Wednesday, December 30, 2015

Bổn Phận của Người Đệ Tử Phật



Bổn Phận của Người Đệ Tử Phật

Thánh Tri

Từ khi thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ thành Phật dưới gốc cây Bồ Đề, lăng chuyển bánh xe chánh pháp, chư tổ sư hoằng dương truyền xuống từng đời trãi bao thế kỷ, vượt bao thế hệ, làm lợi ích cho vô số chúng sanh, xóa mây mù tà kiến, hiển bày trí tuệ sáng ngời, cho đến ngày nay đạo Phật vẫn còn sáng chói như mặt trời giữa trưa. Thâm ân của Phật, Tổ và bao nhiêu người tăng lẫn tục xưa nay đã chịu bao khó nhọc, đổ bao xương máu để duy trì mạng mạch của Phật Pháp, thật cao cả vĩ đại như núi tuyết, khó mong đền đáp. Người xuất gia thì chăm lo việc học đạo, tham thiền (tu đạo), và truyền bá chánh pháp. Người tại gia thì chuyên lo việc thân cận học hỏi, phụng sự cúng dường, giúp đỡ các vị xuất gia hoằng Phật Pháp, và làm tròn Tam Quy Ngũ Giới, mang lại lợi ích cho mình và người, gieo trồng căn lành và ruộng phước cho đời hiện tại và vị lai. Ai cũng hiểu rõ và làm đúng bổn phận mình, thật quý thay! Song, ở thế kỷ 21, pháp thâm sâu vi diệu của đức Phật vẫn còn đó, mà có mấy người lãnh hội được và tu cho đúng!? Do vậy đó mới là chỗ hở yếu làm cho ngoại đạo có thể xâm nhập, lay chuyển, và cải đạo. Buồng thay cho kiếp vận của Phật Giáo! Tiếc thay cho những người không đủ nhân duyên!

Song, có buồn có tiếc cũng không làm gì được bởi mỗi người nhân duyên nghiệp quả khác nhau. Đến với Phật Pháp cũng vì chữ duyên, rời Phật pháp cũng là một chữ duyên. Do vậy Kinh Lăng Nghiêm nói “Các pháp từ xưa đến nay, đều theo nhân duyên hư vọng hòa hợp mà sinh, do nhân duyên hư vọng biệt ly mà diệt.” Nên một trong ba việc mà đức Phật làm không được (tam bất năng) là “độ chúng sanh không duyên”. Đó thì càng chứng tỏ lời Phật dạy từ hơn hai ngàn năm trước là đúng.

Chỉ trách lấy mình lơ là không tinh tấn tu hành để Minh Tâm Kiến Tánh như Phật và chư Tổ thuở xưa. Đã còn là người trong đường mê sanh tử thì làm sao mà đủ sức trí tuệ và đức hạnh để khai mở đạo nhãn cho người khác được. Thế thì lực bất tùng tâm, muốn đem ánh sáng trí tuệ chiếu tan màng vô minh đen tối của chúng sanh, mà chính mình chưa sáng đạo thì không thể làm được vậy. Như Kinh Duy Ma Cật nói: “Chỗ sanh chẳng bị trói buộc mới có thể thuyết pháp mở trói cho chúng sanh. Như lời Phật thuyết: Nếu tự mình bị trói mà mở trói được cho người thì chẳng có chỗ đúng. Nếu tự mình chẳng bị trói, thì mới có thể mở trói cho người. Vì thế Bồ Tát chẳng nên có sự trói buộc.” Do vậy mà chính mình phải nỗ lực tu đạo để thấy đạo, một khi đã thông suốt thì mới có thể tùy duyên và tùy cơ mà giáo hóa khắp chúng sanh. Đó là bổn phận và trách nhiệm chung của những người Phật Tử dù xuất gia hay tại gia.

Muốn cùng nhau lăng chuyển bánh xe chánh pháp của Phật, người đệ tử Phật phải có Tu Đức, nghĩa là mỗi người Phật Tử bất luận tại gia hay xuất gia đều phải có sự thực hành và áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày, hơn là tin và nói suông. Xuất gia thì nỗ lực học đạo tham thiền, tầm cầu minh sư khai mở đạo nhãn, nhiếp tâm nơi chỗ một niệm chưa sanh như mèo rình chuột, quyết làm tròn chí nguyện xuất gia ban đầu, tức thượng cầu giác ngộ, dưới hóa độ chúng sanh (Thượng Cầu Hạ Hóa), lấy giác ngộ giải thoát làm mục tiêu và sự nghiệp duy nhứt của đời mình (Duy Tuệ Thị Nghiệp). Tại gia thì chăm lo việc làm tròn bổn phận cho gia đình, xã hội, và bổn phận của người Phật Tử tức là một đời Quy Y Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, quyết chẳng theo thầy tà bạn ác, bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch, thân cận chư tăng để học hỏi và trợ giúp các ngài tu đạo, hoằng pháp, lợi sinh. Mỗi bên ai nấy đều tròn bổn phận tu đức, hổ trợ lẫn nhau cùng nhau lang tỏa giới đức, thì mùi hương của đức hạnh tự tỏa khắp muôn phương, những ngọn đèn trí tuệ tự sẽ thắp sáng khắp những nẽo đường đen tối, khiến chúng sanh có chỗ nương về, và rồi chính họ cũng tự thắp sáng ngọn đèn trí tuệ của chính họ, được an vui giải thoát thật sự.

