoạn dứt cũng đừng tiếp nối, nghe tiếng thấy sắc đại để đều là việc tầm thường, dù bên này hay bên kia chỗ ứng dụng chẳng thiếu). Nếu đem tâm nương gá vào đâu hay có chỗ để trụ thì đó gọi là “Tướng Tâm Duyên” hay “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Trong khi đó Kinh Kim Cang dạy, “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Không nên trụ sắc sinh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm ấy), Kinh Lăng Nghiêm cũng dạy, “Tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn”, hoặc “kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập” (khi thấy mà có tướng thấy thì cái thấy đó chẳng phải là Tánh Thấy, cái thấy mà lìa tướng thấy, thì đó chính là cái Tánh Thấy Siêu Việt), và Đại Thừa Khởi Tín cũng chỉ rõ, “ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng” mới là Tánh Chân Như, ngược lại nếu còn tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, và tướng tâm duyên thì còn vọng thức chẳng phải là Tánh Chân Như vậy. Kinh Kim Cang cũng nói, “Ly nhứt thiết chư tướng, tức danh chư Phật” (Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật). Vì vậy Tổ Quy Sơn dạy, “bất dụng tương tâm tấu bạc, đãn tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân” (Chẳng cần đem tâm nương gá nơi đâu, chỉ cần không bám theo vật, thì vật cũng chẳng chướng ngại được người.) Nếu Tâm chẳng nương gá nơi đâu, chẳng bám theo vật nào cả thì chẳng có vật gì làm chướng ngại được mình. Bởi vì người này thường được Chân Tánh chiếu soi (Quán Tự Tại hay Quán Thế Âm) nên thấy bằng thấy, nghe bằng nghe đúng như thực tại các pháp đang là mà không phải do vọng thức phân biệt đánh lừa, nên vô quái ngại trước vũ trụ vạn vật (chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách). Vì vô quái ngại trước vạn pháp nên “nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục, văn thanh kiến sắc cái thị tầm thường, giá biên na biên ứng dụng bất khuyết.” (Mặc tình cho Pháp Tánh trùm khắp, đừng đoạn dứt cũng đừng tiếp nối, nghe tiếng thấy sắc đại để đều là việc tầm thường, dù bên này hay bên kia chỗ ứng dụng chẳng thiếu). Tại sao nghe tiếng thấy sắc đều là việc tầm thường? Bởi chỉ nghe bằng nghe, thấy bằng thấy mà thôi, chứ không có vọng thức phân biệt trong ấy. Cũng như Kinh Bahiya trong Bộ Nikaya đức Phật dạy, “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri … Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” Như vậy đâu có khác gì lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang, “Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Nếu trở về sống được với Bản Tâm Thanh Tịnh hay Tâm Bình Thường của mình thì thấy nghe hay biết đều tự do tự tại không vướng mắt. Cho nên Tô Đông Pha – một thi hào lỗi lạc đời Tống, thường tham vấn Thiền Sư Phật Ấn viết:


Hán-Việt:
“Phong lai sơ trúc,
Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh.
Nhạn quá hàn đàm,
Nhạn khứ nhi đàm bất lưu ảnh.
Thị cố quân tử,
Sự lai nhi tâm thỉ hiện,
Sự khứ nhi tâm tùy không.”

Việt Dịch:
“Gió bay đến lay trúc,
Gió đi rồi trúc không giữ lại tiếng gió.
Nhạn bay qua hồ lạnh,
Nhạn đi rồi hồ không giữ lại bóng hình.
Nên bậc quân tử,
Việc đến thì tâm tùy thuận
Việc qua rồi thì tâm không vướng bận.”


Hương Hải Thiền Sư ở Việt Nam cũng có dạy:


Hán-Việt:
“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.”

Việt Dịch:
“Nhạn bay qua trời không
Bóng chìm trong nước lạnh
Nhạn không có ý lưu giữ dấu tích
Nước không có tâm lưu giữ bóng hình.”


Đó mới thật gọi là Tâm Bình Thường. Tâm Bình Thường như mặt hồ lạnh phẳng lặng (tịch) mà thường chiếu soi như tấm gương tròn sáng. Nhạn bay qua bầu trời ở trên thì bóng vẫn hiện rõ ràng dưới nước. Tuy nhiên khi nhạn bay qua hồ nước rồi thì hồ nước chẳng có lưu giữ dấu tích của nhạn vì không có bám chấp. Muôn vật đến thì hiện rõ ràng, muôn vật đi thì không để lại dấu tích. Nếu đã trở về Bản Tâm Thanh Tịnh Bình Thường thì thấy nghe hay biết luôn được rõ ràng mà không phải do vọng thức bám chấp phân biệt. Còn nếu như hằng ngày sống bằng tâm phan duyên điên đảo chạy theo trần cảnh thì gọi là Tâm Bất Bình Thường.

Để hiểu thêm tâm bình thường là thế nào xin trích ra đoạn đối đáp giữa Tổ Nam Tuyền và Tổ Triệu Châu như sau:

Triệu Châu đến hỏi Ngài Nam Tuyền: Thế nào là đạo?

Nam Tuyền đáp: Tâm bình thường là đạo.

Triệu Châu hỏi: Lại có thể nhằm tiến đến chăng?

Nam Tuyền đáp: Nghĩ nhằm tiến đến là trái.

Triệu Châu hỏi: Khi chẳng nghĩ làm sao biết là đạo?


          Tổ Triệu Châu hỏi Tổ Nam Tuyền, “Thế nào là Đạo?” Tổ Nam Tuyền chỉ thẳng vào Tâm mà đáp, “Tâm bình thường là Đạo.” Thế nhưng chớ đem vọng thức mình mà suy lường cái Tâm Bình Thường ấy lầm cho là vọng tâm phan duyên hằng ngày của chúng sanh. Cũng chớ vội cho cái tâm không suy nghĩ hằng ngày của chúng sanh là Tâm Bình Thường. Bởi suy nghĩ hay không suy nghĩ, biết hay không biết đều là vọng vì thuộc thức sanh diệt tương đối. Còn Tâm Bình Thường mà Tổ Nam Tuyền nói ở đây là Chân Tâm Thanh Tịnh Bản Nhiên, nó nằm ngoài tất cả mọi cặp phạm trù tương đối của vọng thức có không, thiện ác, chánh tà, biết và không biết. Cũng như Tổ Mã Tổ Đạo Nhất dạy, “Tâm bình thường là tâm không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm thánh”. Bởi cái tâm còn kẹt trong tứ cú như có, không, cũng có cũng không, không có không không, đều là Tâm Bất Bình Thường cả. Vì vậy, Tổ Nam Tuyền nói, “Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký” vì biết là thức mà không biết cũng là thức. Cái biết của thức là cái biết mang tính cách chủ quan cục bộ và hạn cuộc của từng võ não nên luôn xa rời thực tại, vì vậy Tổ nói “biết là vọng giác” chẳng khác Kinh Lăng Nghiêm nói, “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Và cũng vì vậy khi Tổ Triệu Châu hỏi, “Lại có thể nhằm tiến đến chẳng?” Tổ Nam Tuyền đáp, “Nghĩ nhằm tiến đến là trái.” Nghĩ cần phải tiến đến là trái với Đạo vì còn ở trên tình thức suy nghĩ. Do vậy, Tam Tổ Tăng Xán dạy trong Tín Tâm Minh, “Chí Đạo vô nan, duy hiềm giản trạch” (Đạo cùng tột thì không có gì là khó, chỉ đừng phân biệt chọn lựa). Lục Tổ Huệ Năng dạy, “Vô niệm niệm tức chánh, hữu niệm niệm thành tà.” Tổ Đức Sơn cũng dạy, “Mảy may hệ niệm là nghiệp nhân của tam đồ, chớp mắt tình sanh là gông xiềng muôn kiếp.” Ngài Vĩnh Minh cũng bảo, “Tình sanh trí cách, tưởng biến thể thù” (tình thức nổi dậy thì trí huệ bị che lấp, tư tưởng biến đổi thì thân thể cũng theo đó mà biến dạng). Khi Tổ Nam Tuyền bát việc suy nghĩ của vọng thức chẳng phải là Đạo thì ngài Triệu Châu còn nghi nên hỏi, “Khi chẳng nghĩ làm sao biết là Đạo?” Tổ Nam Tuyền đáp, “Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết, biết là vọng giác, không biết là vô ký, nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không thênh thang rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy.” Đạo chẳng phải là biết hay không biết, vọng giác hay vô ký, như hư không thênh thang rỗng rang chẳng bị trói buộc bởi biết hay không biết. Biết hay không biết đều là sản phẩm của vọng tâm sinh diệt. Bản Tâm Bình Thường tuy thường tịch lặng lẽ mà cũng thường chiếu soi rõ ràng chứ chẳng phải vô tri vô giác như gỗ đá. Vì vậy, ngài Huyền Giác nói, “Phân biệt diệc phi ý” (Phân biệt cũng không phải là ý). Người xưa cũng dạy, “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri” (Bát Nhã không phải là thức biết, tuy vậy nhưng không chỗ nào mà chẳng biết). Nói cách khác, cái thấy biết của vọng thức còn bị hạn cuộc, còn cái giác biết của Tâm Bình Thường thì trùm khắp pháp giới nên không chỗ nào là không biết. Vì vậy gọi Phật là bậc Chánh Biến Tri (biết chân chánh cùng khắp). Chứ không phải Bát Nhã vô tri là không biết gì cả như gỗ đá; mà là “vô sở bất tri”. Thế nên Tổ Quy Sơn nói, “giá biên na ứng dụng bất khuyết” (dù bên này hay bên kia chỗ ứng dụng chẳng thiếu). Dụng của Chân Tâm là thường chiếu soi rõ ràng mọi sự việc hiện tượng từ vật lý đến tâm tâm lý mà vẫn Như Như Bất Động. Như mắt thấy sắc đúng như sắc ấy đang là chứ chẳng lập tình thức trước sắc ấy và tai nghe tiếng đúng như tiếng ấy đang là chứ chẳng lập tình thức trước tiếng ấy. Đó là chân sắc chân thanh. Sáu căn ứng với sáu trần đều vô ngại, nên sáu thức cũng vô ngại. Như Hòa Thượng Minh Điền có dạy, sáu căn là Không vì y như nó tiếp xúc cảnh vật mà không vọng giác. Sáu Trần là Không vì sắc là sắc, tiếng là tiếng mà không có vọng thức phân biệt ở trên sáu trần. Thức là Không vì phân biệt rõ ràng mọi pháp y như chúng đang là bằng Tánh Thức (Chân Tánh) chứ không phải bằng mà sự phân biệt của vọng thức. Chính vì vậy nên chẳng có trước tưởng nên được thong dong tự tại mà mặc tình cho Pháp Tánh trùm khắp, đừng đoạn dứt cũng đừng tiếp nối, nghe tiếng thấy sắc đại để đều là việc tầm thường, dù bên này hay bên kia chỗ ứng dụng chẳng thiếu”. Có người hỏi Huệ Trung Quốc Sư, “Thế nào là giải thoát?” Ngài đáp, “Các pháp chẳng đến với nhau, ngay đó là giải thoát.” Nói cách khác, khi tâm đối cảnh mà không sinh tình thức phân biệt bám chấp, ngược lại vẫn thấy biết rõ ràng thực tại các pháp đang là thì đó chính là Tâm Giải Thoát hay Tâm Bình Thường. Khi nào rời khỏi cả hai cái biết cùng không biết của vọng thức thì Tâm Bình Thường mới lóe dạng và chúng ta mới có thể sống thật với và bằng Tâm ấy một cách chắc chắn tuyệt đối. Như Thiền Sư Xuyên nói:


Hán-Việt:
“Kiến sắc phi can sắc,
Văn thinh bất thị thinh
Sắc thinh vô ngại xứ,
Thân đáo pháp vương thành.”

