Tuesday, July 19, 2016

Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh



Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Sách Thứ Mười Bảy Số 779
Phật Nói Kinh Bát Đại Nhân Giác
Hậu Hán An Tức Quốc Tam Tạng An Thế Cao Dịch
Thánh Tri Phỏng Việt dịch và Viết Bài Học Giải

Lời Nói Đầu

Kinh Bát Đại Nhân Giác này của Đại Sư An Thế Cao từ nước An Tức sang Trung Quốc vào thời Hậu Hán (năm 132-167 sau công nguyên) soạn dịch. Bài Kinh này tuy rất ngắn mà bao hàm những điểm chính thuộc cả hai tư tưởng Nhị Thừa và Đại Thừa mà đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng dạy trong suốt 49 năm.

Tôi có nhân duyên tốt lành nên được đọc bài Kinh này nhiều lần. Mỗi lần đọc tôi đều cảm thấy thắm thía từng câu từng chữ, như Kinh nhắc nhở mình quán xét lấy cái thân tâm và ngoại tại của mình là Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã cho nên phải biết buông xuống mọi tham dục mong cầu, ít muốn biết đủ thì mới thường có an lạc, an bần mà giữ đạo, nuôi lớn cái chí nguyện xuất gia, thượng cầu đạo Vô Thượng, dưới giáo hóa tất cả chúng sanh. Vì thấy lời dạy hữu ích của Kinh mà phỏng dịch ra Việt văn và viết bài Học Giải để cùng chia sẽ và kết duyên với mọi người, hầu cho kẻ thấy người nghe đều nhớ lấy những lời dạy vàng ngọc này, theo đó tu hành mà đồng gặt hái được nhiều lợi ích trong hiện tại và mai hậu.

Bài Kinh rất súc tích và cô động trong 332 chữ Hán, xếp thành 93 câu, mỗi câu bốn chữ. Do vậy mà thật rất là khó dịch ra tiếng Việt. Nếu phải dịch đúng 332 chữ, 93 câu, mỗi câu bốn chữ như tiếng Hán thì cái đó gọi là tiếng Hán-Việt chứ không thể nào dịch thuần Việt được. Tôi có thói quen thích đọc những bài Kinh ngắn bằng tiếng Hán-Việt như Bát Nhã Tâm Kinh chẳng hạng, và bài Kinh Bát Đại Nhân Giác này cũng không ngoại lệ. Đọc bằng Hán-Việt nó dễ nhớ và thắm thía hơn nhiều. Tuy nhiên muốn cho người cùng ngôn ngữ Việt đọc hiểu thì phải dịch ra tiếng Việt làm sao cho dễ hiểu mà không mất đi ý chính của Kinh văn cho nên dịch ra thì hơi rườm rà một chút. Do vậy trước, kính mong mọi người lượng thứ cho bản dịch giải thô thiển này, và sau kính mong mọi người đọc hiểu được ý chính mà quên lời rườm rà.


Kính cảm niệm công ân giáo dưỡng của Tôn Sư Ôn Thượng Minh Hạ Điền đã khai mở đạo nhãn và dìu dắt cho con bước vào con đường Chánh Đạo của Phật.

Nguyện cho khắp người thấy người nghe đồng được an vui giải thoát.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thánh Tri kính viết
San Antonio, Texas
Mùa Hạ, Tháng 7, ngày 13, năm 2016


Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Sách Thứ Mười Bảy Số 779
Phật Nói Kinh Bát Đại Nhân Giác
Hậu Hán An Tức Quốc Tam Tạng An Thế Cao Dịch
Thánh Tri Phỏng Việt dịch và Viết Bài Học Giải

Là đệ tử Phật thì phải thường cả ngày lẫn đêm hết lòng thành kính đọc và nghĩ nhớ tám điều giác ngộ này:

Điều giác ngộ thứ nhứt: Phải biết thế gian là vô thường; quốc độ thì mong manh không bền chắc; bốn đại là khổ, là không; năm ấm là vô ngã, hay sinh diệt đổi dời, nó giả dối không thật cũng không chủ; tâm là nguồn gốc của mọi điều ác; thân là chỗ tu tập nhiều điều tội lỗi. Nếu đúng như vậy mà quán xét thì xa dần sinh tử.

Điều giác ngộ thứ hai: Phải biết nhiều dục là khổ; sanh tử nhọc nhằn mỏi mệt đều là do tâm tham dục mà phát sinh. Vậy phải bớt cái lòng tham dục mà học Đạo Giác Ngộ Giải Thoát thì thân tâm mới được an vui tự tại.

Điều giác ngộ thứ ba: Phải biết tâm người thì không bao giờ biết đủ, ngược lại chỉ mong cầu được nhiều nên càng thêm lớn nhiều tội ác. Còn người tu hạnh Bồ Tát thì chẳng phải vậy, vì họ thường nghĩ nhớ về pháp biết đủ, sống an vui trong cảnh nghèo khó mà giữ Đạo, và chỉ lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp duy nhứt cho đời tu của mình.

Điều giác ngộ thứ tư: Phải biết lười biếng thì đọa lạc; nếu thường tu hành tinh tấn thì có thể phá trừ các nghiệp ác phiền não, phá vỡ và hàng phục bốn ma, ra khỏi nhà tù của năm ấm và mười tám giới.

Điều giác ngộ thứ năm: Phải biết do ngu si (vô minh) mà có sinh tử. Do vậy người tu hạnh Bồ Tát thì thường nhớ học rộng nghe nhiều, để thêm lớn Trí Tuệ, thành tựu được cái tài nói pháp thông suốt và lưu loát, hầu giáo hóa tất cả chúng sanh, và khiến họ đều được vui lớn.

Điều giác ngộ thứ sáu: Phải biết nghèo khổ thì thường sanh nhiều thù hận, nên dễ kết nhiều duyên xấu ác. Do vậy người tu hạnh Bồ Tát thì nên nhớ bình đẳng mà bố thí dù người đó có là kẻ oán hay người thân của mình; không nhớ những lỗi lầm xưa, cũng không ghét người ác.

Điều giác ngộ thứu bảy: Phải biết năm dục là lỗi lầm tai họa. Vậy cho nên tuy còn là người thế tục, cũng đừng nên đắm nhiễm những dục lạc của thế gian. Phải thường nhớ nghĩ đến ba Y, một Bát khất thực, và những dụng cụ đúng pháp của người xuất gia để nuôi lớn chí nguyện xuất gia, giữ cái đạo trong sạch, sống một đời sống phạm hạnh cao vời, và từ bi với tất cả chúng sanh.

Điều giác ngộ thứ tám: Phải biết sanh tử không ngừng thiêu đốt nên khổ não cũng không số lượng. Do vậy cần phải phát khởi cái Tâm Đại Thừa, mới có thể cứu giúp khắp tất cả chúng sanh, nguyện thay thế cho chúng sanh chịu vô lượng khổ, và khiến cho các chúng sanh rốt ráo được an vui lớn.

Tám điều như vậy đều là chỗ giác ngộ của chư Phật, Bồ Tát, bậc Đại Nhân; do nhờ tinh tấn hành đạo, tu hạnh từ bi và trí tuệ, mà các ngài ngồi thuyền pháp thân đến bờ Niết Bàn, lại vào sinh tử dùng tám điều này mà khai đạo cho tất cả chúng sanh, khiến cho các chúng sanh thấu rõ được cái khổ sinh tử, mà xa rời năm dục, tu tâm theo con đường Hướng Thượng của chư Phật chư Tổ. Nếu là người đệ tử Phật thì nên đọc tám điều này trong từng mỗi niệm, để diệt vô lượng tội, tiến đến Bồ Đề, tốc lên ngôi Chánh Giác, vĩnh viễn chấm dứt sinh tử, và thường ở trong an lạc.



Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Đệ Thập Thất Sách Số 779
Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh
Hậu Hán An Tức Quốc Tam Tạng An Thế Cao Dịch

Vi Phật đệ tử, thường ư trú dạ, chí tâm tụng niệm, bát đại nhân giác:

Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biết dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sinh tử.

Đệ nhị giác tri: Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.

Đệ tam giác tri: Tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác, Bồ Tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần giữ đạo, duy tuệ thị nghiệp.

Đệ tứ giác tri: Giãi đãi đọa lạc, thường hành tinh tiến, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục.

Đệ ngũ giác ngộ: Ngu si sinh tử, Bồ Tát thường niệm, quảng học đa văn, tăng trưởng trí huệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc.

Đệ lục giác tri: Bần khổ đa oán, hoành kết ác duyên, Bồ Tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tăng ác nhân.

Đệ thất giác ngộ: Ngũ dục quá hoạn, tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc, thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết.

Đệ bát giác tri: Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng, phát đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sinh, thọ vô lượng khổ, lệnh chư chúng sinh, tất cánh đại lạc.