Huyền diệu thay! Chỉ cần ai nấy giữ tròn bổn phận của chính mình và thực hành Pháp Bảo (tức tu Giới-Định-Tuệ) thì tự nhiên góp phần lăng chuyển bánh xe chánh pháp làm lợi ích không những cho chính mình mà còn muôn loài chúng sanh nữa! Chứ đâu cần phải làm những điều gì kỳ hoặc khác!

Khi đã có tu đức thì ai cũng trở nên dễ thương, hiền hòa, từ tốn, và kính trọng lẫn nhau. Do vậy một tăng đoàn sẽ có hòa hợp, và hàng bạch gia cũng hòa hợp. Một khi có hòa hợp chúng giữa tăng chúng, giữa hàng tại gia, và giữa tăng lẫn tục thì mới có sự đoàn kết, nên không còn tình trạng “nhất tăng nhất tự” nữa; ngược lại sẽ là “thiên tăng nhất tự” hay một Đại Tùng Lâm Thạch Trụ, như đạo tràng của chư Tổ thuở trước đều dung chứa cả ngàn tăng chúng theo tu học, đào tạo ra không biết bao nhiêu là người giác ngộ lỗi lạc, ai cũng là Phật của một góc trời, làm cho Phật Pháp vững mạnh và vang lừng khắp nơi, cũng như vô số chúng sanh được nương nhờ ơn pháp nhũ. Có sự hòa hợp và đoàn kết nên làm gì cũng thành công, đặc biệt là việc hoằng dương và duy trì huyết mạch của Phật Pháp. Thiếu hòa hợp và đoàn kết thì sẽ thất bại và khiếm khuyết về mọi mặt. Do vậy người xưa nói “hổ ly sơn hổ bại, tăng ly chúng tăng tàn.”

Phật ra đời khó khặp như hoa Ưu Đàm quý hiếm, Pháp của Phật lại càng khó được nghe. Nay được thân người đã là việc hi hữu, lại được nghe Phật Pháp thì quả thật là người có đại phước đức, nhân lành nhiều đời đã từng gieo trồng rất sâu, nay lại hội đủ nhân duyên mà được quả nghiệp làm người lại được nghe Phật Pháp thì thật không gì tốt đẹp hơn! Vậy thì phải nên trân trọng cái thân người và quý kính Phật Pháp, đừng bỏ lỡ cơ hội vạn đời khó khặp nầy!

Trân trọng thân người là biết cách sống đúng với năm nhân tính của một con người; một là biết tôn trọng mạng sống của mình và người; hai là tạo ra nguồn sống chân chính để nuôi thân bằng đôi bàn tay, khối óc và con tim thương người; ba là tạo ra hạnh phúc cùng nhau bằng lý trí và tình thương đem lại những đều tốt đẹp cho đôi bên (người tại gia); bốn là tập nói những lời dễ thương tức là biết dùng lời nói nhẹ nhàng, êm ái, thân thương, đoàn kết và xây dựng; và năm là tập giữ gìn sự định tĩnh và trong sáng của tâm hồn bằng cách không đam mê những thứ có tính cách kích thích làm đầu óc mê mờ như rượu bia, thuốc lá, cờ bạc ma túy, xì ke và v.v… Đó chính là năm nhân tính căn bản của một con người lương thiện có đạo đức.  

Một khi đã là người lương thiện có đạo đức rồi, thì tiến thêm một bước nữa là biết quý kính Phật Pháp. Quý kính Phật Pháp thì dành thì giờ rỗi rãnh tìm hiểu Phật Pháp bằng cách đọc kinh sách của chư Tổ đi trước và tầm cầu thiện tri thức trong hiện tại với tâm nhiệt quyết và chí thành, quyết nắm cho được đầu mối vào cửa đạo mới thôi, ngày nào chưa làm được thì ăn ngủ không yên. Khi hiểu được lời dạy của Phật, Tổ và thiện tri thức rồi thì phải thực hành, chứ đừng có học một bụng cho nhiều tri giải rồi đi khắp đó đây bàn luận hơn thua cho qua ngày tháng, rốt cuộc uổng công vô ích, bỏ đi cả một đời học Phật và hành đạo. Khi già yếu chết đi vẫn là người chưa rõ đầu mối sanh tử, nên phải tiếp tục theo nghiệp mà thọ sanh đời khác, không biết có còn được thân người và gặp được Phật pháp nữa không. 