Việt Dịch:
“Thấy sắc không mê sắc,
Nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng,
Sắc tiếng điều không ngại,
Thân đến thành pháp vương.”



Hán-Việt:
Như tư hành chỉ, thật bất uổng phi pháp phục, diệc nãi thù báo tứ ân, bạt tế tam hữu. Sanh sanh nhược năng bất thoái, Phật giai quyết định khả kỳ. Vãng lai tam giới chi tân, xuất một vị tha tác tắc.

Việt:
Nếu chỗ này mà làm được thì thật không uổng khoác áo pháp, cũng là báo đền bốn ân, cứu vớt ba cõi. Đời đời nếu có thể không thoái lui, thì quả Phật quyết định có thể kỳ vọng. Đến đi làm khách của ba cõi, ra vào đều làm khuôn phép cho người.

Học Giải:
          Nếu chúng ta có thể làm được những điều Tổ nói ở trên thì thật không uổng mặt áo pháp. Áo Pháp ở đây có hai nghĩa, một là Y Cà-sa, hai là Phật pháp. Mình thọ y ca sa làm đệ tử Phật mà không có mục đích, ý chí, quyết tâm, và dũng mảnh tiến tu trên con đường giác ngộ giải thoát thì mình đã uổng khoác chiếc Y Cà-sa này rồi vậy. Lại nữa, mình chẳng thực hành đúng với lời Phật dạy tức là luôn luôn phải quay về với cái Tánh Phật nơi mình (Duy Tuệ Thị Nghiệp), suốt ngày cứ toàn lo nghĩ và làm những việc không đâu và không đúng chánh pháp thì đã uổng khoác chiếc Y Cà-sa này rồi. Ngược lại nếu ta luôn quay về để nhận ra Tánh Phật ngay nơi mình thì mới không uổng khoác chiếc Y Cà-sa này. Hơn nữa, còn có thể báo đền bốn ân (đất nước, cha mẹ, tam bảo sư trưởng, chúng sanh), cứu vớt ba cõi. Nếu như miên mật mà dụng công quán sở không liên tục (Nhân Tu), thì quả Phật có thể kỳ vọng được (Quả Tu). Nếu miên mật mà dụng công dù đời này chưa thể liễu đạo thì quyết định đời sau cũng sẽ được triệt ngộ (Sanh sanh nhược năng bất thoái, Phật giai quyết định khả kỳ). Vì vậy, Tổ Tông Bổn có viết trong Sơn Cư Bách Vịnh, “Mật mật công phu vô gián đoạn, Tất đương tham thấu Tổ Sư Thiền” (Bám sát công phu không gián đoạn, tất nhiên soi thấu Tổ Sư Thiền). Đây mới đúng là Chánh Nhân Chánh Quả. Nếu lúc ban đầu dụng công không đúng hay đem cái nhân sinh diệt để tu thì cái quả cũng là quả sinh diệt, chứ đâu thể được quả Vô Sanh. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói, “Nếu ở nơi nhân địa mà lấy cái tâm sanh diệt làm gốc, y vào đó mà tu để cầu quả bất sanh bất diệt của Phật thì không thể có chuyện ấy được”. Vậy phải khéo có trạch pháp, thân cận minh sư, thiện hữu tri thức, tham vấn cho rốt ráo để tu cho đúng pháp, đi cho đúng đường, để đến được đúng chỗ, và tới nơi tới chốn, thì mới không uổng một đời tu hành vậy. Do vậy Thiền sư Viên Ngộ nói, “Học đạo trước tiên phải chọn thầy, đã được bậc thiện tri thức chân chánh có đủ mắt hụê rồi thì phải y chỉ theo để quyết trạch việc lớn sanh tử.” Ngài Chí Công cũng nói, “Chẳng gặp bậc minh sư xuất thế, uổng uống thuốc đại thừa.” Tổ Quy Sơn cũng có dạy ở đoạn trên, “Đi xa cần nương bạn tốt, để thường lọc sạch tai mắt, trú ở cần phải chọn bạn để thường nghe những điều chưa nghe.”

Đoạn 17

Hán-Việt:
Thử chi nhất học tối huyền tối diệu. Đãn biện khẳng tâm, tất bất tương trám.

Việt:
Một pháp Thiền học này rất huyền rất diệu. Chỉ cần có đầy đủ quyết tâm ắt không dối nhau.

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn nói một pháp Thiền này rất huyền rất diệu. Vậy thì nó huyền diệu ở chỗ nào? Nó huyền diệu ở chỗ siêu ngôn ngữ, vượt văn tự, ngoài tầm nhận thức, tư duy, lý luận, và phân biệt của con người. Nay xin dẫn chứng vài câu chuyện Thiền để rõ. Một thời đức Thế Tôn ở Núi Linh Sơn lặng lẽ đưa lên một cành hoa, cả chúng hội ai cũng đều ngơ ngát chẳng biết gì, duy chỉ có Tổ Ma Ha Ca Diếp chúm chím mĩm cười. Đức Thế Tôn liền nói, “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta Phó Chúc cho Ma-ha Ca-diếp.” Chỉ đơn giản như vậy đó, một hành động đưa cành hoa lên và một hành động mĩm cười, dù hai bên không mở miệng nhưng tâm tâm khế hợp, dung thông vô ngại và tiếng pháp vẫn vang rền hơn 25 thế kỷ qua. Chỉ một cái mĩm cười mà đã vượt ngoài tam giới, chẳng trải ba đại a tăng kỳ kiếp được pháp thân (bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân), trọn làm Phật thành Tổ. Đó không phải huyền diệu thì là gì? Lại huyền diệu là ở chỗ những diệu dụng Vô Quái Ngại hay Tự Do Tự Tại của người đã đến được Nhà. Như ngài Thiền Sư Bổn Tịnh (Đại Hiển Thiền Sư) có dạy:


Hán-Việt:
“Kiến văn giác tri vô chướng ngại
Thanh hương vị xúc thường tam-muội
Như điểu không trung chỉ ma phi
Vô thủ vô xả vô tắng ái
Nhược hội ứng xứ bản vô tâm
Thủy đắc danh vi Quán Tự Tại.”

Việt Dịch:
“Thấy nghe hiểu biết không chướng ngại
Tiếng mùi vị chạm thường tam-muội
Như chim trong không mặc tình bay
Không thủ không xả không thương ghét
Nếu hội mỗi nơi vốn không tâm
Mới được tên là Quán Tự Tại.”


Vua Trần Nhân Tông cũng làm kệ rằng:


Hán-Việt:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.”
Việt Dịch:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Khi đói thì ăn, mệt thì ngủ.
Của báo trong nhà thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.”



Cư Sĩ Bàng Long Uẩn nói:
“Hàng ngày không việc khác
Chỉ tôi tự biết hay
Vật vật chẳng bỏ, lấy
Chỗ chỗ nào trái bày
Đỏ tía gì làm hiệu
Núi gò bặt trần ai
Thần thông cùng diệu dụng
Gánh nước, bổ củi tài.”

          Người đã được về Nhà, nhận ra kho báu sẵn có nơi mình rồi thì mọi sinh hoạt thường ngày như thấy nghe hay biết, gánh nước bổ củi, ăn mặt ngủ nghỉ đều là thần thông diệu dụng của Bản Tánh. Thấy nghe hay biết và làm tất cả mọi việc mà vẫn như như bất động, chẳng còn kẹt trong tình thức nữa, do vậy mới vô quái ngại trước mọi sự vật hiện tượng. Người như thế mới thật là Quán Tự Tại. Nói tóm lại cái huyền diệu của pháp Thiền này là Trực Thẳng ngay nơi tâm của hành giả mà nhận cho ra chủ nhân ông mà chẳng qua tình thức phân biệt (bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật). Và một khi đã nhận ra Tánh Phật nơi mình rồi thì tất cả diệu dụng của Tự Tánh qua thấy nghe hay biết, nói năng động tĩnh đều thông suốt vô ngại. Nhưng muốn được vậy thì Tổ Quy Sơn có dạy, “chỉ cần có đầy đủ quyết tâm ắt không dối nhau.” Tức chúng ta phải quyết tâm mà miên mật dụng công cho tới khi nhận ra được ông chủ nơi mình mới thôi. Còn nếu lơ là chẳng miên mật dụng công thì khó mà tới cho được chỗ sơn cùng thủy tận hay đầu sào trăm thước ấy. Vì thế, Tổ Hoàng Bá khuyến khích chúng ta rằng:


Hán-Việt:
“Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bả thằng đầu tố nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương”

Việt Dịch:
“Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.”



Hán-Việt:
Nhược hữu trung lưu chi sĩ, vị năng đốn siêu, thả ư giáo pháp lưu tâm, ôn tầm bối diệp, tinh sưu nghĩa lý, truyền xướng phu dương, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Thời quang diệc bất hư khí, tất tu dĩ thử phù trì, trú chỉ uy nghi, tiện thị Tăng trung pháp khí. Khởi bất kiến ỷ tùng chi cát, thượng túng thiên tầm, phụ thác thắng nhân phương năng quảng ích. Khẩn tu trai giới, mạc man khuy du. Thế thế sanh sanh thù diệu nhân quả.