Như thử bát sự, nãi thị chư Phật, Bồ Tát đại nhân, chi sở giác ngộ. Tinh tiến hành đạo, từ bi trí huệ, thừa pháp thân thuyền, chí Niết Bàn ngạn, phục hoàn sinh tử, độ thoát chúng sinh. Dĩ tiền bát sự, khai đạo nhất thiết, lệnh chư chúng sinh, giác sinh tử khổ, xã ly ngũ dục, tu tâm thánh đạo. Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự, ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội, tiến thú Bồ Đề, tốc đăng chính giác, vĩnh đoạn sinh tử, thường trụ khoái lạc.



大正新脩大藏經 第十七冊 No. 779

八大人覺經

後漢安息國三藏安世高譯

為佛弟子,常於晝夜,至心誦念,八大人覺:

第一覺悟:世間無常,國土危脆;四大苦空,五陰無我;生滅變異,虛偽無主;心是惡源,形為罪藪。如是觀察,漸離生死。

第二覺知:多欲為苦,生死疲勞,從貪欲起;少欲無為,身心自在。

第三覺知:心無厭足,唯得多求,增長罪惡;菩薩不爾,常念知足,安貧守道,唯慧是業。

第四覺知:懈怠墜落;常行精進,破煩惱惡,摧伏四魔,出陰界獄。

第五覺悟:愚癡生死。菩薩常念,廣學多聞,增長智慧,成就辯才,教化一切,悉以大樂。

第六覺知:貧苦多怨,橫結惡緣。菩薩布施,

等念冤親,不念舊惡,不憎惡人。

第七覺悟:五欲過患。雖為俗人,不染世樂;常念三衣,瓶缽法器;志願出家,守道清白;梵行高遠,慈悲一切。

第八覺知:生死熾然,苦惱無量。發大乘心,普濟一切;願代眾生,受無量苦;令諸眾生,畢竟大樂。

如此八事,乃是諸佛菩薩大人之所覺悟。精進行道,慈悲修慧,乘法身船,至涅槃岸;復還生死,度脫眾生。以前八事,開導一切,令諸眾生,覺生死苦,捨離五欲,修心聖道。 若佛弟子,誦此八事,於念念中,滅無量罪;進趣菩提,速登正覺;永斷生死,常住快樂。



Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Sách Thứ Mười Bảy Số 779
Phật Nói Kinh Bát Đại Nhân Giác
Hậu Hán An Tức Quốc Tam Tạng An Thế Cao Dịch
Thánh Tri Phỏng Việt dịch và viết bài Học Giải


Chính Văn:
Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh

Học Giải:
Phật là chỉ cho đức Thích Ca Mâu Ni Phật, người đã hoàn toàn giác ngộ được Tự Tâm Bổn Tánh của mình một cách triệt để. Ngài phương tiện mà nói ra những lời dạy tốt đẹp để giúp chúng sanh thấy rõ sự thật về thế giới vạn vật và cuộc đời con người là khổ, không, vô thường, vô ngã mà buông xuống tình thức phân biệt chấp trước, mở toan cánh cửa Đại Thừa, hầu đưa tâm đến Giác Ngộ và Giải Thoát nên tạm gọi là “Thuyết Kinh”. Có như vậy chúng sanh mới khỏi chuốc lấy tai họa khổ đau vì nguyên nhân của mọi đau khổ là do vô minh lầm chấp “hiệp trần bối giác” mà ra. Trong kinh này Phật dạy mình phải quán xét triệt để tám điều giác ngộ nên gọi là Bát. Đại Nhân dịch là người lớn. Thế nào mới gọi là Đại? Đại thì vô số lượng, nên siêu vượt tình thức mới gọi là Đại và vượt qua số lượng; bởi có số lượng thì còn tình thức, tức còn giới hạng ở trong vòng tương đối và còn sinh tử khổ đau. Vậy thì đâu thể gọi là Đại!? Do vậy Đại Nhân phải là người đã vượt qua số lượng tình thức vậy, người đã trở về sống thật với Bổn Tâm Tự Tánh nơi mình. Họ là người không còn bị giam cầm trong ngục của Năm Ấm và Mười Tám Giới. Họ thấy rõ được thật tướng của vạn pháp là Như Thị, Bất Nhị, và Không. Do vậy nên dùng chữ “Giác” để chỉ cho cái sự thấy rõ thật tướng của vạn pháp không qua lăng kính của vọng thức, mà trực giác bằng Chân Tánh chiếu soi. Vì vậy Đại Nhân phải là người giác ngộ như Phật Thích Ca vậy.


Chính Văn:
Hậu Hán An Tức Quốc Tam Tạng An Thế Cao Dịch

Học Giải:
Hậu Hán là vào thời nhà Đông Hán bên nước Trung Quốc tức khoảng từ năm 132-167 sau công nguyên, thời vua Hán Hoàn Đế, tên thật là Lưu Chí, nhà vua đời thứ 11 của triều đại nhà Hán.

Nước An Tức tức là nước Ba Tư vậy. Do ngài An Thế Cao là người nước An Tức nên ghi là An Tức Quốc.

Tam Tạng là biệt danh cho vị thầy giỏi và thông thạo cả ba tạng Kinh, Luật và Luận.

An Thế Cao là vị Tỳ Kheo từ nước An Tức, nước nhỏ phía Đông Bắc Ba Tư ngày xưa đến Trung Quốc ở thành Lạc Dương vào năm 148 sau công nguyên để dịch kinh. Và Kinh Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác là một trong những bộ kinh được ngài dịch ra Hán văn. Ngài là một trong những vị cao tăng đầu tiên đem Phật Pháp truyền sang Trung Quốc sau các ngài Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. 


Chính Văn:
Vi Phật đệ tử, thường ư trú dạ, chí tâm tụng niệm, Bát Đại Nhân Giác:

Học Giải:
Nếu đã Quy Y Tam Bảo thì là đệ tử Phật bất luận là tại gia hay xuất gia. Mà đã là đệ tử Phật thì phải luôn hướng tâm đến con đường Đạo Giác Ngộ Giải Thoát. Thường cả ngày lẫn đêm để chỉ cho sự chuyên tâm tu đạo không gián đoạn (Thường hành tinh tấn). Chí tâm là bài tỏ lòng chí thành tha thiết. Bảo tụng niệm để ghi nhớ, không quên, và quán xét về Tám Điều Giác Ngộ của bậc Đại Nhân này.


Chính Văn:
Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sinh diệt biết dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sinh tử.

Học Giải:
Điều giác ngộ thứ nhứt là muốn cho chúng sinh phá trừ Kiến Hoặc (cái thấy sai lầm, không đúng với thực tại của mọi sự vật hiện tượng từ vật lý đến tâm lý nên mới sinh ra ngã kiến và biên kiến; nếu nói cao sâu hơn nữa thì kiến hoặc là do tình thức che mờ Tâm Tánh nên không thể thấy mọi sự vật hiện tượng đúng như nó đang là; nếu như thấy bằng tánh thấy, nghe bằng tánh nghe v.v… không có lập tình thức trước vật thì kiến hoặc sẽ được trừ) bằng cách quán triệt được tất cả mọi sự vật hiện tượng trên cõi đời này từ vật lý đến tâm lý đều là thường (không cố định) và ngã (không thật thể). Từ trái đất đến ngay thân thể nhỏ bé này cũng đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, nên không tự tính (không tự thể, không thật thể, nghĩa là không phải tự nó có một cách riêng biệt và độc lập, mà phải do nhiều nhân duyên tạm hòa hợp mà tạm có). Vì không tự tính (vô ngã) nên không thể thường còn mãi mãi (vô thường) được mà chỉ tạm thời hiện hữu tồn tại trong một khoãng thời gian nào thôi.

Chính vì mọi sự vật thiện tượng từ tâm lý đến vật lý đều là vô thường và vô ngã hay không cố định và không thật thể nên chúng ta không thể đem tâm chấp vào mọi sự vật hiện tượng ấy và cho chúng là ‘có’ hay là ‘không có’ được. Nếu chấp và khẳng định thân này có thật thì phải chỉ rõ được nó là cái gì. Long, tóc, móng, răng, da, bao tử, tim, gan, phèo, phổi, não, v.v…những thứ ấy cái gì là thân này? Không thể chỉ được cái nào cả, vì tất cả những thứ ấy hòa hợp mà tạm thành có cái thân này. Đó là nói sơ ở bên ngoài. Nói theo khoa học thì các thứ long, tóc, móng, răng, da, bao tử, tim, gan v.v… đều được tạo thành bởi các nguyên tử và còn nhiều các chất nhỏ nhoi hơn nguyên tử nữa. Do vậy thân này không phải là do nguyên tử, cũng không phải do tim, gan, phèo, phổi v.v… mà là tất cả những thứ ấy hòa hợp tạo thành. Do vậy nói thân này ‘có’ thì cũng không chính xác. Nếu lại chấp và phủ định thân nầy là ‘không có’ thì cũng không được vì rõ ràng thân chúng ta nó đang đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống tiểu tiện ngay hiện tại đây.

