Tự Mình Cứu Mình
Dòng đời lênh đênh muôn nẻo nghĩ lại
cũng thật lạ kỳ. Càng lớn tôi lại càng điềm tĩnh và hiểu rõ chính mình hơn xưa.
Có lẽ đó là do sự lăn lộn vào cuộc sống và rút ra được nhiều bài học khá thú vị
của trường đời. Bởi cuộc đời dù là ảo ảnh phù vân mà mùi vị vui khổ vẫn nếm đầy
đủ thay nhau không thiếu. Thời gian có thể thay đổi tất cả, nó cứ mãi trôi để
cho mọi việc vào trong dĩ vãng sâu xa và quên lãng. Những gì thuộc tương lai rồi
cũng sẽ là quá khứ. Tuy nhiên thời gian và không gian vô tận thì nghiệp thức
cũng không cùng. Một khi cái nhân được gieo vào tàng thức thì vĩnh viễn không mất,
dù những nghiệp nhân ấy đã chôn vùi vào trong tâm thức từ lâu xa đến đâu. Một
khi nhân duyên đã hội đủ thì nghiệp quả sẽ hiện hành, không thể trốn tránh đi
đâu được. Mới hay dù cuộc đời phù du, thời gian có thay đổi nhưng Nhân Quả vẫn
còn rõ ràng đó đối với tất cả chúng sanh còn bị nghiệp lực và nhân quả chi phối.
Chỉ có thể đành chấp nhận và sống tùy thuận nhân duyên nghiệp quả mà thôi.
Nên Kinh Pháp Cú nói:
“Không
trên trời, giữa biển,
Không
lánh vào động núi,
Không
chỗ nào trên đời,
Trốn
được quả ác nghiệp.”
Nhìn xuyên suốt về chiều dài của quá khứ
và tương lai không bờ bến, tôi thấy kiếp sống của nhân sinh vẫn là sanh già bệnh
chết miên viễn từ đời này sang đời khác. Nghĩ mà thương cho kiếp sống của chính
mình và muôn loài chúng sanh. Không biết từ đâu mà đến, rồi cũng không biết sẽ
đi về đâu. Cứ như vậy mà nay đây mai đó lặn hụp trong biển nghiệp của riêng
mình. Vạn nẻo luân hồi vay trả lẫn nhau, tan tụ thay nhau. Danh lợi, hơn thua,
được mất, có còn, để mà chi? Khi trút hết mảnh hơi tàn thì vẫn trơ hai bàn tay
trắng như lúc òa khóc thuở chào đời. Lúc bấy giờ chợt tỉnh cơn mê, như Lư Sinh
chợt tỉnh mộng hoàng lương, mới hay ta chỉ là một cách chim bạt gió giữa ngàn
khơi sông nước. Đời chỉ là cõi tạm, thân tứ đại rồi cũng trả về cho tứ đại,
cũng như cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Bạn bè thân quyến cũng tuần tự ra
đi bất luận già trẻ và lần hồi đâu còn mấy người lai vãng. Đến cũng theo nghiệp
mà đến. Đi cũng theo nghiệp mà đi. Đồng nghiệp thì đủ duyên sẽ hội tụ gặp nhau,
làm thân bằng quyến thuộc bạn bè của nhau trong khoảng thời gian nào đó. Trả nợ,
đòi nợ, báo ân, báo oán hết chỗ này vừa xong thì tiếp tục đến chỗ khác không cố
định và không tự chủ được. Biệt nghiệp thì mỗi người mỗi khác, tuy đồng nghiệp
sống chung một trái đất, một đất nước, một làng xóm, một gia đình, mà mỗi người
phải chịu khổ vui riêng, thân tâm đều khác biệt, nên tính tình hành động cũng
khác biệt riêng lẽ. Thế mới biết nghiệp nhân người nào tạo trong quá khứ thì
nghiệp quả người đó phải lãnh thọ trong hiện tại và vị lai, không ai thay thế
cho nhau được, không ai thay ai chịu khổ hoặc vui cho nhau được. Luật nhân quả
rõ ràng không thiên vị một ai.
Quy Sơn Cảnh Sách chép: “Cố
kinh vân, giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời,
quả báo hoàn tự thọ”.
Tạm Việt Dịch:
“Nên
kinh nói: ‘Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất. Nhân duyên khi hội đủ
rồi, quả báo đến phải tự chịu.’”
Thấy hiểu như thế thì không ai mà không
muốn bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch như lời Phật đã dạy. Bởi việc ác nhỏ đến
đâu cũng làm chướng sự tu hành của mình và việc thiện nhỏ đến đâu cũng giúp
mình thăng tiến trên con đường Bồ Đề. Nghĩ mà xem, cái tâm an vui từ đâu mà đến?