Việt:
Nếu có người căn cơ ở bậc Trung, không thể ngay nơi pháp đốn ngộ này mà vượt thoát, thì nên ở nơi giáo pháp mà lưu tâm, tìm học kinh giáo, nghiên cứu nghĩa lý cho rõ ràng, truyền bá rộng khắp, tiếp đón diều dắt người đời sau, để báo đền ân đức của Phật. Thời giờ cũng đừng bỏ qua, cần phải lấy những việc đó làm chỗ nương tựa và giữ gìn, đi đứng oai nghi, mới chính là bậc pháp khí trong hàng tăng chúng. Há chẳng thấy dây sắn nương cây tùng mà vươn lên cao ngàn thước, nương nhờ cái nhân thù thắng mới có thể đạt được nhiều lợi ích. Phải chân thành tu hành giữ gìn trai giới, đừng có khinh thường mà bỏ qua. Có như vậy thì đời đời kiếp kiếp sẽ được cái nhân quả vô cùng tốt đẹp.

          Tổ Quy Sơn dạy nếu là người căn cơ ở bậc Trung mà không thể trực thẳng ngay nơi Tâm mà Ngộ, hoặc nơi pháp đốn ngộ này vượt thoát tình thức, thẳng nhập vào Tri Kiến Phật thì nên tìm học kinh giáo. Nghiên cứu nghĩa lý cho rõ ràng và truyền bá rộng khắp để dìu dắt người đi sau. Chứ đừng có bỏ thời giờ trôi qua vô ích. Cần phải lấy sự học và tu nơi giáo pháp mà nương tựa giữ gìn, trong mọi oai nghi đi đứng nằm ngồi không lìa giáo pháp. Được như vậy cũng là bậc pháp khí và đủ để làm mẫu mực cho hàng tăng chúng. Đây cũng là cách để báo đền ân đức của Phật một phần nào vậy.

Dây sắn nhờ nương quấn cây tùng mà vươn cao ngàn thước; cũng vậy, chúng ta không phải là bậc thượng căn thượng trí thì nên nương nơi Kinh Luật Luận mà tu hành thì từ từ cũng có lối vào. Kinh giáo như chiếc bè qua sông hoặc như ngón tay chỉ trăng. Nếu không có chiếc bè thì ta không thể qua sông, nếu không nương ngón tay thì khó mà thấy được trăng. Cũng vậy nếu không lấy Kinh Luật Luận làm chỗ nương tựa để học và thực hành thì khó mà nhận ra con đường hướng thượng, nói gì đến ngộ nhập Tri Kiến Phật. Tất cả đều không ngoài nhân quả. Dây sắn nhờ nương cây tùng (nhân) mà vượt lên cao ngàn thước (quả). Cũng vậy, chúng ta nhờ học và thực hành theo lời Phật dạy (nhân) mới có ngày ngộ nhập Tri Kiến Phật (quả). Đó chính là lý do vì sao Tổ Quy Sơn nói nhờ nương cái nhân thù thắng thì mới có thể đạt được nhiều lợi ích vậy. Không những Kinh phải học tu mà cũng cần phải giữ gìn giới luật; không nên khinh thường mà bỏ qua. Bởi giới là pháp đứng đầu của ba môn vô lậu học (giới, định, huệ), là nền tảng của muôn pháp lành. Giới là hàng rào để ngăn che ác đạo, mở toan cửa Thánh. Cho nên nếu giữ gìn trai giới đã thọ cho đúng thì đời đời kiếp kiếp sẽ được cái nhân quả vô cùng thù thắng, tức được thân người tốt đẹp, được biết Phật Pháp để tiếp tục tu hành cho đến khi giác ngộ giải thoát mới thôi.


Hán-Việt:
Bất khả đẳng nhàn quá nhật, ngột ngột độ thời, khả tích quang âm, bất cầu thăng tiến. Đồ tiêu thập phương tín thí, diệc nãi cô phụ tứ ân. Tích lũy chuyển thâm, tâm trần dị ủng, xúc đồ thành trệ, nhân sở khinh khi.

Việt:
Không thể ngồi không qua ngày, lơ mơ qua giờ, đáng tiếc cho ngày tháng qua mau, sao chẳng cầu thăng tiến trên đường Đạo? Uổng hao của mười phương tín thí, cũng là cô phụ bốn ân. Tích chứa cho nhiều thì tâm dễ bị bụi trần che lấp, nên làm việc gì cũng chẳng xong, bèn bị người khinh chê.

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn dạy ngày tháng nhanh chống trôi qua, vì vậy chúng ta đừng ngồi không cho qua ngày mà phải gấp rút tinh tấn tu hành. Bởi người xưa nói, “Học như nghịch thuỷ hành chu, bất tiến tắc thoái(Học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi). Sự học ở thế gian còn như thế huống chi là sự tu hành pháp xuất thế gian hay sao? Nếu không tinh tấn thì muôn đời cũng không xong việc, cứ dậm chân tại chỗ chẳng chịu đi thì biết bao giờ mới tới đích. Chỉ là uổng hao của tín thí và cô phụ bốn ân thôi. Rốt cuộc phải chịu quả khổ trầm luân nhiều đời để đền trả những món nợ đó. Tích chứa nhiều tiền của tài sản thì tâm dễ bị bụi trần che lấp bởi suốt ngày cứ nghĩ tới làm sao có được nhiều tiền hơn nữa, hoặc lo nghĩ đề phòng bị giặc cướp, hoặc suy nghĩ phải dùng tiền của này vào việc gì v.v… Hết suy nghĩ này tới suy nghĩ khác chồng chất làm khổ cái tâm mệt cái thân. Thân tâm đã chẳng yên thì làm sao đủ chánh niệm tỉnh giác để làm những việc khác cho chu đáo hoàn tất? Nên làm cái gì cũng không ra cái gì, bèn bị người khinh chê. Vả lại chúng ta phát tâm xuất gia đâu phải vì tiền tài danh lợi, hay cơm no áo ấm? Chúng ta bỏ tất cả đi tu là vì muốn giải thoát khỏi cái khổ sanh tử, ra khỏi nhà phiền não, nhà tam giới. Thì tại sao vào chùa lại suốt ngày nghĩ tới việc tích chứa tiền bạc tranh danh đoạt lợi không thôi? Muốn giải thoát mà tích chứa và giữ lấy cho nhiều không chịu buông bỏ thì làm sao mà giải thoát? Thế thì khác nào muốn giải thoát mà lại lấy nhiều dây để tự quấn và trói buộc mình. Như vậy thì đời nào mà được giải thoát? Đời nào mới xong việc được vô sự đây?


Hán-Việt:
Cổ vân, bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thoái khuất. Nhược bất như thử, đồ tại tri môn, nhẫm nhiễm nhất sanh, thù vô sở ích.

Việt:
Người xưa nói: “Kia đã là bậc trượng phu thì ta cũng thế” chẳng nên tự khinh chê mà lùi bước khuất phục. Nếu chẳng như thế, luống ở cửa chùa, thấm thoát một đời, quyết không lợi ích.

          Tổ Quy Sơn dạy chúng ta đừng tự khinh mình mà lùi bước khuất phục. Chúng ta thường nghĩ mình là bậc hạ căn, hoặc còn là chúng sanh nên chẳng dám có ý nghĩ thành Phật làm Tổ. Chư Phật và Tổ cũng là người như chúng ta, nhưng các Ngài đã nổ lực tu hành nên mới được giác ngộ giải thoát. Chúng ta nếu chịu nổ lực tinh tấn dụng công tu tập thì cũng có ngày giác ngộ thành Phật như chư Phật chư Tổ chẳng khác vì chúng ta ai cũng có khả năng thành Phật, bởi ai cũng có Phật Tánh. Do vậy Phật nói, “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Ai cũng có khả năng thành Phật, cho nên mình đừng tự khinh chê mình. Trong Kinh Pháp Hoa, tiền thân của đức Phật Thích Ca là Thường Bất Khinh Bồ Tát gặp ai cũng lạy nói, “Tôi không dám khinh các ngài vì các ngài đều sẽ thành Phật.” Chư Phật chư Tổ là bậc đại trượng phu tu hành tinh tấn được giác ngộ giải thoát thì mình cũng có thể làm được như các ngài vì mình cũng có Tánh Phật. Chỉ cần mình dũng mãnh tinh tấn tu hành thì ắt có ngày cũng sẽ Kiến Tánh, Thành Phật. Nên ở trên Tổ Quy Sơn cũng có dạy, “Sanh sanh nhược năng bất thoái, Phật giai quyết định khả kỳ” (Đời đời nếu không thoái lui thì quả Phật có thể kỳ vọng). Nếu không có ý chí cầu tiến vươn lên và tinh tấn hành đạo thì luống uổng ở chùa, cơm cháo qua ngày, thấm thoát hết một đời, đâu được lợi ích chân thật, ngược lại còn có hại vì mang cái nợ về sau.


Hán-Việt:
Phục vọng hưng quyết liệt chi chí, khai đặc đạt chi hoài, cử thác khán tha thượng lưu, mạc thiện tùy ư dung bỉ. Kim sanh tiện tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân. Tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối. Tâm không cảnh tịch, chỉ vị cửu trệ bất thông.

Việt:
Kính mong các vị khởi lên cái chí quyết liệt, mở ra cái tâm thông suốt rộng lớn vượt trên phàm tình (phát Tâm Bồ Đề), tất cả việc làm phải nhìn theo bậc Thượng kia, chớ chuyên theo với kẻ tầm thường. Ngay nơi đời này cần phải đoạn dứt sanh tử, tự mình lo liệu chẳng do người khác. Dứt ý quên duyên, chẳng cùng các trần làm bạn. Tâm vốn không cảnh vốn tịch, chỉ vì ngăn trệ đã lâu nên không thông suốt được.