Có học và hành Phật Pháp rồi thì mới mang lại những điều lợi ích chân thật cho chính mình, gia đình, đất nước xã hội, và cả thế giới này. Và khi được lợi lạc an vui bằng cách sống đúng theo lời dạy của Phật, Tổ và các vị thiện tri thức thì tự nhiên mình sẽ có một niềm tin vững mạnh chân chính đối với Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Mình nhờ ân ngôi Tam Bảo mà được biết cách sống tốt đẹp và sống một đời sống bình an lợi lạc. Nhờ theo lời dạy của Tam Bảo mà mình bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch nên sống chết vẫn bình an, dù phải chết theo luật Vô Thường nhưng biết rằng trọn cả một đời mình bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch chắc chắn sẽ tái sanh về cõi lành nên được tâm hoan hỉ tràng đầy pháp lạc mà ra đi. Nếu người Phật tử dù tại gia hay xuất gia làm được những điều như thế ắt tâm sẽ vững chãi đối với Phật, Pháp, Tăng nên sẽ không bị tà thuyết và ngoại đạo lay chuyển đến nổi phải cải đạo.

Phật là giác mà không mê. Pháp là chánh mà không tà. Tăng là tịnh mà không cấu. Quy Y Tam Bảo chân chính thì trở về nương tựa với Giác, Chánh, Tịnh nơi tự Tâm mình. Một khi đã trở về với Tâm Giác Chánh Tịnh thì được giải thoát khỏi tất cả gông cùm của vọng thức phiền não, đó gọi là ra khỏi nhà Phiền Não (Xuất Phiền Não Gia), và giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử trong ba cõi được vô sanh niết bàn, đó gọi là ra khỏi nhà Tam Giới (Xuất Tam Giới Gia). Dẫu hiện tại chưa thể làm được điều ấy, nhưng ít ra nếu mình thật tâm Quy Y Tam Bảo thì mình cũng bớt cái ngu si mê muội, bớt cái tà kiến sai trái, gạn lọc bớt những cấu bẩn của thân tâm. Có như vậy cũng có thể mang lại đời sống tốt đẹp và an ổn cho chính mình, gia đình mình, đất nước và thế giới. Quy y Tam Bảo được tốt đẹp như thế sao còn tìm kiếm và nghe theo những thứ tà thuyết si mê sai lầm, trái nhân quả của ngoại đạo được? Nếu sống một cách si mê lầm lạc, trái nhân quả thì chỉ mang lại đời sống khổ đau cho chính mình và người thêm thôi! Không được lợi ích gì cả! Phải suy xét cho kỹ càng về điều này!

Người thời nay học sai, hiểu sai và thực hành sai giáo pháp của Phật, cũng như học nhiều mà không thực hành chỉ nói suông nên không đủ đạo lực để cứu lấy chính mình và phá trừ ngoại đạo tà kiến, nên mới khiến cho quần chúng, Phật Tử sanh nghi ngờ nơi Tam Bảo, mới dễ bị ngoại đạo thuyết phục bằng nhiều cách như tiền tài danh lợi, chạy theo tà kiến si mê lầm lạc trái nhân trái quả của họ. Thật đáng buồn thay! Đáng tiếc thay!

Do vậy bổn phận của người đệ tử Phật là phải học cho kỹ về lời dạy của đức Phật, chư Tổ giác ngộ đi trước, và thiện tri thức cùng minh sư trong hiện tại, và y như pháp mà thực hành. Đệ tử tại gia hay xuất gia ai ai cũng làm tròn bổn phận của mình, hỗ trợ nhau, làm thiện tri thức của nhau trên con đường thật tu thật ngộ của Phật. Có như vậy thì đức hạnh của mỗi người tự lang tỏa và chang hòa khắp muôn phương, chúng sanh đều được nhờ nương lợi lạc, vững tâm, chánh tín, và thành kính đối với Tam Bảo, làm đẹp cho đời cho đạo trong hiện tại và mãi tận đời vị lai. Mong thay! Rất mong lắm thay!

Đạo vốn không lời
Cũng chẳng phải không lời
Đạo không thể chỉ
Cũng chẳng phải không thể chỉ
Cần phải tự khế hội
Bằng con đường Đạo Học
Chẳng phải Triết Học suông

No comments:

Post a Comment