Vì vậy cho nên không thể đem tâm chấp “có” và “không”, cũng như không thể khẳng định và phủ định mọi sự vật hiện tượng là gì hay không là gì được. Có như thế thì tâm mới buông xuống và siêu vượt mọi tình chấp nhị nguyên có không, thì mới thể nhập được Tâm Tánh Bồ Đề, và Trí Bát Nhã hay Tánh Giác mới có thể chiếu soi thấu rõ được thật tướng của vạn pháp là Như Thị, Bất Nhị, và Không. Cho nên quán vô thường vô ngã, hay quán duyên khởi cũng được xem là bước đầu tiên để nhập đạo, để hướng đến phương trời sâu rộng của Đại Thừa và bản thể tuyệt đối của Chân Tâm. Chứ chẳng phải đức Phật dạy quán pháp duyên khởi để phụ định có hoặc khẳng định không.

Giác Ngộ là tỉnh giác thấu rõ được chân lý và có cái thấy biết đúng như thực tại của các pháp. Chân lý thứ nhứt phải quán sát là thế gian vô thường, quốc độ thì nguy kịch dễ tan vỡ, để bỏ tâm tham cầu nơi vạn vật bên ngoài. Lại quán sát thân này cũng là do tứ đại hòa hợp mà thành, do vậy nó theo nhân duyên mà hội thành rồi cũng do nhân duyên mà tan rã vì không thật thể và không cố định hay vô thường vô ngã. Hơn nữa đất, nước, gió, lửa thường không hòa đồng, lại chống đối lẫn nhau, khiến sinh nhiều bệnh tật, do vậy nó là khổ. Sắc thân tứ đại này là sắc trong năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Sắc thân cùng bốn uẩn kia hòa hợp gọi là năm ấm, đã là hòa hợp huyễn sinh thì không phải là ta (ngã) và của ta (ngã sở). Hoàn toàn chỉ là những pháp sinh diệt biến hoại đổi dời, hư vọng không có chủ. Quán sát thân tâm như thế để không đắm nhiễm sắc thân và không bị vọng tâm đánh lừa cho nó là mình, là của mình. Chính vì mê lầm nên nhận vọng tâm làm mình, là mình, nên bắt cái thân làm theo nó, mới tạo bao nghiệp thiện ác, làm cái nhân cho vòng lưu chuyển sinh tử để sanh ra, có thân hình và lảnh những quả báo tốt xấu tương xứng. Do vậy tâm là nguồn của mọi điều ác, thân là nơi chứa đầy mọi tội lỗi. Trong hiện tại cái tâm nghĩ điều ác nên khiến cái thân cũng làm điều ác như giết, trộm, dâm v.v… Đó là nói thô, còn vi tế thì không thể kiểm soát hết mọi hành vi do cái thân tạo nghiệp bởi tâm luôn khởi vọng dẫn đầu. Nếu có thể quán sát như thế thì từ từ sẽ buông xuống mọi tình chấp và thoát khỏi vòng sinh tử.


Chính Văn:
Đệ nhị giác tri: Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.

Học Giải:
Điều giác ngộ thứ hai là để cho chúng sanh phá trừ Tư Hoặc (tức tâm ý thức tham sân si, phân biệt chấp trước mọi sự vật hiện tượng, nó làm ngăn che Chân Tánh, cho nên vô minh tạo bao nguyên nhân của khổ đau sinh tử mà chẳng hay biết) bằng cách quán triệt được rằng do tâm tham dục mà có sanh tử khổ. Do vậy muốn thoát cái ‘quả’ khổ đau của cái ‘nhân’ tham dục thì phải biết tu thiểu dục và tu pháp vô vi (tức tu pháp Đại Thừa hay tu Giác Ngộ Giải Thoát). Nếu có thể quán triệt dược nguồn gốc của tâm tham dục từ đâu khởi thì mới có thể nhổ tận tâm tham dục. Như thế thì thân và tâm mới được tự tại giải thoát khỏi mọi khổ đau do Tư Hoặc gây ra.


Chính Văn:
Đệ tam giác tri: Tâm vô yếm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác, Bồ Tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần giữ đạo, duy tuệ thị nghiệp.

Học Giải:
Điều giác ngộ thứ ba là chỉ cho mình thấy rõ được con đường nào là con đường của phàm phu đưa đến khổ đau, và con đường nào là của Bồ Tát Thánh Hiền đưa đến an vui giải thoát. Tâm của người phàm thì thường không biết đủ, không bao giờ thỏa mãn được dục vọng lòng tham, nên thường hay mong cầu cho nhiều. Nhưng chẳng biết chính vì không biết đủ mà còn mong cầu cho nhiều nên mới thêm lớn nhiều tội ác. Từ một tâm xấu nhỏ không thỏa mãn việc này việc kia, nên sanh ra nhiều thứ tâm niệm khác như ta phải có được thêm cái này cái kia, mà vì chúng tranh đấu dành giựt với người khác, chính vì vậy mà tạo thêm nhiều điều tội ác, mỗi lúc mỗi nhiều hơn, bởi lòng tham không đái. Đó là con đường mà người phàm thường hay đi và mắt phải. Còn con đường của người tu hạnh Bồ Tát thì không phải vậy, bởi họ thường luôn biết đủ, họ sống an vui với phận nghèo mà giữ đạo giữ tâm trong sạch, chỉ luôn lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp của đời mình, chứ không màng ngũ dục như danh lợi, tiền tài, sắc đẹp, ăn uống, và ngủ nghỉ. Do luôn chuyên tâm nơi Tuệ Nghiệp mà họ sống biết đủ, biết an nơi phận nghèo mà giữ đạo vậy. Bởi nếu để tâm nơi tham dục nhiều thì làm mờ tâm trí, ngăn che trí tuệ, nên không biết đủ, dẫn đến tạo bao ác nghiệp mà mang lại khổ đau. Còn chuyên tâm nới Tuệ Nghiệp nhiều thì tâm tham dục sẽ dứt, quả Bồ Đề tất chống nên.


Chính Văn:
Đệ tứ giác tri: Giãi đãi đọa lạc, thường hành tinh tiến, phá phiền não ác, tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục.

Học Giải:
Điều giác ngộ thư tư là dạy hành giả phải tinh tấn, bởi vì nếu lười biếng thì ắt sẽ bị đọa lạc. Ở đây cũng cần nên biết, nếu mượn cớ tri túc (biết đủ không làm gì hết) mà giãi đãi không tinh tiến tu hành thì cũng bị đọa lạc như thường. Do vậy điều giác ngộ thứ tư này đặc biệt dạy mình phải tinh tấn tu hành. Nếu tinh tấn tu hành để tâm nơi Tuệ Nghiệp (tham thiền khởi nghi tình) thì mới có thể dẹp trừ được các phiền não ác, phá vỡ và hàng phục tứ ma (ấm ma, phiền não ma, tử ma, và thiên ma), có như vậy mới ra khỏi được ngục tù của ngũ ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấm) và mười tám giới (6 căn, 6 trần, 6 thức). Nói ‘Ma’ là chỉ cho những tình thức lăng xăng hay bám chấp phân biệt làm nhiễu loạn tâm mình. Nói ‘Ngục tù Ấm Giới’là vì do ngũ ấm che mờ tâm tánh mình, mười tám giới làm ngăn ngại mình, nên không thoát được vọng thức. Mà còn vọng thức thì còn sanh tử luân hồi, không thể giác ngộ giải thoát vậy. Do vậy phải tinh tấn miên mật công phu thì mới được tự do tự tại nơi Ấm, Giới.


Chính Văn:
Đệ ngũ giác ngộ: Ngu si sinh tử, Bồ Tát thường niệm, quảng học đa văn, tăng trưởng trí huệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc.

Học Giải:
Điều giác ngộ thứ năm này dạy mình ngu si hay vô minh là nguồn gốc của sinh tử. Như Thập Nhị Nhân Duyên bắc đầu từ vô minh nên duyên sinh ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử. Cũng chính do vô minh mà mình nhận vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh là mình, của mình nên chịu khổ luân hồi sanh tử. Không biết được Chân Tâm của mình mà quay về.