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn mong chúng ta phải khởi lên cái ý chí quyết liệt để mở cái tâm thông suốt rộng lớn trội hơn thường tình, tức là phát khởi cái Tâm Bồ Đề. Phát Tâm Bồ Đề là làm cho Tánh Giác bùng lên bằng công phu miên mật thiền quán cất hết mọi đối tượng của thức. Sở đã không thì Năng cũng không. Năng sở song vong thì Tánh Giác mới hiển lộ, tức là phát khởi được Tâm Bồ Đề vậy. Chứ không thể dùng ý thức thề thốt suông mà phát khởi được cái Tâm Bồ Đề đó. Mọi việc làm phải noi gương các bận Thượng căn (chư Tổ đã Kiến Tánh) đi trước, chớ đừng đi theo kẻ tầm thường. Chúng ta cần phải quyết tâm ngay nơi đời này đoạn dứt sanh tử vì sanh tử là việc lớn. Cho nên Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói, “Sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc” (sanh tử là việc lớn, vô thường lại chống mau). Và cái việc giải thoát sanh tử này chính chúng ta phải tự lo cho mình chứ không một ai có thể thay thế mình được bởi không ai có thể tu thay cho mình, hay nhảy vào tâm mình mà cất hết mọi sở niệm của mình được ngoài chính mình. Do vậy tổ nói, “tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác tối(dứt ý quên duyên, chẳng cùng các trần làm bạn). Chính mình phải dứt ý quên duyên ngay nơi mình chứ chẳng ai khác có thể làm được việc ấy. Thực hành cái hạnh cất hết mọi sở niệm của thức thì gọi là dứt y quên duyên. Mọi sở niệm của ý đã hết thì đâu có cùng các cảnh trần làm bạn (bất dữ chư trần tác tối). Hằng ngày chúng ta mắt thấy sắc là nhiễm sắc, tai nghe thanh thì trước thanh vì sáu căn hiệp sáu trần sanh ra sáu thức. Căn, trần, thức tương tác với nhau che mờ (uẩn hay ấm) Tâm Tánh của mình nên không thông suốt và thấy biết đúng như thật các pháp đang là hay Như Thị, Bất Nhị, và Không. Khi dứt ý vong duyên, mọi sở niệm của ý đã hết, cái năng niệm cũng không, thì Tánh Giác tự hiển bày chiếu soi. Do vậy nên thấy nghe hay biết đúng như thật các pháp đang là mà không phải do ý thức phân biệt. Lúc đó Căn là chơn căn vì không uẩn, trần là chơn trần vì trần không uẩn, thức là chơn thức (tánh thức) vì không uẩn. Căn không, trần không, thức không thì gọi là “tâm không cảnh tịch” hay “nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” nên thông suốt vô ngại. Từ xưa đến nay chúng vẫn như thế, chỉ vì bị ngăn che bởi uẩn/ấm nên không thông suốt được. Nay nhờ miên mật dùng công thiền quán, đem mọi sở niệm của ý dẹp hết thì uẩn/ấm mới không còn ngăn che nữa mà tự được thông suốt rõ ràng. Như mây đen che mặt trời, khi sạch hết mây đen thì mặt trời tự chiếu soi.

Đoạn 22

Hán-Việt:
Thục lãm tư văn, thời thời cảnh sách, cưỡng tác chủ tể, mạc tuẫn nhân tình. Nghiệp quả sở khiên, thành nan đào tị, thanh hòa hưởng thuận, hình trực ảnh đoan, nhân quả lịch nhiên, khởi vô ưu cụ. Cố kinh vân, giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ. Cố tri tam giới hình phạt oanh bán sát nhân, nỗ lực cần tu, mạc không quá nhật.

Việt:
Hãy đọc cho kỹ bài văn này để thường thường nhắc nhở và sách tấn lấy mình. Hãy tận sức mà làm chủ lấy mình, đừng thuận theo tình người. Nghiệp quả ràng buộc lôi kéo thật khó trốn tránh, cũng như tiếng hòa thì âm vang, hình thẳng thì bóng ngay. Nhân Quả rõ ràng như thế, há không lo sợ? Cho nên kinh nói: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã làm không mất, khi nhân duyên hội hợp, quả báo lại tự chịu.” Nên biết sự hình phạt của ba cõi là trói buộc và giết người, vậy phải nổ lực gắng tu, chớ bỏ không qua ngày!

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn dạy chúng ta phải đọc cho kỹ bài văn này để thường tự nhắc nhở và sách tấn lấy mình. Quả thật vậy, những lời dạy chí lý chí thành như thế này rất hiếm được nghe. Nếu theo đây mà làm thì thật không uổng một đời tu, dù chưa thể nhất thời vượt lên bậc Thánh nhưng ít ra cũng được gọi là bậc Hiền và xứng đáng dìu dắc người sau để báo đền ân đức của Phật (tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức). Tổ Quy Sơn cũng nhấn mạnh là chúng ta phải tận sức mà làm chủ lấy mình, đừng thuận theo tình người. Nghĩa là chúng ta phải giữ vững lập trường, và con đường tu hành của mình, đừng bị người đời lôi kéo đi làm việc của họ muốn. Thí dụ người đời bảo ta đi dương sao giải hạn, cúng đám v.v… mà ta vì tiền tài danh lợi chạy theo thì cả đời không thể làm chủ lấy mình, không tự cứu lấy mình được. Nên mình phải biết tự chủ dừng lại để tiến tu giải thoát, lấy cái việc tu giác ngộ giải thoát là việc chính của đời mình (duy tuệ thị nghiệp). Mặc tình thiên hạ có buồn ta, có không cúng dường ta, ta cũng không vì thế mà thuận theo sở ý của họ, làm trái với lời dạy của đức Thế Tôn, đi nghịch lại với lý tưởng, mục đích và bổn phận của người xuất gia mình được. Mình tu là mình tu cho mình, chính mình được an vui giải thoát, chứ thiên hạ đâu có thể tu thế cho mình được, bởi vọng tâm sinh diệt của ai thì người đó tự làm sạch lấy. Người khác chẳng thể cất hết mọi sở niệm ở trong tâm thức mình được. Tâm vọng khởi ham muốn của mình mà mình còn dẹp, huống gì là tâm vọng khởi ham muốn của người khác ư? Tự mình quét sạch vọng tâm sinh diệt của mình còn chưa xong, huống gì là chạy theo cái tâm sinh diệt của người khác ư? Mình phải Tự Giác Tự Độ trước mới có Trí Huệ Phương Tiện để Giác Tha Độ Tha. Do vậy, Kinh Duy Ma Cật dạy, “Nếu tự mình bị trói mà mở trói được cho người thì chẳng có chỗ đúng. Nếu tự mình chẳng bị trói, thì mới có thể mở trói cho người.”




1.
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý ô nhiễm
Khổ não sẽ đi theo
Như xe theo vật kéo.”

2.
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý trong sạch
Hạnh phúc sẽ theo sau
Như bóng không rời hình.”


Với cái tâm xấu để nói và hành động bất thiện thì cái quả Khổ sẽ đi theo sau mình như bánh xe lăn theo sau chân con vật kéo nó. Ngược lại nếu dùng cái tâm nghĩ thiện, nói thiện, làm việc thiện thì cái quả Vui sẽ đi theo sau mình như bóng không rời hình. Nhân Quả rõ ràng khó mà trốn tránh được, há chẳng lo sợ hay sao? Nên người xưa nói, “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.” Nghĩa là người tu hành đạo Bồ Tát quán xét được cái nhân bất thiện đưa tới cái quả khổ đau thì họ đã tránh không tạo cái nhân xấu đó rồi. Ngược lại chúng sanh thì chẳng biết quán xét nhân quả, cứ một bề tha hồ tạo nhân xấu ác. Đến khi quả bảo Khổ tràn về thì mới lo sợ. Tới lúc đó thì đâu còn kịp nữa chỉ đành chấp nhận lãnh lấy cái quả khổ đâu đó mà thôi. Vậy mà nhiều khi còn chưa phản tỉnh, cứ lại tiếp tục tạo thêm nhiều nhân xấu nữa và rồi cũng sẽ nhận lãnh thêm nhiều quả khổ đau bất tận khác. Cứ mãi như thế ở trong vòng trầm luân. Do vậy Tổ lấy lời dạy trong Kinh về nhân quả ra mà răng nhắc chúng ta rằng, “giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ” (Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã làm không mất, khi nhân duyên hội hợp, quả báo lại tự chịu). Tự mình làm tự mình chịu đâu có thể đổ lỗi cho ai, cũng chẳng ai có thể thay mình chịu tội dù đó là người thân nhất của mình, và mình cũng chẳng thể chạy trốn đi đâu được. Do vậy nên biết sự hình phạt của ba cõi là trói buộc và giết người. Chúng ta theo nghiệp báo ra vào lên xuống trong ba cõi sáu đường không ngừng nghỉ. Như vậy nó đâu khác gì là sợ dây trói buộc ta, giết ta? Đó là hình phạt của chúng sanh còn sống trong ba cõi sáu đường vậy. Nếu nghĩ đến hình phạt của ba cỏi khổ đau như thế thì không một ai là không muốn rời khỏi. Và nếu muốn ra khỏi sự giam cầm của ba cõi thì chỉ còn cách là miên mật dụng công cất hết mọi sở niệm của ý (tức ý vong duyên) thì Tánh Giác mới có thể bùng lên, gọi là giác ngộ Bản Tâm, Nhập Tri Kiến Phật, Giải thoát giải thoát Tri Kiến. Vì thế Tổ khuyên chúng ta phải nổ lực tinh tấn tu hành, đừng có để ngày tháng trôi qua vô ích.

Đoạn 23

Hán-Việt:
Thâm tri quá hoạn, phương nãi tương khuyến hành trì. Nguyện bách kiếp thiên sanh, xứ xứ đồng vi pháp lữ, nãi vi minh viết:

Việt:
Biết rõ được sự tai hại của tội lỗi, cho nên khuyên nhau hành trì. Nguyện trăm kiếp ngàn đời, dù ở nơi đâu cũng cùng làm bạn pháp. Nên làm bài minh rằng:

Học Giải:
          Tổ Quy Sơn biết rõ sự tai hại của việc gieo nhân bất thiện nên khuyên chúng ta hành trì cho đúng để giải thoát khỏi cái khổ sinh tử trầm luân. Ngài nguyện trăm kiếp ngàn đời, dù ở nơi đâu cũng cùng làm bạn pháp với chúng ta. Đó là cái nguyện lợi tha, đại từ đại bi vậy. Nên Tổ đã làm bài Minh sau đây để toát yếu lại những gì ngài đã nói.



Hán-Việt:
1.
Huyễn thân mộng trạch
Không trung vật sắc
Tiền tế vô cùng
Hậu tế ninh khắc?

Việt:
1.
Thân huyễn nhà mộng
Vật sắc trong không
Đời sau đâu ngằn?