Há không phải vì đã gieo nhân thiện lành dù nhỏ đến đâu trong quá khứ, nay ta
nhớ việc lành đã làm khi xưa nên lòng lâng lâng hoan hỷ nhẹ nhàng đó sao? Và
cái tâm bất an khổ đau từ đâu mà tràn về khiến mình khó tĩnh tâm? Há không phải
vì đã gieo nhân xấu ác dù nhỏ đến đâu trong quá khứ, nay không mời mà đến đó
hay sao? Ô hay! Nghiệp cũ chưa vơi mà nghiệp mới đã nảy mầm, chỉ vì lúc xưa chẳng
biết lưu tâm đến nhân quả mà dứt ác tùng thiện!
Vì vậy mỗi người phải tự lưu tâm đến và
sống đúng với nhân quả của chính mình. Nói chung như lời Phật dạy trong Kinh
Pháp Cú:
“Đừng làm các việc ác
Nên làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời dạy chư Phật”
Hán-Việt:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”
Sống đúng Nhân Quả là một nếp sống căn bản
và tốt đẹp nhứt của người đệ tử Phật. Chư Phật Bồ Tát, lịch đại tổ sư đều nhờ sống
đúng nhân quả mà thăng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát, và vẫn thường dạy
người lưu tâm đến việc này như bài kệ trên. Hai câu đầu là dạy nền tảng bỏ ác
làm lành sống đúng nhân quả. Hai câu sau là dạy pháp Tu Thiền để cất đi cái tâm
sở niệm (tự tịnh kỳ ý), sở niệm đã mất thì năng niệm cũng tự dứt vì chẳng còn một
mảy may đối tượng nào để bám chấp, năng sở song vong thì mới có thể giác ngộ giải
thoát khỏi ngục tù của vọng thức, Chân Tâm mới được hiển bài sáng tỏ. Do vậy
bài ấy tóm tắc tiến trình tu từ phàm phu bị nghiệp thức chi phối nên có sanh tử
luân hồi, đến bậc giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử triền miên. Cho nên
muốn đi trên con đường giác ngộ giải thoát, thì bắc buộc phải có căn bản nền tảng,
đó là làm một người thiện, sống đúng Nhân Quả (cho nên căn bản của một người Phật
Tử Tại Gia là phải Quy Y Tam Bảo, và sống đúng với năm nhân cách làm người hay
Ngũ Giới). Còn làm ác mãi và sống trái nhân quả hoài thì phải lo việc khổ đau
triền miên cả thân lẫn tâm, lấy tinh thần sức lực đâu nữa mà giữ tâm ý trong sạch,
tu giác ngộ giải thoát?
Thật khó! Thật khó! Làm ác thì dễ làm
lành thì khó. Làm lành đã khó thì tu giác ngộ giải thoát lại càng khó hơn. Nói
vậy không phải là để mình nản chí tu hành, mà là để thấy rõ tiến trình tu hành
từ thấp tới cao qua nhiều đời nhiều kiếp chứ chẳng phải một đời. Đồng thời cũng
nhắc nhở mình hiểu rõ rằng trên đời này không có gì là dễ, rồi đừng thấy dễ mà
buông lung, mà cũng không có gì là khó, rồi đừng thấy khó mà nản chí. Khó dễ là
tại nơi lòng người mà thôi. Nên người xưa nói: “không có gì là khó chỉ sợ lòng không bền” hoặc “có công mài sắc có ngày nên kim”.
Tổ Hoàng Bá cũng nói:
“Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bả thằng đầu tố nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương”
Dịch Việt:
“Vượt
khỏi trần lao việc chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường.
Chẳng
phải một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi
mùi hương.”
Nếu cây không thắm cái lạnh buốt của mùa
đông thì đâu thể nở và tỏa mùi hương lúc xuân về được. Người tham thiền phải dụng
công miên mật thì mới có ngày khai ngộ. Tu giác ngộ giải thoát không phải việc dễ
dàng, nhưng nếu có tâm kiên quyết mà công phu không gián đoạn thì ắc có ngày sẽ
thấu triệt Tổ Sư Thiền. Nên có câu: “Mật
mật công phu vô gián đoạn, tất đương tham thấu Tổ sư thiền.”
Nhân quả của mỗi người tự làm tự chịu.
Tu giải thoát giác ngộ cũng thế. Nóng lạnh tự biết. Không ai thay thế cho nhau
được. Đức Phật chỉ là vị thầy chỉ đạo chứ không thể tu thay cho ai được. Nên
khi Phật Nhập Niết Bàn mà ngài Anan vẫn còn chưa ngộ đạo, phải đợi đến ngày kết
tập kinh điển lần đầu mới được giác ngộ Bản Tâm. Đức Phật chẳng thể tu thay cho
tổ Anan được, cũng như không thể tu thay cho chúng ta được. Nên có câu: “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng.” Vậy xin
đừng có ỷ lại, mà phải tự nổ lực tiến tu, vì không ai có thể cứu lấy mình ngoài
chính mình được. Tự mình bỏ ác làm lành. Tự mình giữ tâm ý trong sạch.
Mùa Vu Lan 2016
Thánh Tri Kính Viết