Phật dạy muốn thoát khổ sanh tử thì phải hết vô minh, phải giác ngộ bản Tâm Tự Tánh thì mới giải thoát sanh tử được. Ở đây dạy người tu Bồ Tát Đạo muốn hết vô minh dứt sinh tử thì phải học rộng nghe nhiều để tăng trưởng trí tuệ. Xong ở đây không phải dạy mình phải học pháp thế gian cho nhiều bởi nó chỉ tăng trưởng kiến thức thế gian thôi chứ không phải trí tuệ. Ở đây dạy mình phải học pháp xuất thế gian, phải tìm cầu tham học với các bậc minh sư thiện tri thức đi trước để họ chỉ cho mình con đường hướng thượng của Đại Thừa. Có như vậy theo đó tu hành mới có thể phát sinh trí tuệ. Nếu như không có trạch pháp, lại gặp tà sư bạn xấu chỉ dẫn tu sai thì sẽ không bao giờ hết được vô minh và phát sinh trí tuệ. Nếu không tự mình giác ngộ thì khó mà giáo hóa chúng sanh. Do vậy khi có trí tuệ rồi thì mới nói pháp được thông suốt và lưu loát, mới có thể giáo hóa chúng sanh, khiến họ được an lạc. Nên đức Phật dạy “duy tuệ thị nghiệp”.


Chính Văn:
Đệ lục giác tri: Bần khổ đa oán, hoành kết ác duyên, Bồ Tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tăng ác nhân.

Học Giải:
Điều giác ngộ thứ sáu này dạy cho mình phải học hạnh bố thí với tâm bình đẳng. Có ba loại bố thí: Một là Tài Thí - tức dùng tiền của mà cứu giúp kẻ nghèo khốn; Hai là Pháp Thí - tức giảng dạy cho người cách bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch; Ba là Vô Úy Thí - tức mang lại sự an vui không sợ hãi cho người. Dù là tài thí, pháp thí, hay vô úy thí thì chúng ta phải giữ cái niệm bình đẳng dù đối với người thân hay kẻ oán, cũng đừng vì những lỗi lầm xưa của người đã phạm mà ghi nhớ để rồi không thực hành hạnh bố thí cho họ, cũng đừng ghét người ác mà không bố thí. Hơn nữa người tu Bồ Tát đạo thì phải buông xuống mọi tình chấp thuộc vọng thức, như vậy mới gọi là bố thí. Còn ôm giữ tình chấp rằng đây là người thân của tôi, đây là người ác oán của tôi, xưa họ làm những điều sai trái với tôi, nên giờ tôi không thích bố thí cho họ v.v… còn ôm những những tình chấp đó thì đâu thể nào gọi là bố thí bình đẳng được, vì bố thí nghĩa là buông xã vậy. Còn ôm tiền, chấp pháp, giữ vô úy thì vẫn còn đau khổ sinh tử. Muốn rốt ráo thoát khổ sinh tử thì mình phải buông xuống mọi tình chấp thuộc vọng thức bằng cách bố thí vậy. Nói cao sâu thì nghèo khổ tức không chịu bố thí hay buông xã. Bố thí buông xã mọi tình chấp mới được giác ngộ giải thoát, trở về sống với Tự Tánh nơi mình, như vậy mới được gọi là giàu có, vì Tự Tánh là kho báu nơi mình vậy.

Mình cũng cần phải biết rằng người nghèo khổ thường hay có nhiều tâm niệm oán trách, thù hận, tự ti, mặt cảm v.v... Chính vì vậy nên họ thường kết nhiều nhân duyên xấu; nếu cái tâm lúc nào cũng lo nghĩ oán trời trách người sao tôi sanh ra nghèo khổ thế này, hoặc tôi muốn được như những người giàu kia, thì những niệm này nó cũng làm cho cái tâm đau khổ vô cùng. Từ những tâm niệm này lâu ngày sẽ phát ra hành động bên ngoài, có thể làm những đều không hay như đua tranh, bất chấp thân tình, dùng đủ mọi thủ đoạn xấu, hại người lợi mình để được giàu có hoặc thứ mình muốn có. Những hành động ấy đều kết thêm nhiều nhân duyên xấu nữa, không biết bao giờ mới thoát khỏi được những nhân những duyên xấu mình tạo dựng. Rất đáng thương thay! Do vậy nên mình càng phải thông cảm mà thương những người nghèo khổ nhiều hơn, an ủi, giúp đở, và bố thí tài, pháp, và vô úy cho họ một cách bình đẳng. Đó mới thật là hạnh của người tu trên con đường của Bồ Tát.


Chính Văn:
Đệ thất giác ngộ: Ngũ dục quá hoạn, tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc, thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết.

Học Giải:
Điều giác ngộ thứ bảy này dạy mình phải xa rời ngũ dục (tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ) vì chúng là tai họa lầm lỗi. Ở thế gian, ai cũng mắt phải ngũ dục, không ham tiền thì cũng ham sắc, không ham sắc thì cũng ham danh lợi, không ham danh lợi thì cũng ham ăn ngon mặt đẹp, không như thế thì cũng thích ngủ nghỉ cho nhiều. Từ xưa đến nay con người từ vua chúa đến thường dân, từ kẻ giàu sang tới người bần khổ, ai ai cũng vì những thứ này mà làm lại lẫn nhau, gây khổ cho nhau, tạo nhiều nhân duyên xấu ác cho nhau, nên chịu nhiều quả báo khổ đau bất tận. Chính vì vậy nên mới gọi ngũ dục là tai họa lầm lỗi.

Ơ đây Phật dạy người tại gia phải nên xa rời ngũ dục. Tuy là thân còn ở thế tục nhưng đừng có nhiễm những cái thú vui dục lạc của thế gian. Ngược lại còn phải thường nghĩ nhớ tới Y Bát của người xuất gia mà mang lòng kính mộ, nuôi cái ý chí xuất gia, giữ tròn phạm hạnh trong sạch và ban bố tâm từ đến muôn loài chúng sanh. Người tại gia đức Phật còn khuyên xa rời ngũ dục và nuôi chí nguyện cao cả xuất gia như thế, huống chi đã là người xuất gia rồi mà không chịu xa rời ngũ dục, không giữ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao vời, không từ bi với muôn loài hay sao? Nếu đã xuất gia rồi mà ngũ dục chẳng chịu rời bỏ thì khác nào là người thế tục, luống bận áo Tăng, oan uổng một đời tu hành, luống uổng sự cúng dường của tín thí. Đến già chết mới ăn năng hối hận thì cũng muộn rồi. Do vậy chúng ta phải suy xét như thế ngay hiện tại mà cố gắng tu đạo giác ngộ giải thoát, xa rời ngũ dục, nuôi cái niệm xuất trần, tự giác giác tha để đền bốn ân, cứu khổ ba cõi.

Chính Văn:
Đệ bát giác tri: Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng, phát đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sinh, thọ vô lượng khổ, lệnh chư chúng sinh, tất cánh đại lạc.

Học Giải:
Đều giác ngộ thứ tám này dạy mình phải thật vì sanh tử khổ đau, vì chúng sanh khổ đau mà phát khởi cái Tâm Đại Thừa. Chỉ khi nào phát khởi được Tâm Đại Thừa (tức Kiến Tánh) thì mới có thể nhổ tận gốc sinh tử khổ đau, cứu vớt tất cả chúng sanh (ở trong tâm mình) khiến họ vào Vô Dư Niết Bàn mà không thấy có một chúng sanh nào được độ thoát như Kinh Kim Cang đã dạy. Kinh Duy Ma nói “Vì chúng sanh bệnh nên tôi mới bệnh, khi nào chúng sanh hết bệnh thì bệnh tôi mới hết.” Chúng sanh đó tức là chúng sanh trong tâm mình, hay nói thẳng là cái thức tâm phân biệt lăng xăng nơi mình, ngày nào chúng sạch hết thì mình mới ngộ được Bản Tâm mà giải thoát, hết bệnh sinh tử. Độ chúng sanh vào ‘Vô Dư Niết Bàn’ ở Kinh Kim Cang, hay ‘hết bệnh’ ở Kinh Duy Ma mới thật là “tất cánh đại lạc” vậy!


Chính Văn:
Như thử bát sự, nãi thị chư Phật, Bồ Tát đại nhân, chi sở giác ngộ. Tinh tiến hành đạo, từ bi trí huệ, thừa pháp thân thuyền, chí Niết Bàn ngạn, phục hoàn sinh tử, độ thoát chúng sinh. Dĩ tiền bát sự, khai đạo nhất thiết, lệnh chư chúng sinh, giác sinh tử khổ, xã ly ngũ dục, tu tâm thánh đạo. Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự, ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội, tiến thú Bồ Đề, tốc đăng chính giác, vĩnh đoạn sinh tử, thường trụ khoái lạc.