          Thân này do nhiều yếu tố nhân duyên hòa hợp mà kết thành thì nó cũng do nhân duyên biệt ly mà tan rã. Còn tâm này thì lúc thức chúng ta bị ý thức chi phối nên sự thấy nghe hay biết hoàn toàn sai lầm không đúng với chân tướng sự thật. Khi ngủ thì năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tạm đóng lại nằm yên nên tiền ngũ thức cũng không hoạt động, và do vậy ý thức bớt đi các cảnh duyên để nó phân biệt. Khi ý thức bị yếu đi thì Mạt Na Thức trồi lên hoạt động, nó khơi dậy và chụp lấy những hạt giống nào ở mặt trên được chứa trong kho A Lại Da Tàng Thức mà có những giấc mơ. Vì vậy gọi là “đêm mộng mơ, ngày tơ tưởng”.  Chỗ này cũng giống như lúc lâm chung, thân căn đều hoại, ý mất theo thân căn, đây chính là lúc Mạt Na Thức bị chi phối bởi những chủng tử giống như lúc ban đêm chiêm bao vậy. Những hạt giống nào mạnh trồi lên trước thì sẽ kéo Mạt Na đi theo. Nên ở phần trên Tổ Quy Sơn có dạy, “Như nhân phụ trái, cường giả tiên khiên, tâm tự đa đoan, trọng xứ thiên trụy” (Như kẻ thiếu nợ, ai mạnh theo trước, tâm tạo nhiều nghiệp, nặng đâu rơi đó). Mỗi hạt giống đều có năng lực của nó nên gọi là “Chủng tử sanh hiện hành” hay gọi thẳng tắc là “Nghiệp lực”. Hai hạt giống cực thiện và cực ác sẽ đẩy Mạt Na đi tái sinh trong ba cõi sáu đường ngay tức khắc. Còn không đủ mạnh để kéo Mạt Na đi vì là những hạt giống yếu thì gọi đó là “Thân Trung Ấm”. Ở đây mới thấy dòng samsara thật rất đáng sợ, khó mong ra khỏi. Dòng samara là những hành uẩn tâm thức hay những chủng tử đã được chứa trong kho A Lại Da Thức liên tục vận hành tuôn chảy không cùng không tận. Phía trước của dòng chảy samsara thì vô thủy, phía sau thì vô chung. Vì vậy nên nói, “tiền tế vô cùng, hậu tế ninh khắc” (Đời trước không cùng. Đời sau đâu ngằn?) Nếu không thoát khỏi dòng samsara thì nó là “vô thủy vô chung”. Còn nếu thoát ra được thì gọi là “vô thủy hữu chung”. Do vậy Tổ cứ nhắc đi nhắc lại khuyên chúng ta phải tinh tấn tu hành đừng lảng phí thời giờ vô ích. Lúc ngủ chúng ta mộng mơ nên gọi là nhắm mắt chiêm bao. Còn lúc thức chúng ta cho rằng mình đang tỉnh, nhưng thật ra là vẫn sống trong ảo tưởng. Lúc thức sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra sáu thức. Tiền ngũ thức chỉ thấy nghe tiếp thu trần cảnh mà chẳng thể phân biệt, duy chỉ có ý thức mới phân biệt mọi điều thấy nghe. Do phân biệt mà lập tình thức trước mọi sự vật hiện tượng nên đó là cái thấy nghe bị uẩn/ấm che mờ nên không thấy nghe đúng sự thật các pháp đang là. Vì vậy nên gọi là mở mắt chiêm bao. Nói tóm lại thân tâm như hoa đốm trên không, đều bị chi phối bởi vô thường, chẳng có gì bền chắc cả.

Hán-Việt:                                                             

2.
Xuất thử một bỉ
Thăng trầm bì cực
Vĩ miễn tam luân
Hà thời hưu tức?
  
 Việt:
2.
Thoát đây chìm kia
Lên xuống nhọc nhằn
Chưa khỏi ba cõi
Bao giờ chấm dứt?

Học Giải:
          Chúng ta hằng ngày tạo tác bao nghiệp thiện ác bằng thân, khẩu, ý. Đem tất cả mọi sự vật hiện tượng tiếp xúc hằng ngày vào kho A Lại da thức tạo thành một dòng chảy nghiệp lực hay hành uẩn. Do vậy, khi chết thì tâm thức tùy theo nghiệp mà thọ báo thân (thức tâm tùy nghiệp). Thoát đây thì chìm kia, lên xuống nhọc nhằn trong ba cõi sáu đường chưa từng ra khỏi. Nếu chưa thoát khỏi ba cõi sáu đường thì biết bao giờ sự lên xuống nhọc nhằn kia tức hay cái khổ sanh tử mới chấm dứt? Vì vậy phải cố gắng nổ lự tinh tấn công phu tham thiền cho miên mật thì mới có ngày ra khỏi ba cõi chấm dứt sanh tử vậy. Ngày nào còn chưa ra khỏi biển khổ sanh tử thì ngày đó chưa thể ngưng nghỉ công phu. Càng cần phải mạnh mẽ ra sức dụng công cho đến khi “sơn cùng thủy tận” mới thôi. Cũng như Thiền Sư Tông Bổn nói, “bám sát công phu không gián đoạn, mới mong tham thấu Tổ Sư Thiền.”  Hãy cố gắng! Phải cố gắng lên!

Hán-Việt:                                                           

3.
Tham luyến thế gian
Ấm duyên thành chất
Tùng sanh chí lão
Nhất vô sở đắc.
Căn bản vô minh
Nhân tư bị hoặc.

Việt:
3.
Tham luyến thế gian,
Ấm duyên thành chất,
Từ sanh đến già,
Không được gì cả.
Căn bản vô minh
Nhân đây bị mê.

               Vì sao chúng ta chịu khổ nhọc nhằn ra vào lên xuống trong ba cõi sáu đường? Bởi do tâm tham ái, dục vọng, luyến tiếc thế gian mà ra. Chính do tham ái nó tạo thành dòng nghiệp lực mạnh mẽ đưa mình lưu chuyển sanh tử không có ngày ra khỏi. Như Kinh có dạy, “Người tù ở thế gian cũng có ngày thoát ngục; kẻ vương vấn ái dục bị trói buộc thiên thu.” Cũng như ở phần đầu cảnh sách, Tổ Quy Sơn có dạy, “Do nghiệp lực trói buộc mà có thân, nên chưa thoát khỏi các khổ lụy về thân. Thọ nhận cái tinh huyết của cha mẹ, lại vay mượn các duyên mà hợp thành.” Do nghiệp ái dục mà chúng ta có thân, năm ấm hòa hợp thành sắc chất, nên lầm nhận vọng thân, vọng tâm làm mình. Căn bản vô minh từ đây mà bị mê hoặc, đánh mất Chân Tánh. Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy chúng ta sở dĩ luân hồi sanh tử là vì không biết được hai cội gốc. Một là Căn Bản Vô Minh hay Căn Bản Sinh Tử tức như hiện nay chúng ta ai cũng đang dùng cái tâm phan duyên (ý thức) theo cảnh trần làm Tự Tánh của mình. Chính vì vậy nên che mờ Chân Tánh Thanh Tịnh Sáng Suốt vốn sẵn có nơi mình, nên mình nhận vọng làm chân, nhận vật làm mình, nhận giặc làm con. Từ mê lầm này tới mê lầm khác chồng chất khó mong thoát được. Thứ hai là Căn Bản Bồ Đề vốn sẵn có, tức cái Chân Tâm Thanh Tịnh Sáng Suốt Bản Nhiên hằng luôn ở bên mình mà không nhận ra. Vì vậy, Thiền Sư Trường Sa Cảnh Sầm nói:


Hán-Việt:
“Học đạo chi nhân bất thức chân
Chi vị tùng lai nhận thức thần
Vô thủy kiếp lai sanh tử bản
Si nhân hoán tác bản lai nhân.”

Việt Dịch:
“Học đạo mà không hiểu lý chân
Bởi tại lâu rồi nhận thức thần
Gốc nguồn sinh tử vô thuỷ kiếp
Người ngu lại gọi là chủ nhân.”


Chúng ta đã quen lầm nhận cái tâm thức hư vọng sanh diệt này là mình, mà chính nó là cái gốc của sinh tử mà chẳng biết. Kinh Lăng Nghiêm cũng dạy vì mê muội nên chúng ta đem Chân Tánh biến thành hư không ám muội. Trong cái hư không ám muội lại kết cái cảnh ám muội thành ra có sắc. Vọng sắc xen lộn với vọng tâm hòa hợp mà thành có thân năm uẩn. Ngoài thì chạy theo cảnh vật, trong thì duyên theo pháp trần. Rồi nhận cái tướng lăng xăng dong ruỗi ấy của vọng thức làm Tâm Tánh. Vì vậy lầm cho rằng Tâm ở trong thân mà không biết Chân Tâm Sáng Suốt Nhiệm Mầu Cùng Khắp. Một khi đã cho cái tâm vọng tưởng là mình thì cứ vì nó mà tạo bao nghiệp dù thiện dù ác để phải tiếp tục lưu chuyển sinh tử để thọ nhận những quả báo dù vui dù khổ tương xứng. Xét lại mà thấy, từ khi sanh ra cho đến già chết tất cả đều không được gì cả. Khi sanh ra là hai bàn tay trắng, và khi chết đi cũng là hai bàn tay trắng. Duy chỉ có nghiệp thiện ác cả một đời mang theo mình để chịu quả khổ vui tương xứng trong những kiếp sau. Vì vậy Phật dạy người tu chúng ta cần phải đoạn trừ ái dục, dẹp bỏ vọng tâm, xoay trở về với Căn Bản Bồ Đề thì mới được giác ngộ Bản Tâm mà giải thoát khỏi mọi sự dính mắc ràng buộc trong ba cõi.




Hán-Việt:                                                          

4.
Quang âm khả tích
Sát na bất trắc.
Kinh sanh không quá
Lai thế trất tắc.

Việt:
4.
Thời giờ đáng tiếc
Sát-na khó lường.
Đời nầy luống qua
Đời sau bế tắc.