Học Giải:
Đoạn cuối này dạy mình tám điều giác ngộ trên là sự giác ngộ của chư Phật, Bồ Tát và các bậc Đại Nhân. Sở dĩ các ngài được giác ngộ là do các ngài tinh tấn hành đạo, tu từ bi và trí tuệ nên mới có thể ngồi thuyền Pháp Thân, vượt tới bờ Niết Bàn (tức giác ngộ giải thoát), rồi trở lại sinh tử để độ thoát chúng sanh bằng cách đem tám điều này để khai mở đạo nhãn cho tất cả chúng sanh, giúp cho chúng sanh rõ được cái khổ sinh tử mà xa rời ngũ dục, tu tâm theo con đường của bậc giác ngộ. Cho nên là đệ tử Phật thì thường đọc tụng, nghi nhớ, và quán xét tám điều ấy thì có thể trừ được nhiều lỗi lầm xưa nay, tiến thẳng đến quả giác Bồ Đề, thành bậc Chánh Giác, vĩnh viễn không còn sanh tử, thường sống bằng Chân Tâm an vui giải thoát.


Tài Liệu Tham Khảm:

1.  Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn Online. http://hanviet.org/

2.  Phật Thuyết Bát Đại Nhân Giác Kinh bằng tiếng Hán. Chinese Buddhist Electronic Text Association (CBETA).

3.  Kinh Bát Đại Nhân Giác Lược Giải. Ngài Ngẫu Ích Trí Húc Lược Giải. HT Thích Thiện Huệ Việt dịch.

4. Kinh Bát Đại Nhân Giác Giải. HT Thích Thanh Từ. http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/Kinh/BatDaiNhanGiac/TRANG_CHINH.htm



Sunday, July 3, 2016

Vô Tâm Luận



Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Sách Thứ Tám Mươi Lăm Số 2831
Luận Vô Tâm - Một Quyển
Thích Bồ Đề Đạt Ma Soạn
Thánh Tri Phỏng Việt Dịch

Lời Nói Đầu

Vô Tâm Luận là một trong những tác phẩm kinh sách thuộc Giáo Môn xưa được tìm thấy ở động Đôn Hoàng đầu thế kỷ 20. Tuy sách có ghi là của Tổ Bồ Đề Đạt Ma chế, nhưng có nhiều học giả lại cho rằng đây là bài của Tổ Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu. Tôi cũng đồng ý với các vị học giả rằng bài này có lẽ là của ngài Pháp Dung vì cách dùng văn chữ Hán rất giỏi và có nét phong thái của Nhà Nho hay đã từng học chữ Hán từ nhỏ vậy. Đặc biệt hơn nữa là lời nói văn phong không giống hành trạng của tổ Bồ Đề Đạt Ma, vì cách hành văn và tư tưởng vẫn thuộc Giáo Môn chứ không phải Thiền Tông.

Tôi tìm xem trên mạng chỉ thấy có hai bản đã được Việt dịch. Một là của cố Hòa Thượng Thích Tắc Pháp. Hai là của Trần Quang Đức. So sánh hai bản dịch này thì bản dịch của cố HT Thích Tắc Pháp mới đúng hơn vì ngài là người xuất gia và có nghiên cứu Thiền Tông, nên dịch chính xác hơn. Có những chỗ, những chữ mà sách viết sai, tôi thấy Hòa Thượng sửa lại cho đúng và tôi cũng đồng ý hoàn toàn với Hòa Thượng. Nếu đọc qua loa, hoặc không hiểu Thiền Tông thì ắt sẽ khó nhận ra những chỗ sai lầm không đúng của người đời sau ghi chép lại.

Vậy đã có người dịch rồi sao tôi còn phí thời giờ mà dịch thêm một bản nữa để làm gì? Bởi vì dịch tức là học vậy. Do dịch, do công phu mò từng chữ gốc bản Hán mới có thể hiểu được sâu hơn và rõ ràng hơn. Nếu chỉ đọc sách của người khác đã dịch sẵn mà không tra cho đến tận nguồn gốc thì thật chưa phải là học được trọn vẹn vậy. Nếu người ta dịch sai, e rằng mình cũng chẳng biết những cái sai ấy, tức sẽ sanh ra nhiều hiểu lầm, và cũng là sự thiếu sót trong việc học tập. Do vì đối chiếu nhiều mặt, nhiều bản dịch, cũng như xét lại nơi đường tâm của chính mình mới có thể giúp cho mình có cái nhìn thoáng hơn, rộng hơn, và biết rõ được đâu là đúng sai, hay dỡ. Đúng sai hay dỡ đều đáng cho mình học cả bởi vì nếu dỡ thì mình bỏ cái dỡ để lấy cái hay, còn nếu đúng thì mình lấy cái đúng mà bỏ cái sai ấy. Có như vậy thì mình mới học hỏi được rộng sâu và gặt hái được nhiệu lợi ích trong việc nghiên cứu tu tập vậy.

Hơn nữa tôi tìm không thấy phần Hán-Việt nên dịch ra bản này tôi có cả ba bài, một bằng chữ Hán, hai bằng chữ Hán-Việt, và ba là bằng chữ Việt. Thiết nghĩ cả ba bài đều không thể thiếu cho người nghiên cứu tu tập.

Như vậy thì dịch thêm một bản Vô Tâm Luận này cốt yếu là để giúp mình tiện lợi nghiên cứu học tập tu hành, chứ chẳng phải muốn khuếch trương cái ngu của mình hoặc mong sánh ngang hàng cùng các bậc trưởng thượng tri thức đi trước. Cũng mong góp một chút sức mọn cho Phật Pháp được sáng tỏ, đặc biệt là Thiền Tông, ngỏ hầu mang lại sự chánh tri chánh kiến cũng như lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh. Vậy, kính mong các bậc tri thức xa gần thương tình lượng thứ cho cái tri thức kém cỏi của tôi mà chỉ dạy thêm cho.

Tuy bài văn này thuộc Giáo Môn nhưng cũng có thể làm chỗ khởi đầu kích thích người sơ phát tâm tìm đến Đại Thừa, đặc biệt là Thiền Tông Tối Thượng Thừa. Nguyện cho kẻ thấy người nghe, ai nấy cũng đồng nhận được con đường hướng thượng, đồng triệt ngộ Vô Tâm (Chân Tâm), chứ chẳng phải vô tâm của “có, không” và vô tâm của tâm ý hí luận.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thánh Tri Kính Viết
San Antonio, Texas
Mùa Hạ Ngày 3 tháng 7 năm 2016



Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Sách Thứ Tám Mươi Lăm Số 2831
Luận Vô Tâm - Một Quyển
Thích Bồ Đề Đạt Ma Soạn
Thánh Tri Phỏng Việt Dịch

Xét cho cùng thì chân lý rốt ráo không lời, nhưng phải mượn lời để hiển bày cái lý. Đạo lớn không tướng, nhưng phải lấy cái thô bên ngoài mà hiện cái hình. Nay hãy tạm giả lập ra hai người để cùng bàn về cái học thuyết của Vô Tâm vậy.

Đệ tử hỏi Hòa Thượng rằng: Có tâm hay không tâm?

Đáp rằng: Không tâm.

Hỏi rằng: Đã nói không tâm thì ai có thể thấy, nghe, hay, biết? Ai biết không tâm?

Đáp rằng: Vẫn là không tâm đã thấy, nghe, hay, biết. Vẫn là không tâm có thể biết không tâm.

Hỏi rằng: Nếu đã không tâm tức đáng lẽ không có thấy, nghe, hay, biết. Làm sao có thể thấy, nghe, hay, biết được?

Đáp rằng: Tuy ta không tâm nhưng có thể thấy, có thể nghe, có thể hay, có thể biết.

Hỏi rằng: Đã có thể thấy, nghe, hay, biết tức là có tâm, đâu được nói không?

Đáp rằng: Chỉ là thấy, nghe, hay, biết tức là không tâm. Chỗ nào lại lìa thấy, nghe, hay, biết riêng có không tâm? Nay thầy sợ con không hiểu, mỗi mỗi sẽ vì con giải nói khiến con được ngộ chân lý. Giả như thấy, trọn ngày thấy mà do vì không thấy nên thấy cũng không tâm. Nghe, trọn ngày nghe do vì không nghe nên nghe cũng không tâm. Hay, trọn ngày hay do vì không hay nên hay cũng không tâm. Biết, trọn ngày biết do vì không biết nên biết cũng không tâm. Trọn ngày tạo tác, làm cũng như không làm, nên làm cũng như không tâm. Cho nên biết thấy, nghe, hay, biết tất cả đều là không tâm.

Hỏi rằng: Làm sao có thể biết được đó là vô tâm?

Đáp rằng: Con hãy tỉ mỉ suy xét tìm xem, tâm khởi lên tướng mạo gì? Tâm ấy có thể nắm bắt được không? Là tâm hay chẳng phải là tâm? Là ở bên trong? Là ở bên ngoài? Hay ở khoảng giữa? Như thế cả ba chỗ suy xét tìm tâm trọn chẳng thể được. Cho đến đối với tất cả chỗ tìm kiếm cũng không thể được. Nên ngay đó biết là không tâm.

Hỏi rằng: Hòa Thượng đã nói tất cả chỗ đều là không tâm, thì đúng ra không có tội phước. Cớ sao chúng sanh luân hồi lục thú1, sanh tử chẳng dứt?

Đáp rằng: Chúng sanh mê vọng, ở trong Không Tâm mà vọng sanh tâm, tạo bao thứ nghiệp, vọng chấp là có, đủ để khiến cho luân hồi lục thú, sống chết không ngừng. Ví như có người ở trong tối thấy cây trơ trụi cành lá mà cho là ma, thấy sợi dây mà cho là rắn, liền sanh sợ hãi. Chúng sanh vọng chấp cũng lại như thế, ở trong Không Tâm mà vọng chấp có tâm, tạo bao thứ nghiệp, tuy vọng mà thật không ai mà chẳng luân hồi lục thú. Những chúng sanh như thế nếu gặp được bậc Đại Thiện Tri Thức dạy cho tọa thiền, giác ngộ Không Tâm, thì tất cả nghiệp chướng thảy đều sạch hết, sanh tử liền dứt. Thí như trong tối, ánh sáng mặt trời vừa chiếu đến thì bóng tối đều hết. Nếu ngộ Không Tâm thì tất cả tội diệt cũng đều như thế.

Hỏi rằng: Đệ tử ngu muội tâm còn chưa thấu rõ được tất cả chỗ dùng của lục căn ứng ra. Hỏi2 rằng: Từ nói năng cho đến hết thảy hành vi, phiền não, Bồ Đề, sanh tử, Niết Bàn, rốt ráo là không tâm chăng?

Đáp rằng: Rốt ráo là không tâm. Chỉ vì chúng sanh vọng chấp có tâm liền có tất cả phiền não, sanh tử, Bồ Đề, Niết Bàn. Nếu ngộ Không Tâm thì không tất cả phiền não, sanh tử, Niết Bàn. Vậy nên đức Như Lai vì người có tâm mà nói có sanh tử, Bồ Đề đối với phiền não mà có tên, Niết Bàn đối với sinh tử mà có tên.  Những thứ ấy đều là pháp đối trị. Nếu không có tâm có thể được thì phiền não, Bồ Đề cũng không thể được, cho đến sanh tử, Niết Bàn cũng không thể được.

Hỏi rằng: Bồ Đề Niết Bàn đã không thể được, vậy quá khứ chư Phật đều được Bồ Đề, nghĩa này là sao?

Đáp rằng: Chỉ do văn tự của thế đế mà nói là được, đối với chân đế thì thật không thể được. Cho nên Kinh Duy Ma nói: “Bồ Đề không thể do thân đắc, không thể do tâm đắc.” Lại Kinh Kim Cang nói: “Không có một chút pháp có thể đắc. Chư Phật Như Lai chỉ do không thể đắc mà đắc.” Nên biết có tâm thì tất cả có, không tâm thì tất cả không.

Hỏi rằng: Hòa Thượng đã nói đối với tất cả chỗ thẩy đều không tâm, gỗ đá cũng không tâm, há chẳng đồng với gỗ đá ư?

Đáp rằng: Không Tâm của con và thầy, tâm ấy chẳng đồng gỗ đá. Vì sao thế? Thí như trống trời tuy lại không tâm mà tự nhiên phát ra tất cả diệu pháp giáo hóa chúng sanh. Lại như viên châu như ý, tuy lại vô tâm mà tự nhiên có thể làm cho mọi thứ biến hiện ra. Vô tâm của con và thầy cũng lại như thế, tuy lại không tâm mà khéo hay giác rõ thật tướng của các pháp, đầy đủ Bát Nhã chân thật, ba thân tự tại, ứng dụng không ngại. Cho nên Kinh Bảo Tích nói: “Do không tâm ý mà hiện hành.” há đồng gỗ đá ư?! Cái Không Tâm này tức là Chân Tâm, Chân Tâm tức là Không Tâm vậy.

Hỏi rằng: Nay ở trong tâm làm sao tu hành?

Đáp rằng: Chỉ ở trên tất cả việc giác rõ vô tâm tức là tu hành. Ngoài ra chẳng riêng có tu hành nào khác. Nên biết vô tâm tức tất cả, tịch diệt tức không tâm vậy.

Vị đệ tử lúc đó bỗng nhiên đại ngộ, mới biết ngoài tâm không vật, ngoài vật không tâm, mọi cử chi hành động đều được tự tại, dứt sạch mọi lưới nghi, hoàn toàn không ngăn ngại, liền đứng dậy làm lễ, nghi nhớ Không Tâm bèn làm bài tụng rằng:

Tâm thần vốn tịch
Không sắc không hình
Nhìn mà không thấy
Nghe mà không tiếng
Tợ tối không tối
Như sáng không sáng
Bỏ mà không mất
Lấy mà không sanh
Lớn thì rộng khắp pháp giới
Nhỏ thì đầu long chẳng lọt
Phiền não trộn mà không đục
Niết Bàn lắng mà chẳng trong
Chân Như vốn không phân biệt
Hay biện hữu tình vô tình
Thu về thì tất cả chẳng lập
Buông ra thì rộng khắp hàm linh
Diệu Thần chẳng biết chỗ lường
Chánh Giác3 dứt chỗ tu hành
Diệt thì không thấy nó hoại4
Sanh thì không thấy nó thành
Đại đạo lặng lẽ không tướng
Vạn tượng im bặt không tên
Như đây vận dụng tự tại
Đều là tinh túy của Không Tâm

Hòa Thượng lại bảo rằng: Trong các loại Bát Nhã thì Không Tâm Bát Nhã ấy là tối thượng. Cho nên Kinh Duy Ma Cật nói: “Do không tâm ý, không thọ hành mà phá vở hàng phục tất cả ngoại đạo.” Lại Kinh Pháp Cổ nói: “Nếu biết không tâm có thể được, thì pháp tức không thể được, tội phúc cũng không thể được, sanh tử Niết Bàn cũng không thể được, cho đến tất cả trọn không thể được, không thể được cũng không thể được.” Bèn làm bài tụng rằng:

Ngày trước mê thời do có tâm
Giờ đây ngộ rồi rõ không tâm
Tuy rằng không tâm hay chiếu dụng
Chiếu dụng thường lặng tức Như Như

Lại viết:
Không tâm không chiếu cũng không dụng
Không chiếu không dụng tức vô vi
Đó là Như Lai Chân Pháp Giới
Chẳng đồng Bồ Tát với Bích Chi

Nói không tâm đó tức không tâm vọng tưởng5 vậy.

Lại hỏi: Sao gọi là Thái Thượng?

Đáp rằng: Thái là lớn. Thượng là cao. Diệu lý cùng tột nên gọi là Thái Thượng vậy. Lại, Thái là ngôi của thông thái vậy. Trời trong ba cõi tuy có tuổi thọ lâu dài mà phước hết thì cuối cùng cũng luân hồi nơi sáu thú, chưa đủ cho là Thái. Bồ Tát Thập Trụ tuy ra khỏi sanh tử mà Diệu Lý chưa cùng tột cũng chưa cho là Thái. Hàng Thập Trụ tu tâm, quên6 Có vào Không, lại không cái “Có, Không” ấy, trừ bỏ cả hai cái ấy mà không quên7 Trung Đạo cũng chưa cho là Thái. Lại quên Trung Đạo, ba chỗ đều dứt hết, địa vị đều là Diệu Giác. Bồ Tát tuy trừ hết ba chỗ mà không thể không cái Diệu kia, thì cũng chưa cho là Thái. Lại quên cái Diệu kia thì Phật Đạo rất tột, tức không còn giữ lại điều gì, không giữ lại thì nghĩ suy ắt không, nghĩ lo8 đồng quên9, tâm trí hằng dứt, giác chiếu đều hết, lặng lẽ vô vi, ấy mới gọi là Thái vậy. Thái là cái nghĩa cùng cực của Chân Lý. Thượng thì không có cái gì bằng, vì vậy nói là Thái Thượng, tức là tên khác của chư Phật Như Lai vậy.
Luận Vô Tâm Một Quyển 



大正新脩大藏經 第八十五冊 No. 2831
無心論一卷
釋菩提達摩製

夫至理無言。要假言而顯理。大道無相為接麁而見形。今且假立二人共談無心之論矣 

弟子問和尚曰。有心無心 

答曰。無心 

問曰。既云無心。誰能見聞覺知。誰知無心 

答曰。還是無心既見聞覺知。還是無心能知無心 

問曰。既若無心。即合無有見聞覺知。云何得有見聞覺知 

答曰。我雖無心能見能聞能覺能知 

問曰。既能見聞覺知。即是有心。那得稱無 

答曰。只是見聞覺知。即是無心。何處更離見聞覺知別有無心。我今恐汝不解。一一為汝解。令汝得悟真理。假如見終日見由為無見。見亦無心。聞終日聞由為無聞。聞亦無心。覺終日覺由為無覺。覺亦無心。知終日知由為無知。知亦無心終日造作。作亦無作。作亦無心。故云見聞覺知總是無心 