Học Giải:
               Thời gian trôi qua rất mau nên phải biết tiếc từng giây phút một để tu tập mà trở về với Căn Tánh Bồ Đề, ra khỏi sanh tử. Bởi sát-na là đã qua đời khác rồi, thật khó mà lường trước được. Do vậy, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy chúng ta phải quán chiếu để thấy rõ mạng người chỉ trong từng hơi thở. Nếu đời này mình cho nó luống uổng trôi qua thì đời sau cũng sẽ bị bế tắc vì theo nghiệp thọ báo thân. Có thân nghiệp báo thì tiếp tục tạo thêm nhiều nghiệp nhân thiện ác để rồi phải tiếp tục lưu chuyển sinh tử, không lúc nào thoát khỏi được.

Hán-Việt:                                                       

5.
Tùng mê chí mê
Giai nhân lục tặc.
Lục đạo vãng hoàn
Tam giới bồ bặc

Việt:
5
Từ mê đến mê
Đều do sáu giặc.
Qua lại sáu đường
Lăn lóc ba cõi.

Học Giải:
               Kinh Lăng Lăng nghiêm nói chính do sáu căn là cái gút thắt đã khiến cho chúng ta lưu chuyển trong vòng sanh tử. Mà cũng chính do nơi sáu căn làm cho mình được giải thoát chứng quả Bồ Đề nếu biết chọn một căn chuyên nhất mà trở về với Tánh Giác của mình. Mê hay ngộ cũng đều do nơi sáu căn. Nếu sáu căn và sáu trần tương tác sanh ra sáu thức thì đó gọi là mê, bởi tri kiến lập tri tức vô minh bổn. Dẫu cho ngũ căn tiếp xúc với ngũ trần sanh ra tiền ngũ thức (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân thức) mà không có ý thức xen vào thì cũng chỉ được gọi là “trực thức vô trạch” tức là thấy nghe thẳng bằng thức mà không có ý thức phân biệt. Mắt thấy sắc chỉ là thấy thôi, tai nghe tiếng chỉ là nghe thôi chứ không phân biệt được sắc gì và tiếng gì. Tuy nhiên, trực thức vô trạch cũng vẫn còn kẹt nơi thức tri, chỉ có thể an lập ý nhứt thời như lấy đá đè cỏ, mà không thể nhổ được gốc rễ phiền não. Tiền ngũ thức rõ biết cảnh trần thì gọi là Thức Tri, nhưng vì còn là thức nên vẫn thuộc mê. Đây là một lớp mê. Khi tiền ngũ thức thấy rõ trần cảnh và có sự cộng tác của ý thức để phân biệt hình thành những khái niệm giả lập trong tâm thì gọi là Tưởng Tri. Đây lại là một lớp mê. Rồi trong một khái niệm giả lập của tâm thức hay tưởng tri lại làm nhân sanh ra nhiều cái khái niệm giả lập liên quan tới khái niệm giả lập ban đầu. Như vậy lại sanh ra nhiều lớp mê khác nữa. Thức tri đã là mê, tưởng tri lại càng mê, lại thêm nhiều tưởng tri trên tưởng tri thì mê chồng thêm mê. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy bọn mình là kẻ “điên đảo nhiều cách” (chủng chủng điên đảo) hay “nhữ đẳng tức thị mê trung bội nhân” (các ngươi đều là những người mê lầm nhiều lớp). Còn ở đây thì Tổ Quy Sơn lại nói “Tùng mê chí mê” (từ mê đến mê) là vậy. Nếu tâm cảnh chẳng đến với nhau thì gọi là ngộ, bởi tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn”. Do vì nhận vọng làm chân, nhận giặc làm con, nhận vật làm mình, tức cho cái tâm phan duyên sinh diệt là mình nên vì nó mà làm đủ mọi việc thiện ác để phải thọ lảnh cái quả báo tương xứng khổ vui ở trong ba cõi sáu đường. Vì vậy nói, “qua lại sáu đường, lăng lóc ba cõi”. Do vậy khi nào chúng ta dứt được cái tâm phan duyên ấy thì mới mong hết bệnh sanh tử. Nên, Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh chép:

“Thế nào là gốc bệnh? Vì có phan duyên, từ chỗ phan duyên mới thành gốc bệnh. Phan duyên nơi nào? Phan duyên tam giới. Làm sao đoạn dứt? Dùng tâm vô sở đắc. Nếu tâm vô sở đắc thì chẳng có phan duyên. Thế nào là vô sở đác? Là lìa nhị kiến. Thế nào là lìa nhị kiến? Phàm tất cả nhị biên đối đãi như nội kiến, ngoại kiến đều gọi là nhị kiến, nên nói lìa nhị kiến tức là vô sở đắc vậy.”

          Như Kinh nói có tâm phan duyên theo trần cảnh, hay dính mắc nơi tam giới là gốc của bệnh, của sinh tử, của mọi khổ đau. Muốn hết bệnh hết khổ thì phải xóa hết mọi đối tượng của tâm phan duyên. Vì quét sạch hết mọi đối tượng của tâm phan duyên nên nó chẳng thể duyên nơi một thứ gì và chính tâm phan duyên cũng được tịnh hóa, vì vậy cho nên gọi là “dùng tâm vô sở đắc” để đoạn dứt tâm phan duyên. Tâm Vô Sở Đắc là tâm lìa nhị kiến có không, chánh tà, thiện ác, bỉ thử, nhân ngã và tất cả mọi cặp phạm trù tương đối. Do vậy Tổ Quy Sơn nhiều lần lập đi lập lại những câu, “Tức ý vong duyên”, “bất dữ chư trần tác đối”, “tâm không cảnh tịch”, hay “tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức, nhứt tâm bất sanh, vạng pháp câu tức” đều là ý này.

Hán-Việt:                                                   

6.
Tảo phóng minh sư
Thân cận cao đức.
Quyết trạch thân tâm
Khử kỳ kinh cức.

Việt:
6.
Sớm hỏi minh sư
Thân cận cao đức
Quyết lọc thân tâm
Bỏ điều gai góc.


Học Giải:


               Nếu muốn thoát khỏi cái khổ sanh tử nhọc nhằn lên xuống ra vào trong ba cõi sáu đường thì phải sớm tìm và thân cận những bậc minh sư có tu đức mà hỏi đạo. Nhờ có minh sư mà mình đi đúng đường đến bờ giác ngộ giải thoát. Còn gặp phải tà sư thì như người mù dẫn người mù, cả hai cùng sa hầm sụp hố. Muôn kiếp ngàn đời cũng không thể ra khỏi nhà lửa ba cõi. Vậy phải khéo mà tìm, chọn, và thân cận những bậc minh sư, thiện hữu tri thức. Phải quyết chí thanh lọc cái thân tâm, bỏ những điều gai góc. Tức như Kinh Pháp Cú dạy như sau.


Hán-Việt:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.”

Việt Dịch:
“Đừng làm các việc ác
Vâng làm các việc lành
Tự thanh tịnh tâm ý
Là lời chư Phật dạy.”


          Tổ Quy Sơn dạy chúng ta phải quyết thanh lọc thân tâm (quyết trạch thân tâm, bỏ điều gai góc) thì cũng giống như Kinh Pháp Cú dạy mình phải tự thanh tịnh tâm ý (Tự Tịnh Kỳ Ý). Nghĩa là mình phải dùng tuệ quán chiếu soi vào trong lòng thực tại, cất hết mọi đối tượng của thức hay làm cho Sở Quán Không. Đây mới là chánh nhân để đưa mình thoát khỏi ngục tù của hai màng vô minh (nhất niệm vô minh và vô thủy vô minh), ba cõi (dục, sắc, vô sắc), ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn), sáu đường (trời, người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục), mười tám giới (sáu căn, sáu trần, sáu thức), và hai mươi năm cõi (nhị thập ngũ hữu). Tất cả đều do tâm tạo nên Kinh Hoa Nghiêm nói “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán Pháp Giới Tánh, nhứt Thiết Duy Tâm Tạo” (Nêu có người muốn biết rõ, ba đời tất cả Phật, nên quán Tánh Pháp Giới, tất cả do Tâm tạo). Do vậy, tất cả đều từ tâm mình khởi dậy thì cũng chính nơi tâm mình mà diệt mất. Không ai có thể tu thế cho mình được. Chính mình phải “Tự” thanh tịnh tâm ý mình vì không có ai có thể nhảy vào tâm mình để làm cho no được thanh tịnh cả ngoài chính mình. Do vậy người xưa nói “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”. Đức Phật cũng dạy chính mình phải tự “Thắp đuốc lên mà đi” hay Tự Tánh Tự Độ.

Hán-Việt:                                                     

7.
Thế tự phù hư
Chúng duyên khởi bức?
Nghiên cùng pháp lý
Dĩ ngộ vi tắc

Việt:
7.
Đời tự phù hư
Duyên nào ép bức?
Xét cùng pháp lý
Lấy ngộ làm gương


Học Giải:


               Cuộc đời vốn là vô thường giả tạm, các pháp đều do duyên sinh rồi cũng do duyên diệt. Mọi việc hãy để các pháp vận hành theo quy luật tự nhiên của chúng, đừng để tâm dính mắc chúng thì chúng làm sao ép bức được mình? Chỉ khi nào còn tâm phan duyên dính mắc thì các pháp mới ép bức được mình. Như Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Quán Chúng Sanh chép khi được một vị Thiên nữ rãi hoa cúng dường, đến thân các Bồ Tát thì liền rơi xuống đất, còn các đại đệ tử như ngài Xá Lợi Phất thì bị hoa dính trên thân, nên ngài phủi hoa cho rơi xuống đất mà không được. Khi đó Thiên nữ hỏi tại sao phủi hoa, ngài Xá Lợi Phất đáp vì hoa này chẳng đúng pháp nên phủi. Lúc đó Thiên nữ nói rằng:

Chớ bảo hoa này chẳng đúng pháp. Tại sao? Vì hoa này chẳng có phân biệt, tại nhơn giả tự sanh phân biệt tưởng mà thôi. Người ở nơi Phật pháp xuất gia, có tâm phân biệt là chẳng đúng pháp, nếu chẳng phân biệt tức là đúng pháp. Nay thử xem các vị Bồ Tát chẳng dính hoa là vì đã đoạn diệt phân biệt tưởng vậy. Ví như người đang có khiếp sợ thì phi nhơn mới được dịp mê hoặc. Cũng thế, các vị đệ tử vì đang sợ sanh tử thì sắc, thanh, hương, vị, xúc mới được dịp mê hoặc. Kẻ đã lìa được khiếp sợ thì tất cả ngũ dục đều chẳng thể mê hoặc. Kẻ kiết tập (tập khí trói buộc) chưa sạch, hoa mới dính vào thân. Kẻ kiết tập đã sạch thì hoa chẳng dính vậy.”