問曰。若為能得知是無心 

答曰。汝但子細推求看。心作何相貌。其心復可得。是心不是心。為復在為復在外為復在中間。如是三處推求覓心了不可得。乃至於一切處求覓亦不可得。當知即是無心 

問曰。和尚既云一切處總是無心。即合無有罪福。何故眾生輪迴六1 生死不斷。

答曰。眾生迷妄。於無心中而妄生心。造種種業。妄執為有。足可致使輪迴六趣生死不斷。譬有人於暗中見杌為鬼見繩為蛇便生恐怖。眾生妄執亦復如是。於無心中妄執有心造種種業。而實無不輪迴六趣。如是眾生若遇大善知識教令2禪覺悟無心。一切業障盡皆銷滅生死即斷。譬如暗中日光一照而暗皆盡。若悟無心。一切罪滅亦復如是 

問曰。弟子愚昧心猶未了審。一切處六根所用者應 

3曰。語種種施為煩惱菩提生死涅槃定無心否 

答曰。定是無心。只為眾生妄執有心即有一切煩惱生死菩提涅槃。若覺無心即無一切煩惱生死涅槃。是故如來為有心者有生死。菩提對煩惱得名。涅槃者對生死得名。此皆對治之法。若無心可得。即煩惱菩提亦不可得。乃至生死涅槃亦不可得 

問曰。菩提涅槃既不可得。過去諸佛皆得菩提。此謂可乎 

答曰。但以世諦文字之言得。於真諦實無可得。故維摩經云。菩提者不可以身得不可以心得。又金剛經云。無有少法可得。諸佛如來但以不可得而得。當知有心即一切有無心一切無 

問曰。和尚既云於一切處盡皆無心。木石亦無心。豈不同於木石乎 

答曰。而我無心心不同木石。何以故。譬如天鼓。雖復無心自然出種種妙法教化眾生。又如如意珠。雖復無心自然能作種種變現。而我無心亦復如是。雖復無心善能覺了諸法實相具真般若三身自在應用無妨。故寶積經云。以無心意而現行。豈同木石乎。夫無心者即真心也。真心者即無心也 

曰。今於心中作若為修行 

答曰。但於一切事上覺了。無心即是修行。更不別有修行。故知無心即一切。寂滅即無心也弟子於是忽然大悟。始知心外無物物外無心。舉止動用皆得自在。斷諸疑網更無罣礙。即起作禮。而銘無心乃為頌曰。
 
心神向寂  
無色無形  
覩之不見
聽之無聲  
似暗非暗  
如明不明
捨之不滅  
取之無生
大即廓周法界  
小即毛竭不停
煩惱混之不濁  
涅槃澄之不清
真如本無分別  
能辯有情無情
收之一切不立  
散之普遍含靈
妙神非知所測  
4於修行
滅則不見其5   
生則不見其成
大道寂號無相  
萬像窈號無名
如斯運用自在  
總是無心之精

和尚又告曰。諸般若中以無心般若而為最上故維摩經云。以無心意無受行。而悉摧伏外道。又法鼓經。若知無心可得。法即不可得。罪福亦不可得。生死涅槃亦不可得。乃至一切盡不可得。不可得亦不可得。乃為頌曰。

昔日迷時為有心  
爾時悟罷了無心
雖復無心能照用  
照用常寂即如如

無心無照亦無用  
無照無用即無為
此是如來真法界 
不同菩薩為辟支

言無心者即無妄6心也。
又問。何名為太上 

答曰。太者大也。上者高也。窮高之妙理故云太上也。又太者通泰之位也。三界之天雖有延康之壽福盡。是故終輪迴六趣。未足為太。十住菩薩雖出離生死。而妙理未極。亦未為太。十住修心7有入無。又無其無有雙遣不8中道。亦未為太。又忘中道三處都盡。位皆妙覺。菩薩雖遣三處。不能無其所妙。亦未為太。又忘其妙則佛道至極。則無所存。無存思則無思慮910。心智永息。覺照盡。寂然無為。此名為太也。太是理極之義。上是無等色。故云太上。即之佛如來之別名也。

無心論一卷




Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Đệ Bát Thập Ngũ Sách Số 2831
Vô Tâm Luận – Nhất Quyển
Thích Bồ Đề Đạt Ma Chế

Phù chí lý vô ngôn, yếu giả ngôn nhi hiển lý, đại đạo vô tướng vị tiếp thô nhi hiện hình. Kim thả giả lập nhị nhân, cộng đàm vô tâm chi luận hĩ.

Đệ tử vấn Hòa Thượng viết: Hữu tâm, vô tâm?

Đáp viết: Vô tâm

Vấn viết: Kí vân vô tâm thùy năng kiến, văn, giác, tri? Thùy tri vô tâm?

Đáp viết: Hoàn thị vô tâm kí kiến, văn, giác, tri. Hoàn thị vô tâm năng tri vô tâm.

Vấn viết: Kí nhược vô tâm tức hợp vô hữu kiến, văn, giác, tri. Vân hà đắc hữu kiến, văn, giác, tri?

Đáp viết: Ngã tuy vô tâm năng kiến, năng văn, năng giác, năng tri.

Vấn viết: Kí năng kiến, văn, giác, tri, tức thị hữu tâm na đắc xưng vô?

Đáp viết: Chỉ thị kiến, văn, giác, tri tức thị vô tâm. Hà xứ cánh ly kiến, văn, giác, tri biệt hữu vô tâm. Ngã kim khủng nhữ bất giải, nhất nhất vị nhữ giải, thuyết linh nhữ đắc ngộ chân lý, giả như kiến chung nhật kiến do vị vô kiến kiến diệc vô tâm. Văn chung nhật văn do vị vô văn, văn diệc vô tâm; giác chung nhật giác do vị vô giác, giác diệc vô tâm; tri chung nhật tri do vị vô tri, tri diệc vô tâm. Chung nhật tạo tác, tác diệc vô tác, tác diệc vô tâm. Cố vân kiến, văn, giác, tri tổng thị vô tâm.

Vấn viết: Nhược vi năng đắc tri thị vô tâm?

Đáp viết: Nhữ đãn tử tế thôi cầu khan, tâm tác hà tướng mạo? Kì tâm phục khả đắc? Thị tâm? Bất thị tâm? Vi phục tại nội? Vi phục tại ngoại? Vi phục tại trung gian? Như thị tam xứ thôi cầu, mịch tâm liễu bất khả đắc. Nãi chí ư nhất thiết xứ cầu mịch diệc bất khả đắc. Đương tri tức thị vô tâm.

Vấn viết: Hòa thượng kí vân nhất thiết xứ tổng thị vô tâm, tức hợp vô hữu tội phúc. Hà cố chúng sanh luân hồi lục thú1 sanh tử bất đoạn?

Đáp viết: Chúng sanh mê vọng, ư vô tâm trung nhi vọng sanh tâm, tạo chủng chủng nghiệp, vọng chấp vi hữu, túc khả trí sử luân hồi lục thú sanh tử bất đoạn. Thí hữu nhân ư ám trung, kiến diện ngột vi quỷ, kiến thẳng vi xà, tiện sanh khủng bố. Chúng sanh vọng chấp diệc phục như thị, ư vô tâm trung vọng chấp hữu tâm, tạo chủng chủng nghiệp, nhi thật vô bất luân hồi lục thú. Như thị chúng sanh nhược ngộ Đại Thiện Tri Thức giáo lệnh tham2 thiền giác ngộ Vô Tâm. Tất cả nghiệp chướng tận giai tiêu diệt, sanh tử tức đoạn. Thí như ám trung nhật quang, nhất chiếu nhi ám giai tận. Nhược ngộ Vô Tâm, nhất thiết tội diệt diệc phục như thị.

Vấn viết: Đệ tử ngu muội tâm do vị liễu thẩm nhất thiết xứ lục căn sở dụng giả ứng. Vấn3 viết: Ngữ chủng chủng thi vi, phiền não, Bồ Đề, sanh tử, Niết Bàn, định vô tâm phủ?

Đáp viết: Định thị vô tâm. Chỉ vi chung sanh vọng chấp hữu tâm tức hữu nhất thiết phiền não, sanh tử, Bồ Đề, Niết Bàn. Nhược giác vô tâm tức vô nhất thiết phiền não, sanh tử, Niết Bàn. Thị cố Như Lai vi hữu tâm giả thuyết hữu sinh tử, Bồ Đề đối phiền não đắc danh, Niết Bàn đối sinh tử đắc danh, thử giai đối trị chi pháp. Nhược vô tâm khả đắc tức phiền não, Bồ Đề diệc bất khả đắc, nãi chí sanh tử, Niết Bàn bất khả đắc.