Do Tâm phan duyên hay ý thức Phân Biệt nên mới dính mắc ở sáu trần dụ cho hoa dính thân không thể phủi. Bồ Tát do vì đã đoạn diệt phân biệt tưởng nên được thấy nghe tự tại không còn dính mắc nơi cảnh trần. Do vậy Tổ Quy Sơn ở phần trên nói, “văn thanh kiến sắc cái thị tầm thường”. Ngài cũng dạy, “Tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối” hay “bất dụng tương tâm tấu bạc, đãn tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhân” (Chẳng cần đem tâm nương gá nơi đâu, chỉ cần không bám theo vật, thì vật cũng chẳng chướng ngại được người). Chỉ vì mình mê, nhận vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh làm mình nên mới theo chúng lưu chuyển sinh tử, cũng như bị chúng duyên ép bức. Mê thì chúng duyên ép bức, Ngộ thì chúng duyên chẳng ép bức được mình. Do vậy chúng ta cần phải tham cứu giáo lý sâu xa (nghiên cùng pháp lý) của đức Phật đến chỗ cùng tận tức Triệt Ngộ, cũng như phải quyết lấy sự giác ngộ giải thoát làm mục tiêu hay mục đích duy nhứt của đời tu mình đến khi nào giác ngộ mới thôi (dĩ ngộ vi tắc). Vì vậy người tu hành chúng ta chỉ có một sự nghiệp duy nhứt đó là “Duy Tuệ Thị Nghiệp”. Nếu chúng ta duy cái gì khác ngoài sự tu hành để đưa đến giác ngộ giải thoát là sai lầm, vì nó nằm ngoài bổn phận của người xuất gia chúng ta.

Hán-Việt:                                                               

8.
Mạc ký mạc ức.
Lục căn dĩ nhiên
Hành trú tịch mặc.
Nhứt tâm bất sanh
Vạn pháp câu tức.

  Việt:
8.
Tâm cảnh đều quên
Không nhớ không nghĩ
Sáu căn an nhiên
Đứng đi lặng yên
Một tâm không sanh
Muôn pháp đều Như.


Học Giải:


               Muốn được giác ngộ giải thoát chúng ta cần phải cất hết mọi sở niệm của thức. Khi sở niệm đã Không thì năng niệm cũng Không. Năng Sở đều không nên nói “Tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức” (tâm cảnh đều quên, không nhớ không nghĩ). Đến chỗ này gọi là Đầu Sào Trăm Thước hay tới Thoại Đầu. Lúc này chỉ cần một sự việc hay hành động nhỏ như thấy chiếc lá rơi, hoa nở, nghe tiếng chuông ngân v.v… cũng có thể làm cho chúng ta vỡ khối nghi mà Tánh Giác được bùng lên. Lúc đó thì sáu căn được an nhiên (lục căn dĩ nhiên), tức như HT Minh Điền có dạy, mắt thấy y như nó thấy cảnh vật mà chẳng ở nơi vọng thấy nên mắt là Không hay vắng lặng, và rồi sự thấy của mắt cũng vắng lặng, và cái Tánh Thấy cũng vắng lặng nên còn gọi là Tánh Không. Vì vậy Kinh Bát Nhã Quyển Một, Phẩm Ba, Tu Tập Tương Ưng chép, “Xá-lợi-phất! Bồ-tát lớn tu tập tương ưng mắt là Không, đây gọi là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật; tu tập tương ưng tai, mũi, lưỡi, thân và tâm đều Không, đây gọi là tương ưng với Bát-nhã ba-la-mật.” Suy ra mà biết những căn khác cũng đều như vậy. Sáu căn không còn dong ruỗi theo sáu trần để phát sinh sáu thức hư vọng mà mình lầm nhận cho chúng là mình. Sáu căn đã thanh tịnh, thì sáu trần cũng thanh tịnh, nên sáu thức cũng thanh tịnh, và chuyển thành sáu Trí. Tiền ngũ thức chuyển thành Thành Sở Tác Trí (Trí giúp chúng ta hoàn thành tất cả mọi việc mà chẳng tác ý), ý thức chuyển thành Diệu Quan Sát Trí (Trí thấy rõ và phân biệt rõ các pháp đúng như chúng đang là mà không có ý thức phân biệt bám chấp). Còn Mạt Na Thức chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí (Trí không có ta người, bỉ thử, lấy bỏ, thương ghét, Trí hoàn toàn Bình Đẳng không còn ngã chấp và pháp chấp), và A Lại Da Thức chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí (Trí Thanh Tịnh hoàn toàn không bị ô nhiễm, cũng gọi là Tánh Thanh Tịnh, được ví như cái tấm gương lớn soi tất cả các vật mà chẳng lưu lại bóng hình). Toàn thể là một Tánh Giác chiếu soi cùng khắp chẳng ngăn ngại. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng có dạy về Bốn Trí như sau:


Hán-Việt:
“Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh
Bình đẳng tánh trí tâm vô bệnh
Diệu quan sát trí kiến phi công
Thành sở tác trí đồng viên cảnh
Ngũ bát lục thất quả nhân chuyển
Đản dụng danh ngôn vô thật tánh
Nhược kim chuyển xứ bất lưu tình
Phiền hưng vĩnh xứ Na Già định”

Việt Dịch, Nguyễn Thế Đăng:
“Đại viên cảnh trí: tánh thanh tịnh
Bình đẳng tánh trí: tâm không bệnh
Diệu quan sát trí: thấy chẳng công
Thành sở tác trí: đồng viên cảnh
Năm, tám, sáu, bảy quả nhân chuyển
Chỉ dùng danh ngôn không thật tánh
Nếu nơi chỗ chuyển chẳng lưu tình
Rộn ràng vẫn mãi Na-già định.”


          Đại Viên Cảnh Trí nghĩa là Trí như tấm gương tròn lớn. Đây cũng gọi là Tánh Thanh Tịnh hay Tánh Phật nơi mỗi con người chúng ta đều sẵn có. Ở nơi chúng sanh khi mê thì gọi là A Lại Da Thức, còn ở các bậc giác ngộ thì chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí.

Bình Đẳng Tánh Trí nghĩa là Trí rõ thấy Tánh Bình Đẳng của muôn loài muôn vật, tức là Trí chẳng thấy có nhân ngã, bỉ thử, thương ghét, lấy bỏ, cao thấp, dơ sạch, sâu cạn v.v… Tất cả các pháp đều là bóng ảnh được tấm gương chiếu soi một cách bình đẳng y như nhau. Do vậy đây cũng là sự nhấn mạnh tính chất bình đẳng của tấm gương Đại Viên Cảnh Trí.

Diệu Quan Sát Trí nghĩa là Trí soi thấy tất cả vạn pháp đúng như chúng đang là mà chẳng có ý thức phân biệt bám chấp ở trong đó hoặc không có lập tình thức trước vật. Cho nên gọi là “Trí chẳng thấy có không” (trí bất đắc hữu vô -kinh Lăng già) hay Kinh Lăng Nghiêm gọi là “Tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn.” Đây thật ra cũng là nói lên cái tính chất chiếu soi rõ ràng chân thật của tấm gương Đại Viên Cảnh Trí, tức gương sáng soi tất cả các vật mà gương vẫn như như bất động. Người mê thì dùng ý thức để phân biệt vạn pháp, người Trí thì dứt cái nghiệp phân biệt của ý thức nên chuyển thành Diệu Quan Sát Trí.

Thành Sở Tác Trí nghĩa là Trí giúp chúng ta hoàn thành tất cả mọi việc mà chẳng tác ý. Lúc còn mê thì tiền ngũ thức ở nơi năm giác quan như Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, và Thân mà tiếp xúc cảnh trần. Khi giác ngộ thì tiền ngũ thức này chuyển thành Thành Sở Tác Trí. Đây là diệu dụng của Tự Tánh hay Đại Viên Cảnh Trí. Nói cách khác, Đại Viên Cảnh Trí hoạt động ở nơi các giác quan một cách tự tại vô ngại gọi là Thành Sở Tác Trí. Ở mắt thì thấy đúng như thật mà vẫn như nhiên, chẳng chấp dính sở thấy hay sắc trần, ở tai thì nghe đúng như thật mà vẫn như nhiên, chẳng chấp dính sở nghe hay thanh trần, ở mũi thì ngửi đúng như thật mà vẫn như nhiên, chẳng chấp dính sở ngửi hay hương trần, ở lưỡi thì nếm đúng như thật mà vẫn như nhiên, chẳng chấp dính sở nếm hay vị trần, và ở thân thì xúc biết đúng như thật mà vẫn như nhiên, chẳng chấp dính sở xúc hay xúc trần. Do vậy, sáu căn thanh tịnh (lục căn dĩ nhiên), sáu trần cũng thanh tịnh, sáu thức cũng thanh tịnh nên chuyển thành Thành Sở Tác Trí.

Tất cả tám thức tâm vương vốn là đồng một Thể Tánh Thanh Tịnh. Vì mê mà chia thành tám thức ô nhiễm, nên mới có các tên gọi giả lập chứ các thức ấy chẳng có thật tánh. Khi ngộ thì thật tánh của các thức ấy là Trí, vốn là một tấm gương tròn sáng hằng chiếu soi vạn pháp mà chẳng lưu lại hay vướng một thứ gì (chẳng lưu tình) nên vẫn thường thanh tịnh và bất động. Do vậy, Như Thiền Sư Hương Hải của Việt Nam có bài kệ như sau:


Hán-Việt:
“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm”

Việt Dịch:
“Nhạn bay qua trời không
Bóng chìm trong nước lạnh
Nhạn không ý lưu hình
Nước không lòng lưu ảnh”


Do Trí Tuệ Bát Nhã hằng soi rõ nên mọi việc làm của mình như đi đứng nằm ngồi, thấy nghe hay biết, đều đúng như thật các pháp đang là, không qua lăng kính của vọng thức mà vẫn thấy biết rõ ràng và vẫn an nhiên bất động (hành trú tịch mặc) trước mọi thấy nghe hay biết vì không có chấp dính bởi tình thức. Một tâm nếu không sanh thì muôn pháp đều dứt, nghĩa là nếu mình dùng tuệ quán chiếu soi vào trong lòng thực tại để dẹp hết mọi đối tượng của thức hay sở quán không thì năng quán cũng không. Năng sở đều mất thì Tánh Giác hiển lộ chiếu soi vạn pháp một cách rõ ràng tự nhiên không chướng ngại. Đây có nghĩa là thấy đúng như thật các pháp đang là mà không phải do ý thức phân biệt xen vào. Vì vậy, muôn pháp đều dứt hết sự phân biệt của ý, nên vạn pháp đều Như. Đó chính là Thật Tướng xưa nay của vạn pháp vậy. Kính mong tất cả người tu chúng ta, tất cả mọi hành giả, ai nấy cũng quý tiếc thời gian có được của mình để tinh tấn tu hành, cùng trở về với Bản Tánh Thanh Tịnh sẵn có nơi mình, đồng Ngộ Nhập Tri Kiến Phật, đồng thấy rõ Thật Tướng xưa nay của vạn pháp, và đồng được giải thoát an vui nơi Niết Bàn Vô Trụ. Sau cùng, chúng tôi xin để lại một câu hỏi cuối cùng của Tổ Quy Sơn trước khi ngài Viên Tịch để kết thúc bài Học Giải này. Ngưỡng mong tất cả mọi người ai cũng được “Nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức.”

“Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ ‘Qui Sơn Tăng Linh Hựu’. Khi ấy gọi là Qui Sơn Tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng?” – Thiền Sư Trung Hoa, HT Thích Thanh Từ

-----------------------Học Giải Hết---------------------

山大圓禪師警策文

Đoạn 1
Hán:
夫業繫受身。未免形累。禀父母之遺體。假衆緣而共成。雖乃四大扶持。常相違背。

Đoạn 2
Hán:
無常老病不與人期。朝存夕亡。刹那異世。譬如春霜。曉露。倏忽即無。岸樹。井藤。豈能長久念念迅速。一刹那間。轉息即是來生。何乃晏然空過。

Đoạn 3
Hán:
父母不供甘旨。六親固以棄離。不能安國治邦。家業頓捐繼嗣。緬離黨。剃髮禀師。内勤克念之功。外弘不諍之德。逈塵世。冀期出離。

Đoạn 4
Hán:
何乃纔豋戒品。便言我是比丘。檀越所須。喫用常住。不解忖思來處。謂言法爾合供。喫了聚頭喧喧。但人間雜話。然則一期趁樂。不知樂是苦因。曩刼徇塵。未嘗返省。時光淹沒。月蹉跎。受用殷繁。施利濃厚。動經年載。不擬棄離。積聚滋多。保持幻質。導師有敕。戒勗比丘。進道嚴身。三常不足。人多於此。躭味不休。日往月來。颯然白首。後學未聞旨趣。應須博問先知。將謂出家貴求衣食。

Đoạn 5
Hán:
佛先制律。啓創發蒙。軌則威儀。淨如氷雪。止持作犯。束斂初心。微細條章。革諸猥弊。毘尼法席。曾未操陪。了義上乘。豈能甄別。可惜一生空過。後悔難追。教理未嘗措懷。玄道無因契悟。

Đoạn 6
Hán:
及至年高臘長。空腹高心。不肯親附良朋。惟知倨傲。未諳法律。戢斂全無。或大語高聲。出言無度。不敬上中下座。婆羅門聚會無殊。椀鉢作聲。食畢先起。去就乖角。僧體全無。起坐忪諸。動他心念。不存些些軌則。小小威儀。將何束斂後昆。新學無因倣傚。

Đoạn 7
Hán:
纔相覺察。便言我是山僧。未聞佛教行持。一向情存粗糙。如斯知見。蓋爲初心慵惰。饕餮因循。荏苒人間遂成疎野。不覺踵老朽。觸事面牆。後學咨詢。無言接引。縱有談。不典章。或被輕言。便責後生無禮。瞋心忿起言語該人。

Đoạn 8
Hán:
一朝臥疾在牀。衆苦縈纏逼迫。曉夕思忖。心裏恛惶。前路茫茫。未知何往。從茲始知悔過。臨渴掘井奚爲。自恨蚤不預修。年晚多諸過咎。臨行揮霍。怕怖慞惶。縠穿雀飛。識心隨業。如人負債。强者先牽。心緒多端。重處偏墜。無常殺鬼念念不停。命不可延。時不可待。人天三有應未免之。如是受身非論刼數。

Đoạn 9
Hán:
感傷歎訝。哀哉切心。豈可緘言。遞相警策。所恨同生像季。去聖時遙。佛法生疎。人多懈怠。畧伸管見。以曉後來。若不捐矜。誠難輪逭。

Đoạn 10
Hán:
夫出家者。發足超方。心形異俗。紹隆聖種。震懾魔軍。用報四恩。拔濟三有。若不如此。濫廁僧倫。言行荒疎。虚霑信施。昔年行處寸步不移。恍惚一生。將何憑恃。况乃堂堂僧相。容貌可觀。皆是宿植善根。感斯異報。便擬端然拱手。不貴寸陰。事業不勤。功果無因克就。豈可一生空過。抑亦來業無裨。

Đoạn 11
Hán:
辭親决志披緇。意欲等超何所。曉夕思忖。豈可遷延過時。心期佛法棟梁。用作後來龜鏡。常以如此。未能少分相應。

Đoạn 12
Hán:
出言須涉於典章。談說乃傍於稽古。形儀挺特。意氣高閒。

Đoạn 13
Hán:
遠行要假良朋。數數清於耳目。伷住止必須擇伴。時時聞於未聞。故云。生我者父母。成我者朋友。親附善者。如霧露中行。雖不濕衣。時時有潤。狎習惡者。長惡知見。曉夕造惡。即目交報。歿後沉淪。一失人身萬刼不復。

Đoạn 14

Hán: 忠言逆耳。豈不銘心者哉。便能澡心育德。晦跡韜名。蘊素精神。喧囂止

Đoạn 15
Hán:
若欲叅禪學道。頓超方便之門。心契玄津。研機精要。决擇深奥。悟真源。博問先知。親近善友。此宗難得其妙。切須仔細用心。可中頓悟正因。便是出塵階漸。此則破三界二十五有。内外諸法盡知不實。從心變起悉是假名。不用將心湊泊。但情不附物。物豈礙人。任他法性周流。莫斷莫續。聞聲見色蓋是尋常。這邊那邊應用不闕。

Đoạn 16
Hán:
如斯行止。實不枉披法服。亦乃酬報四恩。拔濟三有。生生若能不退。佛階决定可期。往來三界之賓。出沒爲他作則。


Đoạn 17
Hán:
此之一學最妙最玄。但辦肯心。必不相賺。

Đoạn 18
Hán:
若有中流之士。未能頓超。且於教法留心。温尋貝葉。精搜義理。傳唱敷揚。接引後來。報佛恩德。時光亦不虚棄。必須以此扶持。住止威儀。便是僧中法器。豈不見倚松之葛。上聳千尋。附託勝因。方能廣益。懇修齋戒。莫謾虧踰。世世生生殊妙因果。

Đoạn 19
Hán:
不可等閒過日。兀兀度時。可惜光陰不求升進。徒消十方信施。亦乃孤負四恩。積累轉深。心塵易壅。觸途成滯。人所輕欺。

Đoạn 20
Hán:
古云。彼旣丈夫。我亦爾。不應自輕而退屈。若不如此。徒在緇門。荏苒一生殊無所益。
Đoạn 21
Hán:
伏望興决烈之志。開特達之懷。舉措看他上流。莫擅隨於庸鄙。今生便須决斷。想料不由別人。息意忘。不與諸塵作對。心空境寂。只爲久滯不通。

Đoạn 22
Hán:
熟覽斯文。時時警策。强作主宰。莫徇人情。業果所牽。誠難逃避。聲和響順。形直影端。人果歴然。豈無憂懼。故經云。假使百千刼所作業不亡。因會遇時。果報還自受。故知三界刑罰。縈絆殺人。努力勤修。莫空過日。

Đoạn 23
Hán:
深知過患。方乃相勸行持。願百刼千生。處處同爲法侶。

Đoạn 24

1.
幻身夢宅。
空中物色。
前際無窮。
後際寧尅。

2.
出此沒彼。
升沉疲極。
未免三輪。
何時休息。

3.
貪戀世間。
緣成質。
從生至老。
一無所得。
根本無明。
因茲被惑。

4.
光陰可惜。
刹那不測。
今生空過。
來世窒塞。

5.
從迷至迷。
皆因六賊。
六道往還。
三界匍匐。

6.
早訪明師。
親近高德。
决擇身心。
去其荆棘

7.
世自浮虚。
緣豈逼。
研窮法理。
以悟爲則。

8.
心境俱捐。
莫記莫憶。
六根怡然。
行住寂默。
一心不生。
萬法俱息


Tài Liệu Tham Khảo

1.             Qui Sơn Cảnh Sách(Tỉnh Việt Đông, núi Đảnh Hồ, thầy Sa-môn Thích Hoằng Tán Tại Tham chú giải. Kẻ môn nhân, thầy Tỳ-kheo hiệu Khai Huýnh làm lời ký). Hòa Thượng Khánh Anh Việt dịch.

2.          Quy Sơn Cảnh Sách Văn – Trích trong quyển “Giới Sa Di và Giới Sa Di Ni” của Hòa Thượng Trí Quang Việt dịch.

3.              Quy Sơn Cảnh Sách – Hòa Thượng Thích Thanh Từ Việt dịch và giải.

4.              Quy Sơn Cảnh Sách – Cư sĩ Nguyên Minh Tiến Việt dịch.

5.              Lược Giải Phẩm Phổ Môn – Hòa Thượng Thích Minh Điền dịch và giải.

6.         Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Quyển 1, Phẩm 3: Tu Tập Tương Ưng – Hòa Thượng Thích Minh Điền dịch và giải.

7.              Kinh Pháp Cú – Hòa Thượng Thích Minh Châu Việt dịch

8.              Kinh Nhất Dạ Hiền Giả - Hòa Thượng Thích Minh Châu Việt dịch

9.          Kinh Bộc Lưu (Tương Ưng Bộ Kinh) - Hòa Thượng Thích Minh Châu Việt dịch

10.           Kinh Cetana Sutta: Chớ Dựng Lập Ý Niệm – Cư Sĩ Nguyên Giác.

11.           Bài kệ Tám Thức Bốn Trí của Lục tổ Huệ Năng - Nguyễn Thế Đăng.

12.           Thiền Sư Trung Hoa – Hòa Thượng Thích Thanh Từ Việt dịch.



No comments:

Post a Comment