Vấn viết: Bồ Đề Niết Bàn ký bất khả đắc, quá khứ chư Phật giai đắc Bồ Đề thử vị khả hồ?

Đáp viết: Đãn dĩ thế đế văn tự chi ngôn đắc, ư chân đế thật vô khả đắc. Cố Duy Ma Kinh vân: “Bồ Đề giả bất khả dĩ thân đắc, bất khả dĩ tâm đắc.” Hựu Kim Cang Kinh vân: “Vô hữu thiểu pháp khả đắc. Chư Phật Như Lai đã dĩ bất khả đắc nhi đắc.” Đương tri hữu tâm tức nhất thiết hữu, vô tâm nhất thiết vô.

Vấn viết: Hòa Thượng ký vân ư nhất thiết xứ tận giai vô tâm, mộc thạch diệc vô tâm, khởi bất đồng ư mộc thạch hồ?

Đáp viết: Nhi ngã vô tâm, tâm bất đồng mộc thạch. Hà dĩ cố? Thí như thiên cổ tuy phục vô tâm, tự nhiên xuất chủng chủng diệu pháp giáo hóa chúng sanh. Hựu như như ý châu tuy phục vô tâm tự nhiên năng tác chủng chủng biến hiện. Nhi ngã vô tâm diệc phục như thị, tuy phục vô tâm thiện năng giác liễu chư pháp thật tướng, cụ chân Bát Nhã, tam thân tự tại, ứng dụng vô phương. Cố Bảo Tích Kinh vân: “Dĩ vô tâm ý nhi hiện hành.” khởi đồng mộc thạch hồ?! Phù vô tâm giả tức chân tâm dã, chân tâm giả tức vô tâm dã.

Vấn viết: Kim ư tâm trung tác nhược vi tu hành?

Đáp viết: Đãn ư nhất thiết sự thượng giác liễu vô tâm tức thị tu hành, cánh bất biệt hữu tu hành. Cố tri vô tâm tức nhất thiết, tịch diệt tức vô tâm dã, đệ tử ư thị hốt nhiên đại ngộ, thủy tri tâm ngoại vô vật, vật ngoại vô tâm, cử chỉ động dụng giai đắc tự tại, đoạn chư nghi võng, cánh vô quái ngại, tức khởi tác lễ nhi minh vô tâm nãi vi tụng viết:

Tâm thần hướng tịch
Vô sắc vô hình
Đổ chi bất kiến
Thính chi vô thanh
Tự ám phi ám
Như minh bất minh
Xả chi bất diệt
Thủ chi vô sanh
Đại tức khuếch chu pháp giới
Tiểu tức mao kiệt bất đình
Phiền não hỗn chi bất trọc
Niết Bàn trừng chi bất thanh
Chân Như bổn vô phân biệt
Năng biện hữu tình vô tình
Thu chi nhất thiết bất lập
Tán chi phổ biến hàm linh
Diệu thần phi tri sở trắc
Chánh giác4 tuyệt ư tu hành
Diệt tắc bất kiến kỳ hoại5
Sanh tắc bất kiến kỳ thành
Đại đạo tịch hào vô tướng
Vạn tượng yểu hào vô danh
Như tư vận dụng tự tại
Tổng thị vô tâm chi tinh

Hòa thượng hựu cáo viết: Chư Bát Nhã trung dĩ Vô Tâm Bất Nhã nhi vi tối thượng. Cố Duy Ma Kinh vấn: “Dĩ vô tâm ý vô thụ hành nhi tất tồi phục ngoại đạo.” Hựu Pháp Cổ Kinh: “Nhược tri vô tâm khả đắc, pháp tức bất khả đắc, tội phúc diệc bất khả đắc, sanh tử Niết Bàn diệc bất khả đắc, nãi chí nhất thiết tận bất khả đắc, bất khả đắc diệc bất khả đắc”. Nãi vi tụng viết:

Tích nhật mê thì vi hữu tâm
Nhĩ thời ngộ bãi liễu vô tâm
Tuy phục vô tâm năng chiếu dụng
Chiếu dụng thường tịch tức Như Như

Trùng viết:

Vô tâm vô chiếu diệc vô dụng
Vô chiếu vô dụng tức vô vi
Thử thị Như Lai Chân Pháp Giới
Bất đồng Bồ Tát vi Bích Chi

Ngôn vô tâm giả tức vô vọng tưởng6 tâm dã.

Hựu vấn: Hà danh vi Thái Thượng?

Đáp viết: Thái giả đại dã, Thượng giả cao dã, cùng cao chi diệu lý cố vân thái thượng dã, hựu thái giả thông thái chi vị dã. Tam giới chi thiên tuy hữu diên khang chi thọ phúc tận thị cố chung luân hồi lục thú vị túc vi thái. Thập Trụ Bồ Tát tuy xuất ly sanh tử nhi diệu lý vị cực diệc vị vi thái. Thập Trụ tu tâm vong7 hữu nhập vô, hựu vô kỳ vô hữu, song khiển, bất vong8 trung đạo diệc vị vi Thái. Hựu vong trung đạo, tam xứ đô tận, vị giai Diệu Giác. Bồ Tát tuy vị khiển tam xứ, bất năng vô kỳ sở diệu, diệc vị vi Thái. Hựu vong ký Diệu tắc Phật Đạo chí cực, tắc vô sở tồn, vô tồn tư tắc vô, tư lự9 kiêm vong10, tâm trí vĩnh tức, giác chiếu câu tận, tịch nhiên vô vi, thử danh vi Thái da. Thái thị lý cực chi nghĩa. Thượng thị vô đẳng sắc. Cố vân Thái Thượng tức chi Phật Như Lai chi biệt danh dã.
Vô Tâm Luận Nhất Quyển

Ghi Chú:
1.     Sách ghi là = Lục Tụ, nhưng đáng lý là Lục Thú thì mới có nghĩa. Vì ở văn sau cũng nói là = Lục Thú. Do vậy sách viết sai từ, nên để là Lục Thú.

2.     Sách ghi là 坐禪 = Tọa Thiền. Nhưng đổi lại thành 參禪 = Tham Thiền thì mới hợp với Thiền Tông. Bởi Thiền là Tâm Thiền chứ không phải Thân Tọa. Lục Tổ Huệ Năng cũng nói “Đạo do Tâm Ngộ bất tại Tọa.” (Đạo do Tâm Ngộ chẳng do Ngồi)

3.     Sách ghi là 答曰 = Đáp Rằng, nhưng thấy không có nghĩa vì vị đệ tử đang hỏi. Cho nên sửa lại thành 問曰= Hỏi Rằng cho dễ hiểu.

4.     Sách ghi là 正覓 = Chánh Mịch nhưng không có nghĩa, chữ mịch thấy giống chữ giác () nên ghi là = Chánh Giác cho dễ hiểu.

5.     Sách ghi là = Hoài, nhưng không có nghĩa, phải là = Hoại mới có thể đối với câu sau là [] = Thành. Vì thế sách viết sai từ, nên để là Hoại.

6.     Sách ghi là = Tướng nhưng có lẽ nên ghi là = Tưởng thì mới phù hợp.

7.     Sách ghi là = Vọng, nhưng = Vong (Quên) thì mới đúng nghĩa của bài văn.

8.     Sách ghi là = Vọng, nhưng = Vong (Quên) thì mới đúng nghĩa của bài văn.

9.     Sách ghi là “vô tồn tư tắc vô tư lự, kiêm vong9 tâm trí vĩnh tức” nhưng thấy đọc không được trôi trãi và không đúng với ý vị của thiền tông. Nếu bốn chữ sau là “tâm trí vĩnh tức” thì bốn chữ trước phải là “tư lự kiêm vong” mới phù hợp văn phong và có ý nghĩa. Như vậy còn lại năm chữ “vô tồn tư tắc vô” là một câu. Do vậy sửa lại là “vô tồn tư tắc vô, tư lự kiêm vong, tâm trí vĩnh tức”.

10. Sách ghi là = Vọng, nhưng = Vong (Quên) thì mới đúng nghĩa của bài văn.

Tài Liệu Tham Khảo:

1.     Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn Online. http://hanviet.org/

2.     Vô Tâm Luận bằng tiếng Hán. Chinese Buddhist Electronic Text Association (CBETA). http://tripitaka.cbeta.org/T85n2831_001

3.     Vô Tâm Luận. Cố HT Thích Đắc Pháp Việt dịch. http://www.buddhamountain.ca/VT2831.php

4.     Vô Tâm Luận. Trần Quang Đức Việt dịch.